Mới đây, chuyên gia dinh dưỡng Anh Nguyễn (ĐH Worcester-Anh) đã tóm tắt lại nghiên cứu mới về vai trò của dinh dưỡng đối với sự phát triển chiều cao của trẻ. Nghiên cứu được dẫn đầu bởi GS. Ezzati, ĐH Imperial College London (Anh) sau khi đánh giá gần 65 triệu trẻ em trên toàn thế giới, vừa được công bố trên tập san y khoa nổi tiếng Lancet đầu tháng 11 này.
Dinh dưỡng và di truyền đối với sự phát triển chiều cao
“Cha mẹ lùn, con lùn. Cha mẹ cao, con cao”. Liệu đó có phải là số phận! Mỗi đứa trẻ được sinh ra đều mong đợi đạt được chiều cao tối ưu kì vọng bởi di truyền của cả cha mẹ. Con số này có thể tính đơn giản như sau:
• Bé trai = ([chiều cao của cha] + [chiều cao của mẹ])/2 + 6.5cm (+/- 8.5cm).
• Bé gái = ([chiều cao của cha] + [chiều cao của mẹ])/2 - 6.5cm (+/- 8.5cm)
Tuy nhiên, con đường để đạt chiều cao kì vọng này và phần cm được cộng (+) hay bị (-) có ảnh hưởng lớn bởi yếu tố môi trường.
Nghiên cứu của GS. Ezzati đã nhấn mạnh yếu tố môi trường quan trọng xuyên suốt quy trình này là dinh dưỡng đúng - nó không chỉ quan trọng ở giai đoạn trước 5 tuổi như nhiều cha mẹ thường quan tâm, mà là cả quy trình trước 19 tuổi. Đây là nghiên cứu có giá trị cao về bằng chứng khoa học vì có đến 200 quốc gia tham gia, từ những quốc gia có chỉ số chiều cao trung bình thuộc dạng cao nhất thế giới ở Âu Châu như Hà Lan, Đan Mạch… đến những quốc gia có chiều cao khiêm tốn hơn ở các khu vực như Châu Mỹ La Tinh, Đông Nam Á.
Những quan niệm sai lầm về "dinh dưỡng giúp trẻ cao lớn"
1. Quá chú tâm đến những thực phẩm dinh dưỡng giúp tăng chiều cao mà bỏ quên cả quy trình dinh dưỡng - cái mà cần đúng và đa dạng, bởi sự phát triển chiều cao không chỉ dựa trên một loại thực phẩm riêng biệt nào. Hơn nữa, cũng không có bằng chứng nào nói rằng ăn 1 loại thực phẩm nào nhiều sẽ giúp trẻ cao lớn.
2. Một số cha mẹ đánh đồng quan điểm to lớn với cao lớn. Họ tự hào: “Con em to bự nhất lớp. Tuy nhiên, điều này được chứng minh ngược lại, đặc biệt với các bé sau 2 tuổi: Trẻ càng phát triển chiều ngang (vòng bụng) thì chiều cao trẻ giảm khi trưởng thành. Điều này được nhấn mạnh trong báo cáo của TS. Stovitz. Việc nắm giữ quan niệm sai lầm này đã làm nhiều cha mẹ thường ép hay dụ trẻ ăn bằng mọi cách.
Nuôi con bằng cách “vỗ béo” chỉ làm bé tăng nguy cơ dậy thì sớm, các bệnh tim mạch và đái tháo đường, chứ không giúp trẻ cao lớn hơn khi trưởng thành. Trẻ dậy thì sớm cũng có chiều cao giảm khi trưởng thành, theo nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Kozieł, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan.
3. Bổ sung canxi giúp trẻ cao lớn. Một số cha mẹ bổ sung canxi vô tội vạ cho trẻ vì mong trẻ cao hơn. Điều này không những không hiệu quả, mà có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ như vấn đề về thận, tim mạch nếu dư thừa. Bổ sung canxi từ thuốc hay thực phẩm chức năng là không nên trừ khi có lời khuyên của chuyên gia.
Thực ra, có khá nhiều thực phẩm chứa canxi trong tự nhiên. Ví dụ, sữa được biết là nguồn canxi dồi dào. Ngoài ra, sữa cũng chứa vitamin D và axit amin thiết yếu - những tổ hợp chất dinh dưỡng giúp cơ thể hấp thụ hiệu quả canxi vào cơ thể. Canxi tự nhiên từ thực phẩm là dạng cơ thể trẻ dễ hấp thụ và không có nguy cơ bị dư thừa. Ngoài sữa, cũng có những thực phẩm khác cũng giàu canxi như phô mai, tôm, cá…
4. Ăn nhiều thịt và uống nhiều sữa giúp trẻ thêm cao. Đây cũng là suy nghĩ chưa đúng. Khi thu nạp nhiều hơn nhu cầu của cơ thể dù chất dinh dưỡng có tốt đến đâu đều không tốt. Sự phát triển chiều cao của trẻ có thể cần nguồn nguyên liệu như axit amin thiết yếu từ chất đạm thịt cá hay canxi từ sữa, nhưng quá dư thừa có thể gây ra nhiều vấn đề.
Bằng chứng cũng cho thấy chế độ ăn quá dư thừa đạm trước 6 tuổi có thể ảnh hưởng đến cân nặng và tích lũy mỡ trong tương lai của trẻ. Hay, uống nhiều sữa trong ngày có thể ảnh hưởng đến lượng ăn của trẻ và giảm tính đa dạng của thực phẩm. Do đó, lượng sữa nên thay đổi tùy vào giai đoạn phát triển của trẻ.
- Trẻ 1-2 tuổi nên duy trì không quá 500mL/ngày các loại.
- Trẻ từ 2 tuổi, sữa được xem là 1 khẩu phần dinh dưỡng phụ hằng ngày, khoảng 200-300ml/ngày. Có thể lựa chọn những loại sữa có bổ sung thêm những dưỡng chất khác để tăng nguồn dinh dưỡng cũng như sự đa dạng
Hiểu đúng để giúp trẻ phát triển chiều cao tốt nhất
1. Bổ sung vitamin D đầy đủ cho trẻ.
2. Trẻ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đúng.
Nên đa dạng nguồn đạm cho trẻ trong bữa ăn hàng ngày và trong tuần. Ví dụ, mỗi tuần, trẻ có thể cần 2 ngày thịt bò, heo, 2 ngày cá và hải sản, 2 ngày thịt gà, gia cầm hay trứng và 1 ngày trẻ có thể lấy đạm từ những nguồn khác như các loại đậu, đậu hũ hoặc hải sản.
3. Bảo vệ hệ tiêu hóa trẻ luôn khỏe mạnh là cách hiệu quả để giúp trẻ hấp thụ tốt vì đây là nơi tiếp nhận – cung cấp chất dinh dưỡng cho toàn cơ thể. Hệ tiêu hóa khỏe có sự đóng góp phần lớn của những lợi khuẩn đường ruột. Để giúp phát triển và cân bằng các lợi khuẩn đường ruột, trẻ có thể dùng các loại thực phẩm, sữa chua hoặc sữa uống tiện lợi chứa lợi khuẩn và chất xơ tan như HMO.
4. Nhiều cha mẹ quan tâm liệu có những cột mốc nào cần theo dõi tăng trưởng của trẻ. Bên dưới là 1 số cột mốc quan trọng cha mẹ có thể chú ý đánh giá và đo đạc tăng trưởng chiều cao của trẻ. đây chỉ là gợi ý để cha mẹ hiểu liệu tiến trình của trẻ có gì khác lạ không. Sự khác lạ của nó không nói lên trẻ có vấn đề, mà chỉ cho cha mẹ biết khi nào cần đặt câu hỏi cho bác sĩ của trẻ. Đây là những cột mốc cha mẹ cần chú ý:
Sau sinh -->10 ngày sau sinh --> 16 tuần sau sinh --> giữa 6-8 tháng tuổi --> khi trẻ 18 tháng tuổi --> khi trẻ 3 tuổi --> khi trẻ 5 tuổi --> khi trẻ 7 tuổi --> khi trẻ 11 tuổi.
Tại bất kì một thời điểm nào sau 8 tháng tuổi trong chuỗi trên, cha mẹ nên theo dõi thêm ít nhất 2 thời điểm trong 6 tháng tiếp theo để hiểu xu hướng tăng trưởng của trẻ. Nếu tăng trưởng của trẻ giảm hoặc có xu hướng đứng quá lâu, hãy đặt vấn đề với chuyên gia.
5. Hạn chế tối thiếu các yếu tố có thể “làm trẻ lùn” sau đây:
- Cân nặng quá lớn sau 2 tuổi
- Sử dụng trên 2 tiếng/ngày các thiết bị điện tử, chủ yếu điện thoại hay ipad.
- Các loại thức ăn không lành mạnh như nước ngọt, bánh kẹo và thức ăn nhanh.
6. Vận động hợp lý sẽ giúp kích thích sự phát triển chiều cao. Lối sống năng động cũng giúp hoat động của lợi khuẩn đường ruột trẻ tốt hơn, thèm ăn và giảm nguy cơ thừa cân béo phì.
- Các bé dưới 5 tuổi khuyến khích nên có lối sống năng động mỗi ngày. Để đạt được điều này, trẻ chỉ cần tránh sử dụng thiết tử điện tử (TV, Ipad, điện thoại) trên 60 phút/ngày.
- Trẻ từ 5 tuổi có thể giới thiệu để tham gia 1 loại hình thể thao bài bản thích hợp như bơi lội, đá banh, học võ… Chỉ cần duy trì ít nhất 60 phút/tuần (5-10 tuổi), 90 phút/tuần (trẻ trên 10 tuổi).
Vài nét về tác giả:
Bác sĩ Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester-Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy). Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân, cũng là đồng tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực".
Độc giả có thể đọc thêm các bài của bác sĩ Anh Nguyễn TẠI ĐÂY.