Đêm qua, đội tuyển Argentina đã giành chiến thắng với tỷ số 3-0 trước Croatia ở vòng bán kết, chính thức dành được vé vàng vào chung kết World Cup 2022.
Trong ngày hôm nay, người ta hết lời ca tụng ngôi sao bóng đá Messi vì anh đã thi đấu vô cùng ấn tượng. Tiền đạo này đóng góp 1 bàn thắng và 1 đường kiến tạo thành bàn cho đội tuyển Argentina.
Ít ai biết để có được ngày hôm nay, siêu sao Lionel Messi từng phải trải qua căn bệnh hiếm gặp của bóng đá thế giới. Dù đang ở đỉnh cao của sự nghiệp cầu thủ nhưng mỗi khi nhắc lại, chính anh cũng cảm thấy bồi hồi, xúc động, không cầm được nước mắt.
Căn bệnh hiểm nghèo mà siêu sao bóng đá Messi mắc khi còn nhỏ
Khi còn nhỏ, Lionel Messi đã được chẩn đoán mắc căn bệnh thiếu hormone tăng trưởng bẩm sinh. Đó là lý do vì sao mà ngoại hình của anh khá thấp bé so với các bạn cùng tuổi. 10 tuổi, Messi lúc đó chỉ cao có 1m27.
Được biết, căn bệnh mà Messi mắc phải thuộc loại cực hiếm trên thế giới. Trung bình 20 triệu người thì chỉ có 1 người bị và chi phí để điều trị căn bệnh này là cực kì tốn kém.
Bác sĩ Diego Schwarsztein là người đầu tiên thăm khám và phát hiện ra căn bệnh của Messi. Bác sĩ đã đưa ra phác đồ điều trị cho Messi với số tiền gần 1.000 đô la mỗi tháng. Messi sẽ được tiêm dưới da hàng ngày, liên tục trong khoảng 3-6 năm. Dự kiến chi phí điều trị sẽ lên tới khoảng 600.000 peso/năm (tương đương 150.000 USD, theo tỷ giá thời bấy giờ).
Chi phí điều trị này vượt ngoài khả năng của gia đình Messi, thậm chí đây cũng là một con số rất lớn ở tất cả các CLB của Argentina. Điều ấy khiến cho giấc mơ chơi bóng của anh gần như khép lại.
Cuối cùng vì nhận thấy khả năng thiên bẩm của ngôi sao bóng đá, CLB Barcelona đã quyết định sẽ giúp cậu bé 13 tuổi năm đó chữa bệnh. Nhờ có sự tài trợ của Barcelona, Messi đã được tiêm hormone tăng trưởng để phát triển cơ xương cũng như thể trạng. Nhờ vậy, từ một cậu bé chỉ cao 1m4, Messi đã dần trưởng thành và đạt được chiều cao 1m69. Với chiều cao và thể chất này, chàng siêu sao bóng đá như "hổ mọc thêm cánh", anh đã có đủ điều kiện cần để thể hiện tài năng thiên bẩm của mình.
Bác sĩ tiết lộ dấu hiệu trẻ bị thiếu hụt hormone tăng trưởng
Theo tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thoại Loan (Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, Việt Nam): Nội tiết tố tăng trưởng là một hormone được tiết ra từ tuyến yên của não. Nếu bị thiếu hormone tăng trưởng, trẻ sẽ thấp còi, suy dinh dưỡng. Trường hợp trẻ bị thiếu nội tiết tố tăng trưởng cần phải điều trị bằng cách bổ sung hormone tăng trưởng thì mới giúp bé đạt được chiều cao tối đa.
Khi bị thiếu hụt hormone tăng trưởng, trẻ thường xuất hiện 2 dấu hiệu:
1. Chiều cao của bé thấp hơn chuẩn trung bình căn cứ vào biểu đồ tăng trưởng theo độ tuổi của Tổ chức Y tế thế giới.
2. Nếu thấy trong 6 tháng liền trẻ không tăng thêm đến một cm thì nên nghĩ đến khả năng bị thiếu hormone tăng trưởng.
Cũng theo TS Thoại Loan, một vài nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng thiếu nội tiết tố tăng trưởng bao gồm: Mắc các bệnh lý bẩm sinh khiến đứa trẻ sinh ra nhỏ so với tuổi thai; người không có tuyến yên; tuyến yên không tiết đủ hormone tăng trưởng...
Vị chuyên gia khuyến cáo cha mẹ có con nhỏ nghi ngờ thiếu hụt nội tiết tố tăng trưởng thì nên đưa con đến gặp và khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết, không nên tự ý bổ sung hormone. Việc điều trị hormone cho trẻ cần được áp dụng càng sớm càng tốt và kéo dài đến 12 tuổi.