Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, theo Luật Lao động 2019, người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Theo đó, doanh nghiệp được coi là sử dụng nhiều lao động nữ khi: Sử dụng từ 10 đến dưới 100 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 50% trở lên so với tổng số lao động; Sử dụng từ 100 đến dưới 1.000 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 30% trở lên so với tổng số lao động; Sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên.

Doanh nghiệp được giảm thuế khi sử dụng nhiều lao động nữ - Ảnh 1.

Ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH).

Bên cạnh đó, Luật Lao động 2019 cũng khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.

“Người sử dụng lao động đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa và các công trình phúc lợi khác bảo đảm các điều kiện về quy mô, tiêu chuẩn theo quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa thì được hưởng các ưu đãi theo quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường”, ông Thiện cho biết.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng cho biết, Luật Lao động 2019 cũng quy định rõ các hành vi được coi là quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhằm bảo vệ người lao động.

Theo đó, quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục. Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục. Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

Ông Thiện cũng cho biết, việc quấy rối ở nơi làm việc là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.

Ông Mai Đức Thiện nhấn mạnh, người sử dụng lao động phải quy định bằng văn bản về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc với 5 nội dung và 2 nguyên tắc. Đồng thời, người sử dụng lao động và người lao động phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống quấy tối tình dục tại nơi làm việc./.