Trả lời VTC News, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO – Chủ tịch HĐQT Công ty Dầu thực vật Tường An cho biết, dịp Tết Nguyên đán năm nay, những mặt hàng thiết yếu vẫn sẽ được người dân ưu tiên mua sắm hàng đầu, trong đó có dầu ăn.

Doanh nghiệp đưa hàng Tết lên kệ, tung 'chiêu' giảm giá mùa cao điểm - Ảnh 1.

Mùa mua sắm Tết Nguyên đán chính thức bắt đầu từ ngày 11/1 tại nhiều siêu thị ở TP.HCM. (Ảnh: Đại Việt)

Thời điểm này, các cán bộ, nhân viên của Công ty Tường An đang trong giai đoạn sản xuất, kinh doanh cao điểm phục vụ Tết. Doanh nghiệp đã tiến hánh hàng loạt cải tiến, nâng cao chất lượng bao bì, mẫu mã sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng.

Chúng tôi phân phối sản phẩm dầu ăn đến 450.000 điểm bán trên toàn quốc và thông qua nhiều kênh bán hàng khác như B2B, kênh thương mại điện tử, kênh mua sắm giải trí E2E, TikTok để gia tăng doanh thu cũng như đa dạng hóa trải nghiệm của người dùng” , ông Nguyên nói.

Theo ông Nguyên, ngoài dầu ăn đơn vị này cũng “bước chân” vào kinh doanh nước mắm và hạt nêm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Ông Nguyễn Quốc Trung, Tổng giám đốc Công ty CP Masan MEATLife chia sẻ, nhân viên, người lao động của doanh nghiệp này cũng đang tập trung sản xuất, cung ứng những sản phẩm thịt chất lượng cho người tiêu dùng trong dịp Tết Giáp Thìn.

Đơn vị đã chuẩn bị sản lượng cung ứng tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái với nguồn heo được tuyển chọn kỹ lưỡng. Dây chuyền sản xuất công nghệ thịt mát theo tiêu chuẩn Châu Âu sẽ hoạt động liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết.

“Chúng tôi tung ra thị trường các sản phẩm chả giò chất lượng được sản xuất bằng công nghệ hiện đại nhưng vẫn giữ được hươn vị quen thuộc của người Việt. Công ty cũng tập trung vào những sản phẩm thu hút người tiêu dùng trẻ tuổi, điển hình như chả giò được bổ sung tai, bì giòn dai hay ớt xiêm xanh thượng hạng. Các sản phẩm đều được làm từ thịt sạch 100% và hoàn toàn không có hàn the” , ông Trung nói.

Doanh nghiệp đưa hàng Tết lên kệ, tung 'chiêu' giảm giá mùa cao điểm - Ảnh 2.

Sức mua tại các siêu thị bắt đầu tăng so với ngày bình thường. (Ảnh: Đ.V)

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động của hệ thống Co.opmart, hệ thống siêu thị này đã chính thức bắt đầu phục vụ Tết Giáp Thìn. Kể từ ngày 11/1 (Mùng 1 tháng Chạp), 2.000 mặt hàng bán tại siêu thị được giảm giá 50%.

Tại 800 điểm bán hàng trên cả nước, hệ thống Saigon Co.op ghi nhận sức mua và lượt khách đang tăng từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng phục vụ Tết, Saigon Co.op kỳ vọng sức mua tăng khoảng 20 - 30%, lượt khách tăng 50% so với tháng bình thường.

Hệ thống Co.opmart, Co.opXtra cũng đang phục vụ nhiều mẫu giỏ quà Tết độc đáo với các đặc sản vùng miền như: hạt điều Bình Phước, cá dứa Cần Giờ, lạp xưởng Sóc Trăng, bánh tét Trà Vinh…Giỏ quà Tết đặc sản có giá từ 499.000 đồng trở lên. Người dân mua giỏ quà Tết trọn gói các đặc sản sẽ rẻ hơn so với mua từng món riêng lẻ từ 10 - 30%.

Theo ghi nhận của VTC News, các giỏ quà Tết đang được kinh doanh tại hệ thống Saigon Co.op năm nay khá độc, lạ. Điển hình như giỏ quà Tết theo cung hoàng đạo, theo ngũ hành hay giỏ quà tạo hình chim công.

Doanh nghiệp đưa hàng Tết lên kệ, tung 'chiêu' giảm giá mùa cao điểm - Ảnh 3.

Các sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương được người tiêu dùng ưa chuộng dịp Tết. (Ảnh: Đại Việt)

Còn theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc chuỗi WinMart, đơn vị này đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa Tết từ rất sớm. Đến nay, công ty đang triển khai hợp tác thu mua hàng hóa với các tỉnh, địa phương, nhà cung cấp nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng hàng hóa trong dịp Tết. Chính vì lượng hàng hóa dồi dào và đầy đủ nên giá cả trong dịp Tết không có nhiều biến động.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình khuyến mãi cũng được hệ thống siêu thị này tung ra với mức ưu đãi lên tới 50% hay mua 2 tặng 1. Việc này nhằm kích cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết, thành phố đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng phục vụ cho dịp Tết Giáp Thìn, trong đó có hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị cho hàng bình ồn thị trường.

Cụ thể, bình quân 1 tháng, các doanh nghiệp bình ổn thị trường dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản…

Trong dịp Tết Nguyên đán 2024, TP.HCM đang đẩy mạnh liên kết vùng và hợp tác phát triển kinh tế xã hội với 38 tỉnh, thành trên cả nước. Riêng lĩnh vực thương mại, hỗ trợ tiêu thụ đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, thành phố không chỉ hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm, mà còn bổ sung nguồn hàng bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.