Ước mình sớm có "gấu" là cách nói hài hước của nhiều bạn trẻ vẫn còn lẻ bóng khi lễ tình nhân Valentine đã cận kề rồi. Có được cho mình một tình yêu đích thực, hạnh phúc gia đình là ước muốn chính đáng của bất cứ ai. Và điều đó sẽ thật tuyệt vời nếu như nó đến một cách tự nhiên, không gượng ép.

Thế nhưng, với những người mà đến tuổi kết hôn mà duyên chưa tới, áp lực đặt lên vai họ vô cùng lớn. Đủ lời bàn tán, trước mặt có, sau lưng cũng có dành cho những người hơi chậm muộn trong tình yêu. 30 tuổi chưa lập gia đình? Vậy hẳn là bị "ế" rồi! Xóa bỏ định kiến về hôn nhân, tình yêu là chủ đề được bàn đến trong Góc nhìn văn hóa lên sóng ngày 13/2.

Chuyện có yêu ai chưa, tại sao chưa yêu và bao giờ yêu là vấn đề riêng tư của mỗi người. Tuy nhiên không ít người phiền lòng khi liên tục bị mọi người hỏi han, bình phẩm về chuyện yêu đương, kết hôn của họ. 

Tạo thành áp lực tâm lý nặng nề, có người còn cho biết không muốn về thăm gia đình để tránh bị bố mẹ thúc giục, họ hàng hỏi han. Một số khác dưới áp lực của gia đình đã quyết định yêu rồi cưới một ai đó để cho xong nhiệm vụ. Vậy là, yêu và kết hôn nhưng không xuất phát từ nhu cầu tự thân mà là từ mong muốn của người khác.

"Định kiến và áp lực từ cha mẹ và xã hội khiến nhiều cô gái, chàng trai bị khủng hoảng" – nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ.

"Trong ngày đầu năm, ở những ngôi chùa linh thiêng về cầu duyên có rất đông người trẻ đến, chưa kể các hoạt động tín dị đoan như cắt tiền duyên. 

Có rất nhiều người trẻ phải tặc lưỡi chấp nhận một mối quan hệ mà bản thân cảm thấy không ổn nhưng lại phải cưới vì cha mẹ. Cưới xong cũng không thể ly dị vì cha mẹ, dẫn đến một vòng luẩn quẩn. Hạnh phúc của nhiều người đã trôi đi vì những định kiến như vậy".

Không ít người "nhắm mắt" chọn vội một ai đó để gắn bó. Vào khoảnh khắc ấy, họ chưa hình dung hết được những gì có thể diễn ra phía sau mỗi cánh cửa khép. Đó có thể không phải một khung cảnh quây quần đầm ấm, khi mà hôn nhân không xuất phát từ tình yêu. Cưới để hoàn thành một nhiệm vụ nhưng chưa chắc đích đến đã là tình yêu và hạnh phúc. Điều ngang trái là ngay cả khi nhận ra hôn nhân không như mong đợi, không ít người phụ nữ cũng vì định kiến mà phải cắn răng chịu đựng, vì sợ bị chê bai chồng bỏ, chồng chê.

Có những ngôi nhà tưởng chừng như rất bình yên, nhưng bên trong lại tiềm ẩn nỗi đau của những người phụ nữ. Số liệu thống kê cho thấy, số vụ ly hôn ở Việt Nam hiện ở mức 60.000 vụ/năm. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%, có nghĩa cứ 4 cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn thì một đôi ra tòa.

"Việc ly hôn ở Việt Nam rất khó khăn, không phải vì pháp luật không cho phép ly hôn mà là vì những định kiến xã hội. Khó khăn đến từ quan điểm người phụ nữ chỉ có giá trị khi có một gia đình trọn vẹn. Điều đó khiến phụ nữ ngại, lo sợ khi phải ly hôn" – TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho biết.

"Nếu ly hôn, người phụ nữ phải chịu búa rìu dư luận, gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, một mình nuôi con. Điều đó khiến việc ly hôn có lẽ là bất khả thi với nhiều người phụ nữ, cho dù cuộc hôn nhân với họ là bất hạnh".

Không ai có quyền phán xét việc một người kết hôn hay li hôn với một ai đó là đúng hay sai. Quyết định liên quan đến hạnh phúc hay bất hạnh của cả một đời người cần nằm trong tay chủ thể của câu chuyện. Điều quan trọng nhất trong việc xóa bỏ định kiến về hôn nhân, tình yêu chính là lắng nghe con tim và lý trí của chính mình, thay vì bận tâm đến suy nghĩ của những người không liên quan.

"Có rất nhiều người trẻ đã bước ra khỏi vòng kim cô mà cha mẹ, định kiến xã hội dành cho họ. Nếu chúng ta cho rằng hạnh phúc là phải có một gia đình, phải có tình yêu thì rõ ràng đó là hạnh phúc khuôn mẫu. Hạnh phúc không hữu hình đến thế, nó là cảm giác trong lòng và hạnh phúc càng không phải từ định kiến. Tiêu chuẩn do mọi người đưa ra nhưng hạnh phúc do mình cảm nhận. Nếu bạn cảm thấy hạnh phúc thì dẫu bạn không có gia đình, không có người yêu cũng không cản trở được bạn hạnh phúc. Khi tìm thấy hạnh phúc từ chính bên trong mình, từ chính cuộc sống thì người đó mới thực sự tìm thấy hạnh phúc", nhà văn Hoàng Anh Tú nói.

Không ai có thể phủ nhận được giá trị tốt đẹp của gia đình, của hôn nhân, của tình yêu đối với mỗi con người. Nhưng gia đình, hôn nhân và tình yêu chỉ có giá trị bền vững khi đến từ sự lựa chọn kĩ lưỡng của bản thân người đó, không phải là do người khác áp đặt hoặc gây sức ép.

Có những người chọn cuộc sống độc thân, không tình yêu, không lập gia đình nhưng họ vẫn cảm nhận thấy hạnh phúc, cảm nhận được một cuộc đời đáng sống, vì đó là lựa chọn của họ. Đã đến lúc, mỗi người trong chúng ta cần học cách tôn trọng quyết định của người khác, cuộc đời của người khác.