Vào tháng 8/2014, chị Kate O’Brien đang mang thai đứa con thứ hai. Chị ngây ngất trong hạnh phúc thế nhưng chị không biết rằng diễn biến của thai kì này không như lần đầu tiên. Trong vài tháng sau khi mang thai, chị Kate thường xuyên bị lạnh run người. Chị hay thức dậy giữa đêm với cơ thể ướt đẫm mồ hôi. Chị liên tục sụt cân và đinh ninh là do thai hành.
Vợ chồng chị Kate. (Ảnh: dailymail)
Chị hầu như chẳng thể ăn được gì. Không chỉ vậy, chị còn bị ho rất nhiều, thậm chí còn ho ra máu, cổ họng chị nóng rát cả lên. Không bác sĩ nào mà chị đến kiểm tra sức khỏe có thể tìm ra vấn đề chị đang mắc phải. Cuối cùng, họ phải giới thiệu chị đến Bệnh viện Mount Sinai West ở Manhattan vào tháng 1/2015. Khi đó, chị mang thai 5 tháng và chị vẫn không thể tăng cân.
Nghĩ rằng mình sẽ ở bệnh viện một đêm rồi sẽ sớm về nhà, chị lên đường đi mà không kịp chào cậu con trai 2 tuổi Donny. Tuy nhiên, Kate phải ở lại bệnh viện suốt 75 ngày sau đó.
Các bác sĩ tại đây đã phát hiện ra chị Kate mắc phải nhiễm trùng lao. Sau vài ngày nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, chị đã được chuyển vào phòng cách ly áp lực âm - nơi giảm thấp nhất nguy cơ bệnh nhân nhiễm các mầm bệnh trong thời gian chữa bệnh, cũng như ngăn chặn nguy cơ phát tán mầm bệnh nguy hiểm ra ngoài. Các thông báo: “Cảnh báo: Bệnh truyền nhiễm” đã được gắn bên ngoài cửa phòng. Tất cả những gì chị Kate có thể suy nghĩ được lúc này là đứa bé đang dần lớn lên trong chị.
Kate phải ở lại bệnh viện suốt 75 ngày sau đó để điều trị bệnh lao. (Ảnh: huffingtonpost)
Nói về bệnh lao, người ta vẫn nghĩ rằng đây là căn bệnh của quá khứ thế nhưng nó lại là sát thủ đã lấy đi mạng sống của 1,5 triệu người mỗi năm trên khắp thế giới và ảnh hưởng đến 1/3 dân số thế giới. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến phổi, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, giảm cân, ho ra máu, đau ngực và sốt.
Bệnh thường lây nhiễm do tiếp xúc với người mắc bệnh hay ở trong khu vực có tỉ lệ mắc bệnh cao. Tuy nhiên, bệnh lao vẫn có thể lây thông qua 1 lần tiếp xúc với người nhiễm bệnh như ở máy bay, tàu điện ngầm, hay xếp hàng mua sắm.
Trong 2 tháng chị Kate ở bệnh viện điều trị, những người đến thăm và chăm sóc chị đều phải đeo mặt nạ. Chồng chị - Matt - đến thăm chị mỗi ngày nhưng cậu bé Donny chỉ được gặp mẹ qua điện thoại suốt 75 ngày đó. Chị phải sống cô lập cho đến khi hoàn thành 3 lần kiểm tra với kết quả âm tính với bệnh lao, tức vi khuẩn lao trong cơ thể chị không còn lây nhiễm nữa.
Suốt 75 ngày Kate nằm viện, chồng chị đều đặn đến thăm mỗi ngày. (Ảnh: dailymail)
Vì mang thai nên gan của chị Kate trở nên nhạy cảm hơn với thuốc, điều này cũng kéo dài thời gian chị ở bệnh viện. Chị cũng rất lo lắng thuốc cũng như những bài kiểm tra sẽ ảnh hưởng đến đứa con trong bụng và chị cũng không chắc liệu con mình sinh ra có mắc bệnh lao hay không. Tuy nhiên, chị được trấn an rằng rất hiếm trường hợp con của một người mẹ mắc bệnh lao sinh ra sẽ mắc bệnh này, đặc biệt khi người mẹ được điều trị.
Dù vậy, Kate cũng cảm thấy mình rất may mắn khi chị cuối cùng đã có thể xuất viện, đoàn tụ cùng chồng con vào tháng 4/2015 và hạ sinh cậu bé Jimmy khỏe mạnh vào vài tuần sau đó. Nhưng bệnh vẫn ảnh hưởng đến chị sau đó. Nó đã gây ra một số vết sẹo trong phổi chị và gây ra một sự lo lắng về tinh thần mỗi khi nghe con mình ho. Tuy nhiên, quá trình điều trị của chị đã kết thúc vào năm ngoái.
Chị Kate đã đoàn tụ cùng chồng con vào tháng 4/2015 và hạ sinh cậu bé Jimmy khỏe mạnh vào vài tuần sau đó. (Ảnh: huffingtonpost)
Chị phát biểu: “Tôi từng có cả sự sống và cái chết phát triển bên trong mình. Cuối cùng, sự sống đã chiến thắng”.
(Nguồn: huffingtonpost, dailymail)