Nguyên liệu tự nhiên, không hoá chất
Từ xa xưa, hương trám đen làng Chóa (nay là thôn Lạc Trung, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã nổi tiếng bởi mùi thơm đượm nhưng thanh khiết, thường được thắp trong các gia đình dịp Tết Nguyên đán, rất quen thuộc trong đời sống của các gia đình Bắc Bộ.
Hương đen gồm hai phần chính là tăm hương và thân hương. Tăm hương là cây nứa đã được ngâm kỹ trong vòng 3-4 tháng để tăm kiệt nhựa và tránh bị mọt. Sau khi vớt lên, người thợ phơi tăm dưới nắng nhiều ngày để tăm thật khô và giòn. Khi đốt lên, que hương sẽ cháy đều, đượm lửa, tàn hương không bị gãy ngang thân.
Ông Nguyễn Hữu Tư, gia đình có nhiều đời làm nghề hương đen truyền thống, nổi tiếng trong làng cho biết: “Nguyên liệu làm hương đen 100% tự nhiên. Nến hương được nấu từ trám rừng và than hoa. Nhựa trám rừng phải là loại sạch, nguyên chất.”
Vẫn giữ lại cách xử lý xa xưa, người dân làng Chóa đun nhựa trám rồi trộn với than hoa. Khâu trộn nguyên liệu quyết định phần lớn việc tạo nên hương thơm khác biệt cho loại hương đen đặc trưng này. Công thức pha trộn do bí quyết của từng nhà, sao cho thành phẩm không quá già, không quá non. Pha chuẩn nến hương sẽ có độ dẻo, thơm và có màu đen bóng.
Se hương là công đoạn thú vị và trở thành đặc trưng cách làm của hương làng Chóa. Không dùng bất kỳ loại máy móc nào, hương làng Chóa được se bằng tay. Để đảm bảo độ dẻo nguyên liệu, nến hương được hấp nóng cho dẻo ra, vừa đủ bám dính vào tăm hương và định hình lên que hương.
Hương làng Chóa còn nổi tiếng bởi độ bền, không dễ gãy hay bị vỡ vụn. Không như các loại hương công nghiệp đầy hóa chất khác, chỉ cần bị ẩm là rất khó đốt, hương trám đen càng để lâu càng khô, có nhúng nước nhưng khi đốt lên vẫn cháy. Đặc biệt, do nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên nên loại hương này khi đốt có mùi thơm đượm của nhựa trám, khói hương không gây hại đối với sức khỏe người dùng.
Làm nghề để giữ nghề
Theo chia sẻ, mỗi ngày người thợ se tay lành nghề sẽ se được 700 đến 1.000 nén, năng suất chỉ bằng 1/10 làm máy. Người làm hương giờ chỉ còn những người già trong làng tranh thủ lúc rảnh rỗi.
Năng suất không cao, tiền công ít, nên những người trẻ trong làng lựa chọn đi làm tại các khu công nghiệp thay vì tiếp nối nghề truyền thống.
Cũng vì thế, làng Chóa giờ đây chỉ còn vài hộ làm hương thủ công quanh năm. Trải qua thời gian dịch bệnh, nhiều hộ khác không còn khách, chỉ tập trung làm trong giai đoạn cuối năm khi nhu cầu của người dùng tăng cao.
Đối với gia đình ông Tư, làm hương đen là nghề chính. Dù quy mô làng nghề đang dần bị thu hẹp, nghề làm hương trám đen không mang lại sự giàu có, nhưng ông khẳng định sẽ không bỏ nghề mà sẽ ngày càng đầu tư, phát triển hơn nữa. Bởi với ông, bảo tồn nghề, tạo công ăn việc làm cho người trong làng là điều ông luôn mong mỏi, cố gắng đạt được.