Giá đầu vào tăng mạnh
Lý giải việc hàng trăm hộ nông dân trong huyện phải bỏ chuồng, ông Nguyễn Văn Hiến – Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho rằng: “Nguyên nhân chính vẫn là do giá đầu vào như con giống, thức ăn tăng quá cao, ngược lại, đầu ra lại tụt giảm. Bên cạnh đó, việc có quá nhiều gà thải loại Trung Quốc tràn vào đã làm giá thực phẩm trong nước lao dốc, người chăn nuôi thua lỗ nên không muốn tái đàn, tăng đàn”.
Nếu cho nhập khẩu thêm thịt, người chăn nuôi trong nước sẽ ảnh hưởng (ảnh minh họa)
Khi hỏi về chi phí đầu vào, đầu ra của con gà, anh Nguyễn Đình Tâm - một trong những người nuôi gà có tiếng ở thôn 3, xã Cát Quế (Hoài Đức) làm phép so sánh: Nếu giá cám năm 2011 là 270.000 đồng/1 bao 25kg thì nay tăng lên 300.000 đồng. Trong khi đó, giá gà năm 2011 là 49.000 đồng/kg, nay giảm còn 46.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ 42.000 đồng/kg. “Nếu giá thức ăn như hiện nay, giá gà phải được 54.000–55.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới có lãi” - anh Tâm nhẩm tính.
Chị Trần Thị Hường, (thôn 5, xã Cát Quế) trước nuôi khoảng 200 lợn thịt, nái/lứa, nhưng hiện chỉ nuôi 50 con. “Giá cám gạo tăng từ 55.000 đồng/bao 10kg lên 75.000 đồng. Cám Con Cò tăng từ 115.000 đồng/bao 25kg lên 140.000 đồng. Song giá lợn hơi hiện chỉ đạt khoảng 37.000 đồng/kg, thì càng nuôi, càng lỗ. Muốn có lời, giá lợn phải đạt 43.000 đồng/kg trở lên hoặc giá thức ăn phải giảm thì mới có lãi”- chị Hương tính toán.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, kỳ vọng việc giá thực phẩm đầu ra tăng vào thời điểm này là rất khó, nếu chúng ta không ngăn chặn được tình trạng nhập lậu gà loại thải từ Trung Quốc. Chưa kể việc Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đưa ra dự kiến phải nhập ít nhất 100.000 tấn thịt nữa cũng sẽ tác động lên tâm lý thị trường, có thể kéo giá thực phẩm giảm thêm.
Nông dân điêu đứng
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), trong 10 tháng đầu năm nay, có khoảng 100.000 tấn gà đẻ loại thải từ Trung Quốc qua các tỉnh biên giới đưa vào Việt Nam. Ngoài gà thịt, còn có vịt, nội tạng động vật và 15-20 triệu gà con được đưa vào nước ta bằng đường nhập lậu. “Lượng gia cầm nhập lậu không chỉ là nguyên nhân gây lây lan, bùng phát dịch bệnh, mà còn làm giảm giá gà trong nước” - ông Sơn nhận định.
Mặc dù nhận định như thế, nhưng Bộ NNPTNT cho rằng không đáng lo, bởi theo Cục Chăn nuôi, ước tính đàn gia cầm của cả nước chỉ giảm trên 2% so với cùng kỳ năm 2011. Do vậy, khó có khả năng nguồn cung gà dịp tết sẽ thiếu, mà nếu có thiếu cũng sẽ bù đắp bằng lượng thịt nhập khẩu, dự kiến khoảng 40.000 tấn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, số lượng đàn gà thực tế còn giảm hơn rất nhiều so với con số 2% mà Cục Chăn nuôi công bố. Ông Nguyễn Quốc Trung - Tổng Giám đốc Công ty Chăn nuôi Japfa Việt Nam cho biết: “Năm nay, nhu cầu tiêu thụ thịt gà trong nước giảm tới 30–40%, trong khi lượng gà nhập lại quá nhiều”. Theo ông Trung, chỉ tính riêng lượng gà nhập lậu từ Trung Quốc 10 tháng đầu năm 2012 đã tới 100.000 tấn, tức mỗi tháng nhập 10.000 tấn, tương đương 5 triệu con/tháng (gần bằng với mức xuất chuồng của 3 công ty chăn nuôi lớn trong nước – PV). Thêm vào đó, với mức nhập khẩu chính ngạch khoảng 60.000 tấn trong 10 tháng qua, tức gần 3 triệu con gà/tháng nữa, đã chiếm hơn 50% thị phần trong nước. “Nguồn cung quá dư thừa như thế, thử hỏi làm sao giá cả có thể lên được, làm sao người dân, doanh nghiệp không treo chuồng, giảm đàn?!” – ông Trung bức xúc.
Chỉ tính riêng các tỉnh khu vực phía Nam, mỗi tháng các công ty: CP, Japfa và Emivest bán ra thị trường khoảng 5,7 triệu con gà công nghiệp. Nếu giãn nuôi, giảm đàn 30-50%, tương ứng thị trường sẽ hụt từ 1,7-2,8 triệu con.
Theo các chuyên gia, để vực dậy nền chăn nuôi trong nước, Nhà nước cần có những động thái tích cực ở cấp kinh tế vĩ mô nhằm kích cầu, đảm bảo an sinh xã hội như tăng lương, giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân… Đồng thời phải quản lý chặt hệ thống phân phối và giá cả.
Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Bình Phước cho biết: “Thời gian qua giá bán ở chuồng trại thấp nhưng sau khi ra chợ lẻ, siêu thị giá lại đội lên gần gấp đôi. Giá mắc như thế hỏi sao người tiêu dùng không ăn gà nhập có giá rẻ hơn. Chỉ cần kiểm soát được khâu lưu thông, phân phối, đưa giá bán trở về đúng với giá trị thật của con gà sẽ kích thích được tiêu dùng”.
Hiện Hiệp hội Gia cầm Bình Phước và các thành viên đều liên tiếp nhận được thông báo dãn nuôi, giảm đàn từ 3 “đại gia” lớn đang chi phối thị trường thịt gà công nghiệp trong nước là các công ty C.P, Japfa và Emivest. “Họ yêu cầu các chủ trại nuôi gia công giãn thời gian nuôi từ 4-5 lứa/năm xuống còn 2 lứa/năm. Với mức giãn nuôi như thế tương ứng với việc sản lượng gà giảm khoảng 50%, sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung gà trong những tháng cuối năm” - ông Hùng nhận định.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Trung, đa phần các công ty bắt đầu áp dụng giảm đàn từ cuối tháng 10 thì chỉ trong vòng khoảng 1 tháng sau, tức đầu tháng 12.2012 thị trường thực phẩm sẽ có biến động.