Ai có con đang độ tuổi đi học tiểu học có lẽ đều đồng ý rằng, một trong những điều đau đầu nhất chính là làm sao để con thức dậy đi học đúng giờ, tới giờ học thì phải ngồi vào bàn để làm bài tập. Trên các diễn đàn, không khó để tìm được các dòng trạng thái than vãn chuyện con không kỷ luật, thiếu tính tự giác. "Nhắc con cái học hành thôi đã đủ hết ngày, chẳng mấy chốc mà già trước tuổi", một bà mẹ ngao ngán cảm thán!
Thế nhưng, có bao giờ bạn thử đặt giả định: Nếu mình "lờ" đi, cứ kệ con làm gì thì làm, chuyện gì sẽ xảy ra không? Chắc hẳn hầu hết các ông bố bà mẹ sẽ hoài nghi: Đi bên lưng nhắc ra rả còn không ăn thua, lờ luôn thì có mà... nghỉ học. Nhưng thực tế liệu có đúng như vậy không?
Có một câu chuyện từng khiến nhiều người bàn tán: Một học sinh nữ tên Tiểu Di (Trung Quốc) trong lớp học phụ đạo luôn làm bài chậm và không thích suy nghĩ, đặc biệt là môn Toán. Những bài toán đơn giản nhất, học sinh này cũng chờ giáo viên giúp đỡ. Một lần, khi đang làm một bài toán tính diện tích hình chữ nhật, cô bé cũng đưa tay và nói không làm được.
Học sinh: Thưa thầy, thầy làm câu hỏi này như thế nào ạ?
Thầy giáo: Chỉ cần nhớ công thức diện tích của hình chữ nhật = chiều dài * chiều rộng.
Học sinh: Chiều dài và chiều rộng là bao nhiêu, hãy nói cho em biết ạ.
Thầy giáo: Em chỉ cần đọc đề bài thôi.
Học sinh: Em đọc rồi, nhưng không biết làm sao.
Thầy giáo: Cứ lấy số liệu và đặt công thức tính diện tích hình chữ nhật.
Học sinh: Công thức là gì ạ?
Thầy giáo: Em có nhớ công thức tính diện tích hình chữ nhật mà thầy vừa nói với em không?
Học sinh: Em không nhớ ạ. Thầy có thể chỉ cho em cách viết nó được không? (Cô bé nói với vẻ mặt cầu khẩn).
Đoạn hội thoại khi được chia sẻ khiến ai nấy cảm thấy bất ngờ. Nhiều người còn cho rằng, Tiểu Di vốn cố tình trêu tức giáo viên, nhưng thực tế, cô bé không nhớ công thức thật. Bố mẹ Tiểu Di đi làm xa, ông bà chăm sóc cháu, Tiểu Di chỉ cần "há miệng chờ sung", mọi việc đều do ông bà thu xếp ổn thỏa, đụng tí còn làm nũng, mất bình tĩnh.
Cô bé lười đến mức không muốn nghĩ đến vấn đề, không muốn giải quyết vấn đề, chỉ chờ người nhà làm thay. Nếu sự giúp đỡ không đến nơi đến chốn, cô bé sẽ cảm thấy đau lòng như cả thế giới "nợ" bản thân mình. Có thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra với cô bé ấy trong tương lai. Khả năng chịu đựng và chống lại thất bại kém, Tiểu Di chỉ có thể tham gia vào những công việc đơn giản.
Bản chất của con người là sẵn sàng làm theo suy nghĩ của bản thân và từ chối mệnh lệnh của người khác. Vì vậy, trong quá trình nuôi dạy trẻ, để cho trẻ hình thành ý thức tự lập, chúng ta nên cố gắng hết sức để trẻ tự suy nghĩ và lựa chọn.
Nếu cha mẹ luôn thúc giục con đi học,
Nếu cha mẹ luôn nhắc con ăn,
Nếu cha mẹ cũng luôn là người nhắc con làm bài tập, sinh hoạt, tắm rửa...
Sự bao bọc quá mức này của phụ huynh dù con không còn nhỏ sẽ khiến một số đứa trẻ chỉ thích ăn và chơi cả ngày, không lo lắng điều gì vì đã có bố mẹ. Cuộc sống của một đứa trẻ khi quá dựa dẫm vào bố mẹ thường không có tính tự lập, lười biếng, tương lai rất mù mờ.
Trong một số gia đình, bố mẹ thường chê bai con cái lười biếng, không chịu làm việc nhà. Thế nhưng, họ có nghĩ rằng điều này là do trước đó họ chưa bao giờ cho phép trẻ làm, tự mình ôm đồm quá nhiều việc, đến khi không chịu nổi thì đâm ra trách móc con cái không biết giúp đỡ bố mẹ.
"Buông" con chính là thương con
Trong giáo dục gia đình hàng ngày, cha mẹ cần buông bỏ bớt để con cái tự thu xếp cuộc sống của mình. Nhiều cha mẹ sẽ nghĩ, không nhắc trẻ sẽ không học đâu. Đúng là không bị nhắc, trẻ sẽ không học. Nhưng nếu bố mẹ nhắc thì sau này trẻ cứ chờ bị nhắc rồi mới học. Trẻ sẽ nghĩ mình học là cho bố mẹ.
Khi bố mẹ "lờ" đi, có thể lúc đầu con sẽ làm loạn mọi thứ, có thể thời gian biểu trong ngày rối tung hết cả lên. Nhưng, đừng quên cô giáo là người duy nhất nhắc mà vẫn khiến trẻ hiểu việc học là của trẻ. Khi bị cô giáo phạt vì tội đi trễ hay không hoàn thành bài tập được giao, đứa trẻ hiểu việc học là của mình chứ không phải của ai khác. Vì thế, hãy để cô giáo làm nhiệm vụ của mình.
Tuyệt đối đừng bênh con khi con bị cô mắng vì lười. Khi con thấy cả ba mẹ lẫn cô giáo đều không đồng tình với hành vi lười biếng của con, chắc chắn con sẽ sửa chữa. Khi con tiến bộ, hãy khen ngợi sự phấn đấu đó của con, đừng khen ngợi điểm số.
Một trong những cách để rèn thói quen, xây dựng nền nếp cho trẻ là lập thời gian biểu. Đặc biệt, với đối tượng học sinh, hoạt động lập thời gian biểu giúp các em quản lý tốt thời gian, cân bằng giữa học tập và vui chơi nhằm đảm bảo sức khỏe lẫn sự phát triển toàn diện về trí tuệ và tinh thần. Lưu ý, tránh sắp xếp thời gian công việc học tập liền sát nhau. Cần phải có những khoảng thời gian giải trí xen kẽ để trẻ không căng thẳng và chán nản việc học.
Bên cạnh đó, điều cha mẹ cần quan tâm nhất là bản thân phải biết cách kiểm soát cảm xúc của mình khi nói chuyện với con cái, nhất là khi có liên quan tới việc học. Cha mẹ không nên la hét, tranh cãi, mà chỉ cần nói với giọng điệu bình thường để trẻ có thể hiểu hết được. Kiểu giao tiếp tôn trọng và trực tiếp này sẽ giúp tránh xung đột giữa cha mẹ và con cái, giữ không khí hòa bình trong gia đình.