Theo kế hoạch, tiểu thương chợ Tân Bình sẽ chuyển sang kinh doanh ở chợ tạm trong thời gian xây chợ mới - Ảnh: H.T.V.
Tiểu thương đã quen buôn bán ở tầng trệt do thuận lợi khi giao dịch với bạn hàng và vận chuyển hàng hóa - Ảnh: H.T.Vân
Ngày 19-9, UBND Q.Tân Bình họp báo thông tin về dự án xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ đa năng và chợ truyền thống Tân Bình.
Theo đó, khu đất gần 22.000m² tọa lạc bốn mặt tiền đường (Lý Thường Kiệt - Phú Hòa - Tân Tiến - Lê Minh Xuân) của chợ Tân Bình hiện nay sẽ được xây dựng mới thành hai phần. Khoảng 7.000m² đất giáp mặt tiền đường Lý Thường Kiệt sẽ xây Trung tâm thương mại dịch vụ đa năng 17 tầng, gần 15.000m² đất còn lại sẽ xây mới chợ Tân Bình.
Chợ mới sáu tầng
Chợ Tân Bình mới với quy mô ba tầng hầm, một tầng lửng hầm và hệ thống thang cuốn trong nhà lồng chợ và tám thang máy giúp tiểu thương dễ dàng di chuyển giữa các tầng.
Chợ mới được bố trí theo hướng bắc - nam, bài trí thông thoáng, có camera quan sát, quanh chợ có nhiều cây xanh.
Ba tầng hầm sẽ là chỗ để xe, tầng lửng hầm để bố trí các hàng buôn bán rau củ quả, tầng 1 bố trí các mặt hàng tạp hóa, kim khí điện máy, những tầng trên sẽ là nơi kinh doanh các ngành hàng may mặc, vải vóc và nguyên phụ liệu ngành may.
Dự kiến chợ Tân Bình mới sẽ khởi công vào tháng 5-2016 và tháng 11-2018 đưa vào sử dụng.
Chủ đầu tư trúng thầu xây chợ Tân Bình là Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tân Quang - đơn vị từng thi công xây dựng chợ An Đông trước đây. Sau khi xây xong, chủ đầu tư sẽ giao lại cho UBND Q.Tân Bình để tái bố trí sạp chợ cho tiểu thương.
Chợ Tân Bình hiện tại có 3.336 sạp chợ với gần 3.000 tiểu thương đang buôn bán sỉ vải vóc, quần áo, các nguyên phụ liệu ngành may.
Trong thời gian xây dựng chợ mới, Q.Tân Bình và chủ đầu tư sẽ xây dựng hai chợ tạm ngay cạnh chợ hiện tại để tiểu thương buôn bán.
Chợ tạm 1 sẽ được bố trí trên vỉa hè và một phần lòng đường của hai đường Tân Tiến và Phú Hòa rộng gần 2.500m². Chợ tạm 2 dự kiến xây ba tầng trên khu đất 7.000m² định xây trung tâm thương mại, là mô hình chợ truyền thống văn minh để tiểu thương làm quen trước khi về chợ Tân Bình mới.
Trong thời gian mua bán ở chợ tạm (khoảng 39 tháng), tiểu thương không phải đóng tiền thuê sạp, phí chợ.
Ông Lê Sơn, phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình, cho biết các tiểu thương có hợp đồng thuê sạp tại chợ hiện nay đã trả hết tiền cho cả thời gian thuê sẽ được hoàn trả số tiền còn lại khi giải tỏa chợ (căn cứ vào giá và thời gian thuê sạp còn lại).
Số tiền hoàn trả này sẽ được cộng thêm lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn của ngân hàng thương mại, tính từ ngày nộp tiền đến ngày phương án bồi thường giải tỏa chợ được phê duyệt.
Chợ Tân Bình nhìn từ trên cao sẽ được tháo dỡ, nhường một phần đất để xây trung tâm thương mại dịch vụ đa năng 17 tầng, còn lại xây chợ 6 tầng - Ảnh: H.T.Vân
Tiểu thương sợ... lên lầu
Nhiều tiểu thương đang mua bán tại chợ Tân Bình tiếp nhận thông tin xây chợ mới với tâm trạng lo lắng bởi mỗi lần di chuyển vị trí kinh doanh, họ bị mất nhiều mối lái quen biết.
Ông Lê Nho Sinh, tiểu thương bán quần áo ở sạp 199 B2, cho biết ông buôn bán ở đây đã lâu, khách đã quen mối. Nếu xây chợ mới, ông phải di chuyển hai lần trong bốn năm xây chợ (một lần từ chỗ mua bán hiện nay ra chợ tạm, một lần từ chợ tạm về chợ mới), khách quen sẽ bỏ đi.
“Người buôn sỉ chỉ muốn mua ở chợ trệt. Nếu bố trí ở các tầng trên của chợ mới thì chúng tôi làm sao buôn bán? Tôi thấy nhiều chợ xây tầng cao rất ế ẩm. Ngay ở nhà lồng chợ Tân Bình chỉ có tầng 1 và tầng lửng là buôn bán được, còn tầng 2 để trống” - ông Sinh nói.
Chung mối lo với ông Sinh, bà Lý Ngọc Lài, tiểu thương kinh doanh ở sạp số 6, tầng lửng khu A1, cho biết bà buôn bán ở chợ này khoảng 30 năm nay. Bà rất sợ bị bố trí ở tầng cao vì các tầng này luôn ế ẩm so với các tầng dưới...
Sơ đồ giải tỏa và xây dựng chợ mới Tân Bình - Đồ họa: V.Cường
Bà Nguyễn Thị Thảo, đang kinh doanh quần áo ở sạp 243 khu B, cho biết nhiều tiểu thương trước đây mua sỉ ở chợ An Đông nay chuyển sang mua ở chợ Tân Bình vì chợ An Đông lên lầu cao, vận chuyển hàng hóa cồng kềnh không thuận tiện. Nay chợ Tân Bình xây cao tầng, tiểu thương sợ bạn hàng bỏ đi...
Nỗi lo của tiểu thương chính là vấn đề mà các phóng viên băn khoăn nhiều tại cuộc họp báo nói trên.
Thực tế, các tầng trên của nhiều chợ truyền thống hiện nay rất ế ẩm. Tầng 2 của nhà lồng chợ Tân Bình cũng bị bỏ trống nhiều năm nay. Nay chợ Tân Bình xây đến sáu tầng làm sao tránh được chuyện mua bán ế ẩm?
Trả lời câu hỏi này của các phóng viên, ông Lê Sơn cho rằng chợ Tân Bình là chợ buôn sỉ, các sạp ở chợ thực chất chỉ là nơi giao dịch của tiểu thương nên việc xây dựng văn minh, khang trang là phù hợp.
“Theo cảm nhận và kinh nghiệm của ban chỉ đạo dự án thì việc xây chợ nhiều tầng là có hiệu quả, nhà đầu tư cũng tin tưởng xây chợ nhiều tầng sẽ có hiệu quả. Hơn nữa, nếu xây thấp, sau này có nhu cầu lớn thì khó xây thêm nên UBND quận quyết định xây luôn một lần” - ông Sơn giải thích.
Tiểu thương được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng sạp Ông Lê Sơn, phó chủ tịch UBND Q.Tân Bình, cho biết gần như 100% tiểu thương đang buôn bán tại chợ hiện nay đủ điều kiện để được tái bố trí vào chợ mới. Nếu tiểu thương không có nhu cầu thuê sạp ở chợ mới sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ kinh doanh. Sạp chợ mới rộng từ 3m² trở lên. Những người có sạp từ 3m² trở xuống ở chợ cũ sẽ được bố trí tối thiểu một sạp tại chợ mới. Những tiểu thương có sạp ở chợ cũ lớn hơn 3m² sẽ được bố trí diện tích tương đương. Theo ông Sơn, các tiểu thương sẽ bốc thăm để chọn vị trí sạp chợ. “Đối với các tiểu thương đang buôn bán ở sạp chợ có vị trí thuận lợi như hai mặt tiền, ba mặt tiền... sẽ được sắp xếp vị trí tương đương ở chợ mới” - ông Sơn khẳng định. Giá thuê sạp ở chợ mới cao nhất là 400.000 đồng/m²/tháng (tầng 1), thấp nhất là 150.000 đồng/m²/tháng (tầng lửng hầm). Các tiểu thương sẽ đóng tiền thuê sạp trong vòng 30 năm và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng sạp chợ, được thế chấp, cho thuê và sang nhượng lại quyền sử dụng sạp. Việc đóng tiền thuê sạp sẽ chia thành bốn đợt, bắt đầu từ tháng 3-2016 đến tháng 9-2018. Tiểu thương nào không đủ tiền đóng tiền thuê sạp thì quận sẽ giới thiệu để các ngân hàng hỗ trợ. Đối với những tiểu thương sang sạp bằng giấy tay hoặc đang thuê lại sạp thì Nhà nước không chịu trách nhiệm giải quyết. |