Gần chục năm qua, cuộc sống mưu sinh vất vả phải làm đủ nghề từ phụ hồ, đi theo đoàn lô tô, bán vé số, kéo dây ở bến phà,… thế nhưng ông Đoàn Văn Hải chưa từng thấy cô đơn vì có những "đứa con" đồng hành, phụ giúp.
5 chú chó thay nhau bán vé số "phụ giúp" chủ
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đoàn Văn Hải cho biết, cả 5 chú chó đều thuộc giống chó ta, mỗi con nặng từ 10 – 25kg, ông đặt tên lần lượt là Bích La, Bưởi, Ba Can, Ú, Kinô. Trong số đó, Bích La là chú chó đầu tiên gắn bó với ông Hải trong suốt những năm làm thuê. Cậu chó này được xem là "anh cả", cũng là chú chó thông minh nhất trong đàn chó.
Bích La được xem là "anh cả" trong gia đình.
"Tôi xin Bích La ở Trà Vinh, lúc xin về nó chỉ 2kg. Nó theo tôi đi làm thuê ở hội chợ xuyên suốt. Lúc tôi bán đồ cho khách, Bích La nó thấy vậy nó chạy lại nó ngậm rồi giật bịch đồ để giao cho khách. Tôi để ý nhiều lần, lần nào nó cũng giành đồ trên tay tôi để giao cho khách", ông Hải kể.
Từ thời điểm nhận thấy Bích La có tính thông minh bẩm sinh, đi bất cứ đâu ông Hải cũng đưa chú chó này theo, canh giữ liên tục. Thậm chí, sợ chó cưng bị bắt mất, ông Hải còn đích thân bồng nó trên tay, xưng hô "ông nội - Bích La" y hệt như ông cháu ruột.
Bán cá viên chiên ở hội chợ người qua lại đông, sợ Bích La bị bắt mất, ông Hải sau đó xin làm thuê ở bến phà Nhật Tảo (Tân Trụ, Long An). Chủ và chó từ đó gắn bó như hình với bóng.
"Công việc kéo, cột dây khi phà cập bến hay xuất bến phải dùng nhiều sức, Bích La nó để ý rồi có một lần nó thấy phà cập bến, nó tự chạy lại cắt sợi dây rồi lôi vào phụ tôi một đầu. Tôi với nó chia ra hai bên. Người dân lúc đó thấy họ cũng quay lại, nhiều người xuống phà chỉ mong được gặp nó".
Những tưởng công cuộc mưu sinh sẽ chỉ khó khăn đến đây, vì người đến xem Bích La ngày một đông, ảnh hưởng đến bến phà nên ông Hải không thể tiếp tục công việc. Hết đường, ông về quê lãnh vé số bán kiếm sống qua ngày.
"Bưởi và Ba Can là con của Bích La. Kinô là vợ lớn, bé Ú là vợ nhỏ, hai vợ của Bích La tôi xin vòng vòng ở quê", ông Hải giới thiệu về cháu, chắt nhà mình.
Theo ông Hải, cả 5 chú chó đều lần lượt thay phiên nhau đi bán vé số cùng ông mỗi ngày. Để đắt khách, chúng còn biết pha trò như ngậm vé số đi mời bằng hai chân, biểu diễn xiếc, đùa giỡn với khách,…
Khi nghe ông Hải "sai vặt", Bích La lẳng lặng vào nhà ngậm ra một thùng tiền. Theo ông Hải, số tiền được mạnh thường quân cho trong lúc bán vé số, ông đều để dành riêng từng phần để lo phần ăn, chích ngừa cho các cháu.
"Tôi sống cũng tự hào vì các cháu tôi", ông Hải xúc động.
Hiện tại, để có chỗ che nắng che mưa, ông Hải tận dụng bóng mát của một góc bờ kênh, để dựng chòi lá, dùng cao su làm vách ngăn. Để đảm bảo kinh phí trang trải cuộc sống và nuôi 5 chú chó cùng lúc, ông Hải phải lãnh thêm vé số về bán.
Mỗi ngày, ông Hải dành 1 - 2 tiếng vệ sinh chuồng và chỗ ở cho chó. Sau một thời gian được nhiều người biết đến, ông có thêm kinh phí làm chuồng tạm là chỗ cho cả 5 chú chó ăn, ngủ.
"Tôi dành thời gian dạy nó nhiều lắm, phần vì được dạy phần vì chúng cơ bản đã thông minh bẩm sinh. Chúng nghe và hiểu ý chủ", ông Hải tâm sự.