Bún riêu mà đi ăn quán vỉa hè thì quá bình thường, nhưng đi ăn bún riêu giá bình dân trong một không gian nhà được trang trí với đủ món đồ sưu tầm độc đáo như này thì quả thực là... nó lạ lắm. Vẫn là bát bún riêu quen thuộc, nhưng ngồi ăn trong một không gian đẹp, bỗng dưng ai cũng cảm thấy dễ chịu.
Từ quán bún riêu vỉa hè cho đến trải nghiệm ăn bún trong căn nhà... quý tộc
Từng bán ở vỉa hè, giờ quán "Bún ziu gánh" của cô Yến lại nằm nép mình trong con ngõ nhỏ Lương Sử C, phố Quốc Tử Giám, Hà Nội. Giữa con ngõ yên bình lại có một hàng bún riêu xinh xắn như thế. Chiếc biển ghi rõ "Bún ziu gánh" nhưng không gian bên trong lại không hề giống một hàng bún riêu bình thường.
Từ ngoài vào trong, từ những kệ tủ, bức tranh cho đến các món đồ trang trí trên tường hay mấy cái đèn đặt trên bàn đều rất đẹp và lạ. Hỏi ra mới biết, chị Quỳnh, con gái cô Yến là người lên ý tưởng trang trí cho quán bún riêu của gia đình. Những món đồ được chị sưu tầm và tìm mua, nay lại có dịp được trưng bày ngay tại quán, khiến khách cũng phải trầm trồ vì quán bún riêu này trông hay quá!
Quán bún riêu gây ấn tượng với không gian trang trí lạ mắt.
Chiếc bàn ăn tại quán cũng là bàn chân máy khâu, mặt bàn là gỗ và lớp gạch men. Từng chiếc ống đựng đũa, hũ đựng ớt chưng cũng là gốm sứ loại đẹp. Những món đồ decor cái thì gốm sứ, cái thì gạch nung, chỗ để đàn piano, chỗ lại điểm xuyết những chiếc đồng hồ kiểu cổ.... nhưng mọi thứ lại kết hợp hài hòa đến lạ và quan trọng là mang lại cảm giác rất gần gũi và dễ chịu.
Những món đồ gốm được sưu tầm từ khắp nơi.
Nói về những món đồ decor trong quán, có bức tranh vẽ tay tuổi đời cả 60 năm, có những món đồ kỷ niệm trong một chuyến đi chơi, hay cũng có đồ được người quen tặng... mỗi thứ dường như chứa đựng một câu chuyện riêng, khiến cho khách đến ăn bỗng dưng muốn ghé lại nhiều lần, không chỉ để thưởng thức bát bún riêu ngon mà còn tìm hiểu về không gian đặc biệt ở đây.
Ghé quán, bạn sẽ có cái cảm giác giống như ăn ở nhà hay như đến nhà người quen ăn cơm. Giữa một không gian đặc biệt như thế, dường như mọi người đều cảm thấy thoải mái. Dù vào giờ cao điểm có phải chờ hơi lâu một chút nhưng chẳng ai muốn to tiếng, chẳng ai nỡ phá vỡ đi cái bầu không khí dễ chịu như vậy.
Các topping của bát đầy đủ có đậu phụ, thịt bò tái, ốc, riêu cua, chả cá, bò viên...
Nói về đồ ăn, như nhiều nơi khác, ở đây có bún riêu, bún ốc, bánh đa cua... Nhưng nổi bật nhất có lẽ bún riêu, cũng đúng là món ăn mà quán để ở biển tên. Còn nếu chưa biết ăn gì thì bát bún thập cẩm với riêu, ốc, thịt bò, chả cá, chả bò viên... giá 50.000 đồng sẽ là một lựa chọn cho bạn. Nước dùng của bát bún có vị chua từ dấm bỗng, thơm mùi cua, hành phi nhà làm thơm giòn, các topping khác thì đều ở mức tròn vị.
Vào những ngày mùa thu, thay vì ăn ở quán vỉa hè thì ghé quán ăn trong con ngõ nhỏ, ngắm nhìn không gian trang trí hay ho, thưởng thức một bát bún riêu ngon đúng kiểu Hà Nội, có lẽ cũng là một trải nghiệm thật đặc biệt.
Quán bún riêu nằm trong một con ngõ yên tĩnh.
Gặp cô bán bún phố cổ nổi tiếng cả mấy chục năm, nay bán hàng vì... đam mê
Tác giả của những bát bún riêu ngon này là cô Yến, với những "dân chơi" hệ bún riêu có lẽ không còn xa lạ gì với quán bún riêu "căm thù" của cô. Ngày trước, cô Yến bán ở Hàng Bún, gần gốc cây si trước tấm bia "Khắc sâu căm thù" nên mọi người vẫn gọi vui là bún riêu "căm thù". Sau này, cô Yến để lại địa điểm cho con trai bán và chuyển sang Hàng Khoai nhưng lại bị lấy mất chỗ nên giờ mới chuyển về đây.
Năm nay, cô Yến gần 70 tuổi, nhưng vẫn vui tính và hay chuyện, như cái cách cô tự giới thiệu về bản thân mình: "Cô Yến gần 70 tuổi rồi, vẫn ăn ngon, ngủ ngon, lao động tốt. Cô Yến giờ làm vì đam mê, con gái và con rể cô mới là chủ quán, cô giờ làm ô sin cho hai đứa".
Khi hỏi cô Yến là không gian trang trí đặc biệt của quán, cô Yến cười tự hào bảo: "Đẹp không, con gái cô làm hết đấy". Hoá ra, căn nhà nơi mở quán bún riêu này là nhà của anh Việt, con rể cô Yến. Với những ai nghe nhạc Rock sẽ nhận ra anh chính là Việt James, thành viên nhóm nhạc Rock Thủy Triều Đỏ.
Anh Việt James, con rể cô Yến cũng dành nhiều thời gian cho quán bún của gia đình.
Anh Việt chia sẻ: "Trước đây cô Yến rất áy náy với khách vì chỗ ăn chỉ tiện đường mà không được sạch sẽ. Khách ngồi ăn ngay gần đường bụi, lại sát khu vực cống cái thỉnh thoảng có những ngày mùi không chịu nổi. Chưa kể những hôm mưa gió bưng bát bún chạy không kịp. Giờ cô Yến cũng U70 rồi, mãi không thể cứ gồng gánh chạy quanh được. Giờ cũng là dịp để cô Yến rời vỉa hè về nhà. Địa điểm mới, có thể sẽ không còn tiện đường với khách quen cô Yến như trước, nhưng cô Yến đảm bảo quán có thể phục vụ khách yêu một cách xứng đáng hơn. Vì khách của cô Yến xứng đáng được yêu chiều mà".
Lọ đựng đũa thìa hay hũ đựng ớt chưng cũng rất đẹp.
Mấy tháng trước, khi mà quán bún riêu không còn được bán ở Hàng Khoai nữa, cô Yến nghỉ mất 3 tháng. Cô Yên tâm sự: "Khi mà cô mất chỗ ở Hàng Khoai, suốt 3 tháng cô ở nhà chán lắm, nhìn ai cũng muốn cãi nhau, vì mình lao động nó quen rồi. Cô cứ nằm ở nhà nghĩ viển vông, tiêu cực. Xong rồi chị Quỳnh con gái cô mới bảo lại bán hàng đi, và thế là mới bắt đầu dọn nhà trang trí các thứ".
Trong căn nhà của gia đình, cô Yến chuẩn bị nguyên liệu và nấu chính, con gái và con rể phụ các công việc còn lại. Cháu trai buổi trưa đi học về cũng tranh thủ phụ giúp gia đình.
Cô Yến là gái Hà Nội gốc, ở cô có cái sự khó tính của người thế hệ cũ, nhưng lại có nét hào sảng mà ai cũng quý. Cô Yến tâm sự: "Ăn phải đúng theo ý mình mới được, người Hà Nội như các chị già giống cô nhiều khi khó ăn lắm. Vì thế cô Yến nấu rất cầu kỳ, cái hành nhà cô ăn từ đầu đến cuối bát vẫn thấy độ giòn, cái cua đến cuối bát vẫn thấy mùi thơm. Mùa hè nhà cô còn có rau rút cơ, vào mùa rau rút nó ngon ngất ngây luôn.
Nhà trước nhà cô ở ngã tư Hàng Chiếu, nên cô thích ăn quà lắm. Mình ăn ngon thì mới làm ngon. Buổi sáng cô dậy sớm để chuẩn bị, xong xuôi cô phấn khởi nhất là có bát phở, bát cháo sườn, cốc trà đá. Làm vì đam mê mà, không đam mê là không làm được đâu, cô chỉ đam mê ăn uống thôi!
Tính cô cũng thoải mái lắm. Nhiều khi có bà nhặt rác đi qua cô gọi lại hỏi nay nhặt được nhiều chưa, người ta mới bảo 'em chưa bác ạ', thế là cô cho người ta 50 nghìn. Mình bớt tiêu đi, mình tiêu 9 hôm, mình cho người ta 1 hôm. Rồi người khó khăn thì 10 nghìn cô cũng bán, thậm chí cô cho người ta bát hoành tráng, còn cho ăn trước vì nghĩ người ta đói".
Một vài góc khác trong quán cũng rất thú vị.
Đến giờ cô Yến vẫn nhắc lại cái quang gánh bán bún riêu ngày xưa, bon chen vất vả nuôi cả gia đình. Bây giờ, trải qua mấy chục năm, quán bún riêu đã khang trang hơn rất nhiều, nhưng cô Yến vẫn giữ cái tên cũ, như một kỷ niệm đẹp.