Cách đây hơn 30 năm, cụ thể vào năm 1986, một đoạn quảng cáo khăn giấy đã gây chấn động Nhật Bản khi người ta cho rằng nó chứa đựng loạt câu chuyện rùng mình. Từ đó, nó được gọi là đoạn quảng cáo bị nguyền rủa nổi tiếng ở xứ sở Phù Tang.

Đoạn quảng cáo này khá đơn giản với một nhân vật nữ chính mặc đồ trắng đưa khăn giấy cho một đứa bé mặc trang phục yêu tinh. Vậy thì hà cớ gì mà nó lại bị gọi là "đoạn quảng cáo bị nguyền rủa"?

Đoạn quảng cáo bị "nguyền rủa" nổi tiếng nhất Nhật Bản khi nữ diễn viên bị đồn tự tử và tổ sản xuất không toàn mạng - Ảnh 1.

Mọi chuyện bắt đầu ngay sau khi đoạn quảng cáo được phát sóng ở Nhật Bản, nhiều người than phiền rằng nó gây khó chịu. Không ít tin đồn nói rằng bất cứ ai xem đoạn quảng cáo này cũng bị nguyền rủa hoặc chết. Nhiều thông tin chưa được xác thực cho biết một số người đã tự tử sau khi xem đoạn quảng cáo. 

Người ta còn tin rằng bài nhạc nền được sử dụng trong đoạn quảng cáo là lời nguyền Đức cổ với lời bài hát là: "Chết đi, chết đi, tất cả mọi người đều bị nguyền rủa và sẽ bị giết". Thực tế, bài hát ấy có tên là It's a Fine Day do ca sĩ Jane Lancaster trình bày và được viết lời bởi Edward Barton. Lời bài hát phảng phất sự buồn bã không hề tươi sáng giống như tựa đề của nó và điều này có thể sẽ khiến mọi người dễ liên tưởng hơn đến những thứ kì dị hơn.

Tất nhiên, tất cả đều là tin đồn bởi chẳng có trang báo nào đưa tin về việc người ta tự tử khi xem xong mẫu quảng cáo khăn giấy bị nguyền rủa kia. Sau đó, nhà sản xuất đã gỡ bỏ hết quảng cáo trên truyền hình nhưng vẫn không thể ngăn được những lời đồn đại. Thậm chí, sau khi nó xuất hiện trở lại trên Youtube vào ngày 23/5/2006 đã lập tức thu hút hơn hàng triệu lượt xem.

Chưa dừng lại ở đó, người ta còn truyền tai nhau rằng dàn diễn viên và nhân viên tham gia sản xuất mẫu quảng cáo kia lần lượt qua đời sau khi nó được phát sóng trên truyền hình. Tin đồn rằng một nhân viên quay phim đã chết trong phòng xông hơi vì thiết bị lỗi. 

Người xem cho rằng đoạn quảng cáo này sẽ thay đổi tùy theo cách thức và thời gian người ta xem nó. Em bé trong đó bị xem là ác quỷ và nó sẽ chuyển màu nếu như người ta xem đoạn quảng cáo ngược. Có tin đồn rằng nếu đoạn quảng cáo nếu được xem vào ban đêm thì độc giả sớm muộn cũng bị điên loạn.

Năm 2006, một Youtuber có tên là Shrouded Hand đã đăng lại đoạn quảng cáo này nhưng là phiên bản đã qua chỉnh sửa. Anh còn làm mọi chuyện rùng rợn hơn khi thêm vào ngữ cảnh khi xem đoạn quảng cáo lần đầu tiên, rằng: "Tất cả đèn điện trong nhà đều đột ngột tắt đi trong khi laptop cũng bị tắt ngóm. Điều này khá lạ bởi vì laptop nếu bị ngắt nguồn điện thì vẫn có thể hoạt động bằng pin".

Đoạn quảng cáo bị "nguyền rủa" nổi tiếng nhất Nhật Bản khi nữ diễn viên bị đồn tự tử và tổ sản xuất không toàn mạng - Ảnh 2.

Mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn khi nữ diễn viên đóng chính của đoạn quảng cáo là Keiko Matsuzaka cũng trở thành nạn nhân của những lời đồn thất thiệt. Người ta đồn rằng cô sinh ra một đứa bé ác quỷ rồi chết đi hay treo cổ tự tử. Tuy nhiên, Keiko không hề chết mà vẫn sống khỏe mạnh và tiếp tục công việc diễn xuất bình thường.

Đến nay, không có bằng chứng cho thấy những tin đồn kia là sự thật nhưng mẫu quảng cáo khăn giấy kia vẫn khiến người dân Nhật Bản rùng mình khi nhớ đến.

(Nguồn: Ranker)