“Giữ lửa” sơn mài truyền thống
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát là nghệ nhân trẻ tuổi luôn theo đuổi và gìn giữ nét đẹp của nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Khao khát lớn nhất của anh không chỉ là gìn giữ và phát huy sơn mài truyền thống mà còn muốn đưa nét đẹp truyền thống này vươn tầm thế giới.
Những bộ sưu tập của anh đã tạo được ấn tượng lớn không chỉ cho những người yêu thích nghệ thuật ở trong nước mà còn tạo tiếng vang với bạn bè quốc tế.
Chia sẻ về cái duyên đến với nghề, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết: Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất cổ Đường Lâm, gia đình anh từ ông nội đến bố của anh đều là những người “khéo tay” nên có lẽ anh cũng được thừa hưởng sự khéo tay đó. Từ nhỏ anh đã sớm được tiếp xúc và ý thức được tình yêu của mình với những chất liệu truyền thống của người Việt. “Bút” anh dùng để vẽ có thể là cành cây, ngói vỡ. “Giấy vẽ” có thể là tường đất, nền cát. Tình yêu mỹ thuật cứ thế âm ỉ và lớn dần trong anh.
“Lên đại học, tôi theo học sơn mài ở Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Cuối năm nhất, tôi bắt đầu đi làm thêm ở một nơi chuyên làm mô hình sa bàn kiến trúc. Công việc đó giúp tôi quen được với nhiều người làm nghề chế tác trang sức nên tôi cũng học được một chút nghề thủ công. Thời gian rảnh, tôi về làng sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín, Hà Nội), xin học nghề từ các nghệ nhân kỳ cựu”.
Tốt nghiệp đại học, Nguyễn Tấn Phát bắt đầu “làm chủ” con đường nghệ thuật của mình. Anh mở doanh nghiệp tư nhân chuyên làm tranh, đồ gia dụng, đồ trang sức khảm trai, sơn mài ở thị xã Sơn Tây. Kể từ đó, sự nghiệp nghệ thuật của anh bắt đầu có nhiều khởi sắc và giành được nhiều giải thưởng thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng Hà Nội, như: Sản phẩm thủ công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố Hà Nội năm 2011, giải nhất cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2014.
Với niềm đam mê bất tận, và khả năng học hỏi nắm bắt xu hướng thị trường nhanh nhạy, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã tạo ra những sản phẩm độc đáo và có giá trị kinh tế cao, rất khác biệt so với các sản phẩm sơn mài trên thị trường. Nói về sự khác biệt này, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ: Ngoài việc thiết kế hình dáng tổng thể, sản phẩm còn được phủ lên nhiều lớp sơn để tạo hiệu ứng vân màu.
Với khao khát giữ lửa truyền thống cho mỹ thuật sơn mài, anh đã mở lớp dạy nghề miễn phí tại nhà. "Tôi mở lớp dạy nghề miễn phí với mong muốn là tìm được những 'truyền nhân' có thể cùng tôi xây dựng và vực làng cổ Đường Lâm thành một làng nghề sơn mài truyền thống", anh Phát nói.
Nhờ sự đặc biệt và độc đáo trong việc chế tác sản phẩm, xưởng điêu khắc của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát gần đây đã trở thành một địa điểm thu hút số đông du khách trong hành trình khám phá các sản phẩm nổi tiếng của Xứ Đoài.
Mỗi năm một linh vật – Bộ sưu tập 2023 mèo độc bản đón Xuân Quý Mão 2023
Đến hẹn lại lên, độ Tết đến Xuân về, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát lại bận rộn với hàng trăm bức tượng con giáp là những linh vật đại diện cho năm mới sắp tới. Mỗi bức tượng được nghệ nhân chạm khắc tinh xảo, tỉ mỉ để đón chào tết cổ truyền. Những năm trước, sự độc lạ của các bộ sưu tập linh vật đều nhận được sự đón chào nồng nhiệt của mọi người. Năm nay khi Tết Nguyên đán Quý Mão đang cận kề, nghệ nhân lại cho ra mắt bộ sưu tập mèo độc bản đa dạng về thể loại, màu sắc để đón chào năm mới.
Bộ sưu tập lần này đã được nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát ấp ủ suốt hai năm với số lượng tượng mèo lên đến 2023 bức, được làm hoàn toàn từ gỗ mít, đá ong - những chất liệu quen thuộc của xứ Đoài, kết hợp với nghệ thuật sơn mài thuần Việt, nghệ nhân mong muốn mang lại món ăn tinh thần cho mọi người thưởng lãm vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Vốn là một người có khiếu hội họa lại rẽ ngang sang lĩnh vực mỹ thuật tạo hình nên nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát có một ưu thế rất lớn. Với bàn tay khéo léo và sự sáng tạo trong nghệ thuật những tác phẩm mèo được tạo ra mỗi con đều mang một nét riêng. Vì không có bất kỳ khuôn mẫu hay quy chuẩn nào nên 2023 bức tượng mèo là 2023 hình dáng khác nhau, không con nào giống con nào.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho hay: "Với một người làm nghề truyền thống như tôi thì đây là một cơ hội để tôi có thể đem nghề truyền thống đến với mọi người. Và thời điểm cuối năm là một thời điểm rất thuận lợi. Hình tượng mèo được tôi đưa vào bộ sưu tập lần này với mong muốn xây dựng hình tượng mèo trong văn hóa dân gian Việt Nam.
Thông qua những bức tượng sơn mài trên gỗ mít và đặc biệt là yếu tố tạo nên điểm nhấn của bộ sưu tập là 2023 bức tượng tôi đều làm độc bản. Với bộ sưu tập lần này tôi cũng mong muốn tạo món ăn tinh thần cho người thưởng thức".
Hình tượng quen thuộc của những chú mèo trong câu chuyện hằng ngày, ca dao dân ca, các câu chuyện dân gian đã được tác giả khéo léo mô phỏng và đưa vào bộ sưu tập với những tạo hình ấn tượng có khi là lọ hoa, bàn trà, chiếc ghế... Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân, mọi bức tượng như được thổi hồn, trở nên sinh động và giàu giá trị.
"Thực tế khi làm những bức tượng sơn mài tôi đều phải dùng hết những đặc tính tốt đẹp của loài mèo để đưa vào. Có những hình tượng mèo được tôi làm chân thực, có những hình tượng được tôi cách điệu hóa lên, đẹp hơn ngoài đời thật. Ngoài ra, tôi cũng xây dựng vào bức tượng đó những câu chuyện dân gian, làm sao cho con mèo vốn đã gần gũi rồi lại càng trở lên gần gũi hơn. Đây cũng là một cách để mình tôn vinh văn hóa của người Việt."
Trong bộ sưu tập lần này, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tâm đắc nhất với bộ gồm 7 chiếc ghế khắc họa hình dáng 7 con mèo khác nhau kèm theo đó là chiếc bàn mang dáng dấp của một con cá.
"Với bộ sản phẩm mèo và cá của tôi đã được tôi đưa vào những bức tranh dân gian Đông Hồ. Đó là những bức tranh 'Đám cưới chuột', bức tranh 'Cậu bé ôm mèo' đã đươc tôi bố cục lại để đưa vào trong những chiếc ghế mèo, tạo nên sự khác biệt và đó cũng là điểm nhấn của bộ ghế".
Nguyễn Tấn Phát đã khéo léo lồng ghép vào những yếu tố của nghệ thuật dân gian vào trong tác phẩm của mình để vừa tạo sự sinh động cho bộ sưu tập lại vừa có thể giúp người thưởng thức tiếp cận được với nét đẹp của nghệ thuật dân gian Việt Nam.
Nghệ nhân cho rằng, trong nghệ thuật đương đại thì trách nhiệm của người sáng tạo phải làm mạch nối giữa văn hóa dân gian với văn hóa đương đại.
Ngoài sự sáng tạo thì những tác phẩm mèo năm nay đều được nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát thiết kế tạo hình nhiều kiểu, và thiên về tính công năng sử dụng của bức tượng, hướng đến nhiều đối tượng khách hàng, nâng tầm giá trị sản phẩm, điển hình như mèo hình bàn trà, lọ hoa, hình hộp,....