Một buổi chiều tháng 6 nắng đỏ vai, tôi vô tình ngồi chung hàng ghế với Khánh Ly khi xem buổi diễn thời trang trẻ em trên phố sách 19/12. Ly đội mũ lưỡi trai, đuôi tóc nhuộm hồng, không trang điểm, trang phục cũng không có gì đặc biệt, chăm chú nhìn các thiên thần nhỏ ríu rít bước trên sân khấu giữa nền nhạc sôi động. Trông cô không giống phụ huynh của các model nhí đang catwalk, cũng không bế đứa trẻ nào đi cùng. Tò mò bắt chuyện giữa lúc chương trình tạm nghỉ, hóa ra Ly đến để cổ vũ cháu gái đang diễn trong show.
Tôi để ý thấy Ly hay nhịp nhịp tay gõ xuống ghế hoặc trên đùi khi có nhạc, nhìn không giống kiểu gõ cho vui. Buột miệng hỏi bâng quơ rằng: "Chị biết đánh đàn đúng không?", Ly bật cười rộn rã: "Sao em biết?". Cứ thế, chúng tôi cuốn vào những mẩu chuyện không hồi kết, và tôi phát hiện ra người phụ nữ bình thường này lại không hề tầm thường chút nào.
Ly có vóc dáng "khiêm tốn" như học sinh, nhưng hiện tại chị đang là giám đốc sở hữu công ty riêng trong lĩnh vực nghệ thuật, kiêm cô giáo dạy đàn cho trẻ tự kỷ và là mẹ của một em bé đáng yêu tên Bơ. Nếu chỉ nhìn qua vẻ bề ngoài, chẳng ai tin Ly đã 31 tuổi! Có lẽ vì làm nghệ thuật nên lúc nào tâm hồn Ly cũng trẻ trung bay bổng, phong cách ăn mặc cũng phóng khoáng, và tính cách chị rất thân thiện dễ gần.
Từ bé gái trầm cảm trở thành cô giáo dạy nhạc cho trẻ tự kỷ
Gia đình Khánh Ly làm kinh doanh, không có ai làm nghệ thuật, nhưng riêng Ly thì đam mê âm nhạc từ nhỏ và có năng khiếu vừa đàn vừa hát. Bố mẹ Ly từng không ủng hộ con gái theo đuổi giấc mơ "xướng ca vô loài", nhưng Ly đã một mình vượt qua tất cả, thậm chí tự đi làm thêm để có tiền trang trải việc học nhạc, mua đàn cho riêng mình.
Thời thơ ấu của nữ giám đốc trẻ cũng bình thường như bao người khác, nhưng cô đã trải qua một biến cố không thể nào quên. Đó là khoảng thời gian u ám mà Khánh Ly trở thành đứa trẻ trầm cảm, suốt ngày phải nhốt mình trong căn nhà rộng thênh thang, bố mẹ đi vắng liên tục. Tình cảnh ấy kéo dài khiến Khánh Ly mắc chứng e dè và ngại đám đông, gặp nhiều trở ngại trong việc giao tiếp.
"Nhớ lại quãng thời gian đó mình vẫn còn cảm giác cô đơn, sợ hãi. Tuy nhiên, những bài hát phát trên tivi, radio, hay nhà hàng xóm đã giúp mình xoa dịu sự trống trải. Mình hay lẩm nhẩm hát theo, và rất hạnh phúc khi được nghe thấy những giai điệu nhẹ nhàng. Nhờ âm nhạc mà mình tự bước qua được bóng tối, hòa đồng với mọi người hơn và tự tin khi biết được năng khiếu của mình là gì.
Mình mê piano lắm, nhưng bạn biết đấy, để có thể mua được đàn piano ở thời điểm đó là điều vô cùng xa xỉ, nên mình chuyển sang học nhạc cụ truyền thống. Mình thi đầu vào chuyên ngành Đàn bầu tại trường Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, rồi học cả đàn tam thập lục, đàn tranh… Đến bây giờ thì mình có thể chơi được khá nhiều loại nhạc cụ.
Sau khi tốt nghiệp vào năm 2007, mình ấp ủ ước mơ sáng tác từ người thầy dạy piano đầu tiên. Mình đã thi trung cấp nhạc chuyên ngành Lý luận, học cả sư phạm nữa, nhưng vấp phải sự phản đối của gia đình nên không đủ điều kiện theo học. Mình cố gắng đi làm thêm đủ kiểu để gom góp học phí, tự nuôi dưỡng ước mơ của chính mình. Thực sự rất khó khăn vất vả, nhớ lại cũng buồn, nhưng nếu lúc đó mình buông xuôi ngồi khóc thì đâu thể có những ngày tươi sáng như bây giờ".
Chặng đường bám trụ với âm nhạc của Khánh Ly diễn ra khá vất vả, nhưng sau đó Ly đã gặp cơ duyên khiến cô trở thành cô giáo dạy nhạc cho các em nhỏ bị tự kỷ, giúp cô rẽ sang bước ngoặt mới.
"Mình cũng từng trải qua những cảm xúc giống các bạn nhỏ ấy nên mình rất thấu hiểu, nếu không truyền cảm hứng tích cực cho các bé thì cuộc sống sẽ rất bế tắc, buồn tẻ. Tự kỷ đâu có nghĩa là bỏ mặc đứa trẻ ấy co ro trong thế giới của riêng mình, chúng cần nhiều tình yêu thương và sự quan tâm hơn tất cả. Vì thế nên 2 năm trước, khi nhận được lời đề nghị đầu tiên, mình không hề do dự mà nhận lời đi dạy ngay lập tức.
Học sinh tự kỷ đầu tiên của mình là Kan, một cậu bé rất điển trai, siêu thông minh, nhưng lại rất ít nói. Sau đó là một cô bé 16 tuổi với đôi tay rất yếu, chỉ cử động thôi cũng đau nhức vì em ấy đã phải trải qua bao lần tiêm tế bào gốc chữa bệnh bại não. Tay bạn ấy cứng khớp, khó cử động, mỗi lần tập chơi đàn đều đau đến mức phát khóc và muốn bỏ cuộc rất nhiều lần. Chơi đàn bằng 2 tay tách biệt với người thường đã khó, với trẻ có thể chất yếu do bại não lại càng khó hơn, nhưng bạn ấy rất chăm chỉ và kiên cường. Sau 2 tháng hè kiên trì khổ luyện thì cô bé ấy đã làm nên kỳ tích, giờ đây cô bé ấy đã tham gia CLB ở trường và nuôi ước mơ học chuyên nghiệp để trở thành giáo viên dạy âm nhạc giống mình".
Khánh Ly chưa từng nghĩ sẽ dạy các bé tự kỷ, nhưng đúng là duyên trời ban khi cô được gặp gỡ những đứa trẻ giống hệt hình ảnh của chính mình hồi ấu thơ.
"Đối với các bé, ngoài việc dạy chúng học ra thì phải có kênh để kết nối được cảm xúc của trẻ. Và mỗi em bé đặc biệt thì sẽ có một kênh ngôn ngữ riêng, nhiệm vụ của mình là hiểu, kiên nhẫn để bắt sóng được những tín hiệu đó. Có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ suốt 2 năm đi dạy, nhưng mình nhớ mãi một học trò tí hon đã bật khóc giữ mình ở lại chỉ sau buổi học thứ 2, nói không muốn để cô về. Đó là khoảnh khắc mình cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc của công việc mình đang làm, dù thu nhập không quá cao nhưng thứ mình nhận về còn vô giá hơn cả tiền bạc. Trẻ tự kỷ thiệt thòi hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa, nhưng khi chúng đã chịu mở lòng đón nhận, chịu để mình chạm được vào thế giới của chúng và đồng ý cho mình bước vào thì đó là thành công khiến mình hạnh phúc hơn tất cả".
Dạy lũ trẻ bằng cả tấm lòng, thương quý như con của mình nên Khánh Ly được rất nhiều phụ huynh yêu mến, tin tưởng. Có những lúc lớp năng khiếu đặc biệt của Khánh Ly lên đến 30 học sinh, dù không muốn nhưng cô vẫn phải từ chối nhiều bố mẹ xin cho con theo học. Theo Khánh Ly, âm nhạc có sức mạnh kỳ diệu như một phương pháp trị liệu tâm lý, nên thật may mắn là cô đã giúp được rất nhiều trẻ em mắc bệnh đặc biệt trong suốt hơn 2 năm qua, là điểm tựa vững chắc để chúng mạnh mẽ và trưởng thành hơn trước sự ngạc nhiên của chính bố mẹ chúng.
Kể về những học trò không bình thường của mình, đôi mắt cô giáo trẻ tràn ngập sự ấm áp: "Ban đầu mình tiếp xúc với các con khá tự nhiên, không quá khó khăn như mọi người vẫn nghĩ. Vì mình dùng âm nhạc để tiếp cận với các con nên cần sự nhẹ nhàng, mềm mại, để chúng tin tưởng và nghe những gì mình truyền đạt. Các bé được học piano để kích thích cả hai bán cầu não trái và não phải phát triển, kết hợp với hệ thống dây thần kinh của đôi bàn tay giúp các bé hoàn thiện dần cảm xúc.
Trước lúc sinh con thì mình thiếu kinh nghiệm nuôi dạy và chơi với trẻ, nên khi không thể dùng ngôn ngữ bình thường giao tiếp với các bé tự kỷ, mình căng thẳng lắm. Nhưng rồi chính lũ trẻ lại là người mang đến cho mình những bài học quý giá, giúp mình có thêm vô số trải nghiệm bất ngờ, mà nếu không gặp chúng thì cuộc sống của mình chẳng thể lấp đầy bằng những mảnh ghép rực rỡ như bây giờ. Các học trò của mình thiệt thòi lắm, chúng đâu có muốn mình mắc bệnh rồi tách biệt với thế giới xung quanh, nhưng không có nghĩa thế giới của chúng chỉ toàn màu xám. Phải kiên trì bền bỉ và thật sự yêu trẻ, yêu nghề giáo mới có thể làm được công việc này".
Người phụ nữ cá tính, "phớt lờ" sự nổi tiếng, thích âm thầm đứng sau ánh hào quang
Thời điểm chưa bầu bé Bơ và "liều lĩnh" đứng ra thành lập công ty riêng năm 2011, Ly gần như dành toàn bộ thời gian để lao vào làm việc. Cô chính là tác giả của những bản nhạc phim truyền hình nổi tiếng trên VTV như Nụ hồng cho em (phim "Hoa hồng mua chịu"), Như hạt mưa sa (phim "Hạt mưa sa"), Chỉ có thể là mẹ (phim "Trái tim người mẹ"), Hoa trên đá (phim "Huyền thoại Mường Trời"), Lặng thầm người lính (phim "Những người lính thầm lặng")… Tuy nhiên, không phải khán giả nào cũng biết cô là người đứng sau thành công của những bản nhạc phim ấy.
"Ơ thật ra thì mình cũng có nghệ danh đấy chứ, hỏi về cái tên Kalyn Đinh Khánh Ly thì chắc chắn nhiều người biết. Nhưng tính mình vô tư nên chẳng quan trọng việc nổi tiếng hay không dù đã làm nghệ thuật lâu năm rồi. Những anh chị nghệ sĩ vẫn thắc mắc tại sao em không bao giờ lộ diện, không trả lời phỏng vấn, hay làm gì đó để tên tuổi được "đánh bóng" hơn… như thế sẽ có lợi cho công việc của mình hơn. Nhưng thật sự là Ly chỉ muốn được làm việc mình thích, sống đúng với bản thân và không thích khoác lên mình sự rực rỡ không cần thiết".
Tò mò hỏi liệu có phải chị sợ bị công chúng đàm tiếu, soi mói đời tư nếu chọn con đường nổi tiếng hay không, Ly bật cười: "Thật ra khi lựa chọn nghề này lúc còn rất trẻ, mình đã chuẩn bị tâm lý sẽ tiếp nhận cả bình luận tiêu cực lẫn tích cực từ khán giả, xác định là cuộc sống sẽ không phải của riêng mình nữa. Tuy nhiên, mình không nghĩ sẽ có nhiều fan hâm mộ đâu (cười). Mình chỉ cần được sống với đam mê âm nhạc mỗi ngày là đúng với ước mơ từ nhỏ rồi. Quan điểm sống của mình là luôn suy nghĩ tích cực và có ước mơ, bởi nếu không có ước mơ thì cuộc sống này thực sự vô nghĩa".
Câu trả lời mộc mạc của nữ giám đốc 31 tuổi có lẽ khiến nhiều người bất ngờ, nhưng sự thực thì Ly đang khá hài lòng với những gì cô có. Nếu chọn là nghệ sĩ đình đám thì có lẽ thu nhập hàng tháng của cô sẽ nhiều hơn gấp chục lần con số 200 - 250 triệu hiện tại, nhưng Ly cảm thấy mình đủ đầy và chẳng cần tham vọng nữa.
Khánh Ly tiết lộ rằng sắp tới đây cô sẽ có khá nhiều dự án âm nhạc "khủng", hợp tác với nhiều người nổi tiếng như ca sĩ Minh Vương, danh hài Xuân Bắc… đẩy mạnh khai thác mảng nhạc phim, sản xuất âm nhạc có bản quyền dành cho cá nhân và cho thiếu nhi. Ngoài sáng tác nhạc thì Ly cũng sở hữu giọng ca trời phú, nên cô cũng dự định ra mắt một sản phẩm âm nhạc chuyên nghiệp vào cuối năm nay. Chẳng ai nghĩ một cô gái không mấy nổi bật như Khánh Ly lại đa tài và giỏi giang đến thế, khả năng chịu áp lực công việc của cô cũng rất đáng nể. Có lẽ vì thế nên Ly gặt hái thành công sớm, dù không hề phô trương nhưng cũng đủ để sở hữu cả một gia tài lớn khi mới ngoài 30.
Ở bên ngoài là ai không quan trọng, trở về nhà là mẹ của Bơ thôi!
Trên mạng xã hội, Khánh Ly hầu như chẳng bao giờ chia sẻ về gia đình nhỏ của mình, dù cô đã kết hôn được vài năm và có 1 thiên thần nhỏ là bé Bơ. Ít ai biết rằng, Khánh Ly đã đánh đổi cả máu và rất nhiều nước mắt để được làm mẹ.
"Mình rơi vào trầm cảm và từng sống trong những ngày tháng đau khổ khi biết bản thân khó có con cách đây 3 năm. Chồng mình là kỹ sư, anh khá khô khan nhưng riêng chuyện nhạy cảm ấy thì lại rất thương vợ. Mặc cho mình tự dằn vặt bản thân và liên tục stress thì anh luôn ở bên cạnh an ủi động viên, chưa từng gây áp lực cho vợ chuyện sinh nở.
Mình lao đầu vào công việc suốt ngày, đi dạy liên tục để không có thời gian nghĩ ngợi linh tinh, mong ước rằng việc gần gũi những đứa trẻ sẽ giúp một mầm sống sớm nảy chồi trong mình. Vì khát khao có con nên mình nỗ lực gấp hàng trăm lần so với người khác, tuy nhiên tin vui cứ đến rồi lại đi, bởi mình bị sảy tự nhiên vài lần liền. Mỗi ngày trôi qua là hi vọng cứ lụi tàn dần. Mình suy sụp lắm, nhưng rồi sau 2 năm trải qua bao đau đớn trắc trở, Bơ đã đến với vợ chồng mình như một phép màu bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Giờ thì con đã được 20 tháng rồi, là kho báu quý giá nhất với mình bây giờ".
Nữ giám đốc 8X tâm sự, cô cũng là một người mẹ có trái tim nhạy cảm như bao phụ nữ khác, nên với cô mọi giông bão cũng sẽ dừng lại khi trở về sau cánh cửa nhà. Dù là nữ giám đốc quyền lực bận trăm công nghìn việc, là cô giáo được rất nhiều học sinh yêu mến tôn trọng, thì khi về nhà Ly cũng chỉ là mẹ của Bơ, thấy bình an và hạnh phúc khi trút hết mệt mỏi ngoài cánh cửa để được ôm con trai vào lòng.
Ly bảo, dù có tiền tỷ trong tay cô cũng không ham hàng hiệu hay nhà lầu, xe sang, mà quan trọng nhất là cân bằng được giữa việc chăm sóc gia đình với phát triển công việc. Gia đình luôn mang ý nghĩa thiêng liêng với Khánh Ly, từ lúc còn độc thân cho đến tận bây giờ.
"Có những lúc mình cũng cảm thấy mệt mỏi và muốn bỏ nghề, chỉ tập trung cho gia đình và kinh doanh thôi. Nhưng đam mê và cảm giác có trách nhiệm với những đứa con mình chưa dạy dỗ hoàn chỉnh không cho phép mình bỏ cuộc. Mình chưa bao giờ cảm thấy mất mát hay thua lỗ, kể cả mùa dịch vừa qua công ty của mình vẫn hoạt động ổn, chỉ là lúc nào mình cũng tự nhủ phải cố gắng 200% để không hối hận về con đường đã lựa chọn thôi.
May mắn là gia đình luôn ở phía sau ủng hộ mình, đặc biệt là ông xã và bố mẹ chồng. Anh luôn thu xếp thời gian để giúp mình việc nhà, chăm sóc con, ông bà cũng chẳng bao giờ phàn nàn khi mình bận việc ra ngoài. Mình luôn cố gắng hết mức để hoàn thành mọi công việc và dành thời gian chăm sóc tổ ấm nhỏ, chứ không ỷ lại ai hết".
Những lúc rảnh rỗi, Ly thường đọc sách, tìm cảm hứng sáng tác và làm đồ handmade cho cả nhà. Bà mẹ trẻ còn mê cả du lịch, nhờ đặc thù công việc nên cô cũng có cơ hội đi rất nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người và học hỏi đủ thứ. Chẳng ai biết đâu ngày mai, nhưng với Ly mỗi ngày luôn là một món quà.