Trong cuộc đời ai chẳng muốn tìm thấy được một tình yêu đích thực. Những người phụ nữ lại càng cần và muốn có được một bờ vai để nương tựa. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống chẳng phải lúc nào cũng hoàn hảo được mọi thứ.

Chuyện tình của những nữ văn sĩ thường nhiều màu sắc bởi họ có sự nhạy cảm trong tâm hồn và đôi khi "phong cách yêu" thật sự khác biệt. Cuối cùng, hạnh phúc với họ đôi khi ngắn ngủi làm sao.

Những cuộc tình chớp nhoáng và cái kết đau lòng

Tam Mao tên thật là Trần Mậu Bình. Sau này vì ghét bỏ việc phải dùng những ký tự khó trong từ Mậu, bà tự đổi tên mình là Trần Bình. Tam Mao chính là bút danh Trần Bình thường dùng trong những tác phẩm văn học. Bà xếp thứ 10 trong danh sách những nhà văn có ảnh hưởng lớn đến 60 năm văn hóa Trung Quốc (1949-2009).

Ngay từ nhỏ, Tam Mao đã rất cá tính và có năng khiếu trong sáng tác văn học. Khi đi học, môn Toán của bà thường có điểm rất tệ, môn Văn thì trái ngược hoàn toàn. Bình thường, bà cũng chỉ thích đọc tiểu thuyết và có thể trốn cả ngày để đọc mà chẳng cần ăn uống.

Lớn lên, Tam Mao được gửi đến một trường văn hóa để rèn luyện khả năng sáng tác. Tại đây, bà gặp và có tình yêu đầu đời với một anh chàng họ Lương. Tuy nhiên, mối quan hệ đó chẳng tồn tại được lâu. Tam Mao chuẩn bị giấy tờ để du học ở nước ngoài, chia tay người bạn trai đầu đời.

Khi 24 tuổi, Tam Mao đến Tây Ban Nha du học. Cô đã gặp Jose María Quero - một thanh niên mới 16 tuổi. Khi đó, Jose chết mê chết mệt cô gái châu Á nhỏ nhắn nhưng rất cá tính, hơn mình đến 6 tuổi. Tam Mao hồi ấy giống như một "con bướm xinh đẹp" được ngưỡng mộ ở Đại học Madrid.

"Đồ thị" tình duyên lắt léo của nữ văn sĩ: Yêu ai cũng trắc trở, ngày làm cô dâu chỉ cắm vài cọng mùi trang trí lên đầu và cái duyên phận khó tin với chồng trẻ - Ảnh 1.

Cuộc gặp gỡ ấy diễn ra như phim. Vào đêm Giáng sinh, Tam Mao đến thăm bạn và tình cờ nhà Jose ngay bên cạnh. Khi nhìn thấy Jose, Tam Mao bật cười rồi thốt lên: "Wow, cậu bé này quá đẹp trai". Khi đó, Jose vẫn là học sinh trung học.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ El Pais sau này, chị gái của Jose đã tâm sự về em trai và Tam Mao: "Tất cả mọi người đều bị mê mặc bởi Tam Mao. Jose yêu cô ấy ngay từ cái nhìn đầu tiên".

Tuy nhiên, khi đó Tam Mao vẫn chưa "liều" đến mức lao vào tình yêu với một "cậu nhóc" ít tuổi. Jose còn có cả một tương lai dài phía trước nữa. Jose đau khổ nhưng tự hiểu vị trí của mình hiện tại.

Trước khi rời đi, ông nghiêm túc nói với Tam Mao rằng hãy chờ đợi trong 6 năm nữa. Sau 4 năm đại học và 2 năm phục vụ trong quân đội, ông sẽ quay về và đường đường chính chính xuất hiện bên bà. Ông luôn muốn có người vợ như bà.

Tam Mao đáp lại: "6 năm là quá dài, tôi không đảm bảo được bất cứ điều gì. Đừng suy nghĩ đến tôi và chuyện quay về mà lỡ dở việc học. Chúng ta không cần gặp lại nhau đâu".

Sau khi nghe thấy những lời đó, Jose rơi nước mắt nhưng ông vẫn giả bộ vui vẻ. Khoảnh khắc chia tay, ông chạy ngược trong màn tuyết và vẫy mũ trong tay, hét lên: "Tạm biệt Echo (tên Jose gọi Tam Mao), tạm biệt". Tam Mao định lên tiếng gọi tên cậu nhưng không thốt nên lời, bà rơi nước mắt và vẫy tay tạm biệt.

"Đồ thị" tình duyên lắt léo của nữ văn sĩ: Yêu ai cũng trắc trở, ngày làm cô dâu chỉ cắm vài cọng mùi trang trí lên đầu và cái duyên phận khó tin với chồng trẻ - Ảnh 2.

Một mình Tam Mao tiếp tục sống ở Tây Ban Nha. Bà trải qua 2 cú sốc tình cảm liên tiếp sau đó.

Tam Mao đồng ý lời cầu hôn của một họa sĩ bất chấp sự phản đối của bố mẹ ở Trung Quốc. Sắp tới ngày kết hôn, bà phát hiện người yêu mình đã là chồng của một phụ nữ khác.

Sau đớn, bẽ bàng, Tam Mao lại tiếp tục đi lang thang rồi gặp một giáo viên người Đức lớn tuổi. Ông ta hứa sẽ cầu hôn Tam Mao nhưng chẳng được bao lâu, người đàn ông này qua đời vì một cơn đau tim đột ngột ngay trong vòng tay bà.

Hai cú sốc khiến trái tim người phụ nữ chết lặng. Chính các biến cố nghiêm trọng ấy khiến Tam Mao quên mất lời ước hẹn 6 năm do Jose hứa. Tuy nhiên, bà quên thì quên chứ chàng thanh niên năm đó chẳng xóa mờ được hình ảnh Tam Mao trong tâm trí và luôn rèn luyện nghiêm túc để hẹn ngày tái ngộ.

Cuộc hôn nhân ngắn ngủi với người tình trăm năm và cái kết bi thảm

Ngày hẹn ước, Jose đến địa điểm nhưng không gặp Tam Mao. Không hề nao núng, ông cố gắng tìm cách để liên lạc lại với một người bạn của bà nhờ giúp đỡ. Ông không muốn đánh mất người con gái bí ẩn, thông minh và sâu sắc đó.

Ngay tối hôm đó, Tam Mao vội vã chạy đến nhà bạn thân. Khi gặp nhau, người bạn bảo rằng bà nhắm mắt lại và chờ đợi. Tam Mao bất ngờ nhưng vẫn làm theo, khi mở mắt ra Jose rắn rỏi và trưởng thành xuất hiện. Tam Mao bật cười, vui đến mức chẳng thốt nên lời. Ở lần gặp lại này, Jose đã trưởng thành và dường như khoảng cách rõ rệt như 6 năm trước đã không còn xuất hiện nữa.

Tam Mao yêu sa mạc và muốn sinh sống ở Tây Sahara. Ai cũng phản đối điều đó nhưng Jose thì không. Ông một mình tìm kiếm công việc ở đó và sắp xếp mọi thứ rồi đề nghị kết hôn vào năm 1974.

"Anh nghĩ rất lâu rồi, để giữ em bên cạnh chỉ có cách là cưới em thôi. Nếu không được thì trái tim anh sẽ chẳng bao giờ quên đi cảm giác đau đớn do mất mát. Chúng ta kết hôn vào mùa Hè được không?", Jose đã nói vậy và Tam Mao có lẽ vì mệt mỏi bởi đủ loại cảm giác thất bại trong đời, bà gật đầu đồng ý.

"Đồ thị" tình duyên lắt léo của nữ văn sĩ: Yêu ai cũng trắc trở, ngày làm cô dâu chỉ cắm vài cọng mùi trang trí lên đầu và cái duyên phận khó tin với chồng trẻ - Ảnh 3.

Ngày tổ chức hôn lễ, Tam Mao mặc một chiếc váy bằng vải lanh, trên đầu cài mấy cọng rau mùi nho nhỏ. Họ đi bộ trên sa mạc để đến nơi ký giấy kết hôn. Khi đó, Jose tặng cho vợ một chiếc hộp sọ lạc đà ông tìm kiếm được trong sa mạc Sahara làm quà cưới và khiến bà nở nụ cười.

Cuộc sống trên sa mạc mang đến nguồn cảm hứng bất tận với Tam Mao. Bà bắt đầu sáng tác văn chương và để lại nhiều tác phẩm quý giá trong thời gian đó. Với giọng điệu dí dỏm và thoải mái, bà nói đến các trải nghiệm của mình trên sa mạc và chinh phục một lượng lớn độc giả. Đây là thời kỳ hoàng kim của Tam Mao.

Sau này, Jose tìm được một công việc ở La Palma, hai vợ chồng lại chuyển đến hòn đảo đó. Những năm tháng sống cùng nhau, mối quan hệ của Tam Mao và chồng khiến ai cũng ngưỡng mộ. Trong một đêm khi đang ngủ, Tam Mao đánh thức chồng dậy và bày tỏ: "Em yêu anh nhiều lắm". Đó là khi trái tim của bà dành hoàn toàn cho người đàn ông này.

Vào mùa Thu năm 1979, cha mẹ của Tam Mao đến đảo để thăm con gái và gặp gỡ con rể. Họ rất hài lòng với sự lựa chọn của cô con gái. Sau một tháng sống chung, cha mẹ cô sang Anh du lịch. Tam Mao quyết định đồng hành cùng bố mẹ.

Trước khi vợ rời đi, Jose đã đưa ba người ra sân bay và nở một nụ cười tươi, chúc vợ vui vẻ trong chuyến du lịch. Nhưng ông không ngờ đó là lần cuối hai vợ chồng gặp nhau.

Jose vốn là một thợ lặn đã gặp tai nạn, thiệt mạng khi làm việc. La Palma trở thành điểm dừng chân cuối cùng cho hành trình yêu đương của Tam Mao.

Mất chồng, bà vô cùng đau khổ và ngay lập tức trở về. Bà đã chôn cất Jose trong nghĩa trang nơi hai vợ chồng thường đi dạo. Bà đã viết một câu để bày tỏ sự đau đớn: "Chính anh và em đã chôn cất nấm mồ này, chính là chúng ta, trong đó là chúng ta".

Tam Mao không thể chịu đựng được nỗi đau đớn tột cùng đó. Chị cả của bà sau này đã chia sẻ rằng, em gái mình từng quẫn trí đến mức dùng tay không đào mộ của chồng.

Jose chỉ sống 30 năm trên đời và 12 năm trong số đó ông dành tình yêu cho Tam Mao. Bà được nhiều người khuyên can và không nghĩ đến cái chết, bắt tay vào sáng tác văn học. Ở quyển sách mới nhất sau sự ra đi của chồng, bà đã viết những lời đau đớn ở cuối sách: "Tôi và anh ấy mãi là vợ chồng, tất cả những vướng mắc hay cảm xúc rối rắm trước đây đều không được tính đến. Tôi đã trở thành một người thật thuần khiết, đó là vợ của anh ấy".

Sau này, Tam Mao kể về cuộc gặp gỡ cuối cùng với chồng. Khi ấy, chồng bà đã lạnh toát: "Anh ấy mất 2 ngày rồi, tôi đến đó nước mắt tuôn trào và nói với chồng: 'Anh hãy dũng cảm, dũng cảm và dũng cảm hơn nữa trong hành trình không có em'. Vừa dứt lời, máu bắt đầu chảy ra từ mũi và miệng anh. Tôi không biết chuyện gì và không ai giải thích được. Tôi ngay lập tức cầm tay anh, dùng chiếc khăn tay đẫm nước mắt tôi lau máu cho anh ấy".

"Đồ thị" tình duyên lắt léo của nữ văn sĩ: Yêu ai cũng trắc trở, ngày làm cô dâu chỉ cắm vài cọng mùi trang trí lên đầu và cái duyên phận khó tin với chồng trẻ - Ảnh 4.

Năm 1989, Tam Mao quay về Trung Quốc. Suốt những năm sau khi chồng qua đời, bà chỉ sống vì bố mẹ mà thôi.

Ngày 4/1/1991, Tam Mao qua đời do tự sát tại một bệnh viện ở Đài Loan. Một số người suy đoán rằng bà tự tử do quá thương nhớ chồng và không tìm thấy mục đích sống nữa.

Cuộc đời của Tam Mao đã kết thúc như vậy đấy. Bà là người luôn khát khao tình yêu và sống hết mình cho tình yêu đó. Khi người yêu qua đời, bà dường như đánh mất mục tiêu sống và đã theo chân chồng chỉ 12 năm sau đó.

Nguồn: The Newyork Time, People News