Theo các chuyên gia dinh dưỡng thực phẩm khô nếu không bảo quản đúng cách sẽ dễ bị mốc và nấm mốc. Do vậy vấn đề bảo quản, không sử dụng các thực phẩm đã bị hỏng, bị nấm mốc là một vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa trong việc hạn chế tần suất xuất hiện bệnh ung thư gan nguyên phát. Nguyên tắc hàng đầu trong bảo quản thực phẩm khô là bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và tùy từng loại thực phẩm mà cân nhắc có nên bảo quản trong ngăn mát hay ngăn đá của tủ lạnh. Để giữ thực phẩm khô lâu bị ẩm mốc, dù là phơi hay đã sấy, phải để trong tủ lạnh (ngăn mát đựng rau quả), bao ngoài bằng lớp giấy báo hoặc giấy hút ẩm, kế đến là bao ni-lông cột chặt miệng lại. Chỉ chọn đồ khô chế biến ở Việt Nam, có địa chỉ rõ ràng, mua hàng tại các cơ sở có uy tín như siêu thị, đại lý ủy quyền. Đặc biệt, đối với những thực phẩm hải sản khô, sau khi mua về nên phơi lại 2-3 nắng cho thật khô Không mua thực phẩm được tẩy quá trắng hoặc nhiều màu sắc vì loại này thường sử dụng quá nhiều hóa chất. |
Điều cần lưu ý khi ăn một vài loại thực phẩm khô
Mặc dù là mặt hàng được tiêu thụ thường xuyên ở nhiều gia đình nhưng nếu tiêu thụ thực phẩm khô không đúng cách cũng có thể đem lại những tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.
Dưới đây là những điều cần lưu ý khi tiêu thụ một vài loại thực phẩm khô phổ biến.
Trái cây sấy khô
Trái cây sấy khô là một thực phẩm lành mạnh, nhưng nó cũng không phải là loại thực phẩm nên ăn nhiều. Bản chất trái cây sấy khô chứa nhiều chất xơ nhưng ăn quá nhiều chất xơ sẽ ảnh hưởng xấu đến ruột của bạn, đặc biệt nếu cơ thể bạn chưa quen với việc tiêu thực phẩm có nhiều chất xơ. Trái cây sấy khô có thể khiến bạn bị đầy hơi, đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy.
Một trong những mối nguy hiểm khi ăn trái cây sấy khô bán sẵn là tiêu thụ phải chất sulfur dioxide. Sulphur dioxide là một chất khí có mùi khó chịu, được tạo ra từ than hoặc dầu đốt, và được sử dụng như một chất khử trùng, tẩy trắng hoặc bảo quản thực phẩm như là hoa quả sấy khô.
Sử dụng sulfur dioxide giúp trái cây duy trì màu sắc và hương vị của chúng, cũng như kéo dài thời hạn sử dụng.
Y văn tại Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ không xem xét sulfur dioxide là chất có hại cho sức khỏe con người nếu tiêu thụ với số lượng nhỏ, nhưng nếu tiêu thụ với số lượng lớn thì có thể cực kì nguy hại, ảnh hưởng tiêu hóa, ngộ độc, thậm chí gây tử vong.
Những người bị đường huyết cao, bị bệnh đường tiêu hóa càng không nên ăn các loại hoa quả sấy khô.
Măng khô
Hiện tượng ngộ độc măng xuất hiện rất phổ biến, song nhiều người vẫn lầm tưởng do triệu chứng đau ốm hoặc ngộ độc thực phẩm chứ ít ai nghĩ là do độc tố trong măng gây nên. Ngộ độc măng thường xuất hiện vài giờ sau khi ăn và thường gây ra biểu hiện đau đầu, buồn nôn, tụt huyết áp… Một số người bị ngộ độc măng còn có thể bị ngất xỉu, lên cơn co giật, nặng hơn có thể dẫn tới tử vong.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong măng tươi hay măng khô đều chứa độc tố, nhưng nếu sử dụng măng khô thì khả năng độc tố sẽ ít hơn, vì chất cyanide đã bị phân hủy khi được ngâm hoặc phơi khô.
Tuy nhiên măng khô không hẳn an toàn cho người sử dụng bởi khi bảo quản, người cung cấp sẽ tẩm thêm hóa chất độc hại như lưu huỳnh (chất diêm sinh) để bảo quản. Bên cạnh đó chính bản thân măng khô thường bị mốc cho nên cũng nảy sinh nhiều vi khuẩn độc hại.
Đối với măng khô, người tiêu dùng phải nhìn cảm quan xem có tươi vàng ánh đậm hay không, ngửi mùi không mốc, khi về nhà chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, ngâm luộc, rửa, chế biến. Kinh nghiệm cho thấy khi nếm măng có vị đắng cũng có nghĩa còn độc tố.
Hải sản khô
Tôm, tép hay các loại hải sản khác đều cung cấp một lượng đạm đáng kể, đặc biệt trong tôm khô, lượng đạm còn cao hơn nhiều lần so với tôm tươi, thịt bò.
Cụ thể trong kết quả nghiên cứu của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thì trong 100g tôm khô có tới 75,6g đạm chưa kể các thành phần vi chất khác cao hơn nhiều lần so với tôm tươi, thịt bò hay thịt lợn. Bên cạnh đó hàm lượng muối khoáng, can-xi, phốt-pho, natri và kẽm cũng rất cao.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Giảng viên Khoa Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội theo quy trình sơ chế các loại hải sản khô như cá khô, mực khô, tôm, tép khô hiện nay, khi phơi, người ta sẽ phun thuốc từ xa để ruồi khỏi bay vào chứ không phun trực tiếp lên sản phẩm.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, không loại trừ việc có một số người chế biến vẫn phun trực tiếp lên sản phẩm trong quá trình sơ chế hoặc một số người dùng các hóa chất bảo quản với liều lượng không đúng dẫn đến mất an toàn thực phẩm. Do đó, để làm rõ sản phẩm đó có hóa chất diệt ruồi, kiến hay không cũng như có đảm bảo hợp vệ sinh an toàn thực phẩm không cần phải lấy mẫu và làm các xét nghiệm cụ thể mới có thể khẳng định.