Ghi nhận của PV Infonet, gần đây trên thị trường Hà Nội đang bán khá nhiều đồ chơi cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên có hình dạng giống iPad, được nhà sản xuất gọi là "đồ chơi thông minh", tích hợp nhiều chức năng như kể chuyện, đọc thơ, dạy trẻ đánh vần. Song nội dung câu chuyện trong đó lại chứa nhiều ngôn từ tục tĩu, thậm chí nguy hiểm cho trẻ.

Một cửa hàng bán đồ chơi ở đường Phương Canh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại đồ chơi hình iPad này dành cho trẻ từ 3 tuổi trở lên, với giá 80 nghìn đồng và được bày bán ở rất nhiều các cửa hàng đồ chơi.

Máy có thiết kế giống với một chiếc iPad với các nút bấm rất bắt mắt, trên mặt máy có các mục: kể chuyện, bài thơ, học tập, bài hát…

Phía bên ngoài của hộp đựng máy dạng iPad có hướng dẫn bằng tiếng Việt với những lời có cánh như “đồ chơi mầm non thông minh”, nhưng nội dung bên trong lại chứa những ngôn từ tục tĩu và phản cảm. Trong mục câu chuyện có khoảng 7 câu chuyện được ghi âm sẵn thì tất cả đều được tổng hợp từ các nguồn nội dung trôi nổi trên mạng.

Chiếc máy dạng iPad có nội dung dạy trẻ hút heroin.

Cụ thể, một câu chuyện kể: “Con thỏ đang chạy trong rừng thì thấy chó sói đang hút heroin,  thỏ liền nói "anh sói ơi hãy nghe em từ bỏ những thứ độc hại đó, hãy đi với em quanh rừng, sẽ thấy nhiều cảnh đẹp lắm". Cả hai đang chạy thì lại gặp con cáo đang hút á phiện. Thỏ lại nói, anh cáo ơi, hãy nghe em từ bỏ chất độc hại và chạy quanh rừng. Chạy một lúc lại gặp con cọp đang hút chất kích thích. Thỏ lại nói "anh cọp ơi hãy bỏ chất độc hại đó đi" nhưng cọp đáp: "Con mẹ mày thỏ, lần nào mày phê thuốc mày cũng rủ tao chạy khắp rừng, cút xéo"”.

Phóng viên Infonet, trong vai người mua đồ chơi cho trẻ ở một cửa hàng đồ chơi ở đường Phương Canh, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, PV được bà Nguyễn Thị T. (50 tuổi – người bán đồ chơi) cho biết: “Loại đồ chơi này nhiều người mua lắm, giờ còn mỗi một cái thôi".

Khi được hỏi máy này bà lấy ở đâu, bà T. liền đáp: "Nếu hết hàng mà có người đặt lại đi lấy ở các chợ đầu mối. Tôi biết, các loại đồ chơi thông minh này đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Những câu chuyện trong các loại đồ chơi được này copy trên mạng nên xác suất một số món đồ gặp phải lỗi khi vô tình trúng những câu chuyện có nội dung phản cảm. Cái đó là do nhà sản xuất, tôi chỉ biết bán”.

Mặt sau của "đồ chơi thông minh" dạng iPad.

Ở đường Lương Văn Can, Hà Nội, bà Lê Thị H. bán hàng đồ chơi chia sẻ: “Cho đến lúc này, Việt Nam chưa sản xuất được những đồ chơi thông minh, sử dụng công nghệ cao nên dù biết hàng Trung Quốc có nhiều rủi ro, nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận nhập bán để cung ứng ra thị trường”.

Để hiểu rõ hơn về tác hại của loại đồ chơi này, PV Infonet có cuộc trao đổi với ông Nguyễn An Chất – Giám đốc Công ty Tư vấn Tâm lý An Việt Sơn. Ông Nguyễn An Chất cho biết: “Loại đồ chơi này rất nguy hại cho trẻ, vì nó ngấm dần vào suy nghĩ và tư tưởng của trẻ mà người lớn không biết.

Những kỹ năng của trẻ được hình thành khi nghe và dần sẽ nghĩ chuyện đó là bình thường nên dễ dàng học tập và làm theo. Trẻ ở lứa tuổi này tiếp nhận rất nhanh và nhớ rất sâu những thông tin mới. Chính vì vậy, những nhận thức lệch lạc sẽ nằm trong tiềm thức của trẻ. Khi trẻ lớn, gặp điều kiện thích hợp, nhận thức đó sẽ chuyển hóa thành hành vi nguy hại tới bản thân trẻ và xã hội”.