Món canh bồi, dù xuất hiện tại nhiều địa phương như Phú Yên, Kon Tum, hay Bình Phước, thực chất lại giữ một vị trí đặc biệt trong ẩm thực của người Chơ Ro ở Đồng Nai và người M'Nông tại Kon Tum. Mỗi nơi canh bồi được chế biến với những nét độc đáo riêng biệt, nhưng tựu trung lại đều mang đến hương vị đậm đà và giàu bản sắc văn hóa.
@baodongnai
Canh bồi của người Chơ Ro
Khám phá ẩm thực luôn là hành trình thú vị, và khi đặt chân đến Đồng Nai, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức một đặc sản vô cùng độc đáo: Món ăn thú vị vừa là cháo vừa là canh. Món ăn này không chỉ độc lạ bởi hình thức kết hợp giữa cháo và canh mà còn bởi các nguyên liệu làm nên hương vị của nó. Điểm đặc biệt nhất là nguyên liệu không thể thiếu: "7749" loại lá khác nhau, từ những lá cây quen thuộc cho đến những loại lá hiếm có khó tìm, mỗi loại đều chứa đựng những tinh túy riêng biệt của núi rừng Đồng Nai.
Sự kết hợp ấy tạo nên một hương vị đậm đà, phong phú và một món ăn giàu giá trị dinh dưỡng, vừa có thể làm ấm bụng vừa có tác dụng thanh lọc cơ thể. Mặc dù việc chuẩn bị và chế biến món ăn này cần một công đoạn tỉ mỉ và "hết hơi" với việc tìm kiếm, phân loại lá, nhưng kết quả cuối cùng sẽ khiến bất cứ thực khách nào cũng phải trầm trồ khen ngợi.
@baodongnai
Canh bồi là món ăn truyền thống không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của người Chơ Ro. Nguyên liệu để nấu món canh bồi này không thể thiếu được thịt gà, thịt heo, gạo, nấm; công phu nhất phải kể đến việc kiếm đủ các loại rau rừng như đọt mây, đọt đỉnh đỉnh, rau ngót, rau tàu bay,... Đặc biệt, các loại rau này không ở chung một chỗ, phải đến các địa điểm khác nhau để tìm.
Phần thịt được rửa sạch, hầm kỹ. Đọt cây đủng đỉnh được cắt nhỏ, luộc chín với nước, thêm chút muối để loại bỏ vị chát. Sau đó, thêm với đọt mây xào cùng các loại nấm. Canh bồi của người Chơ Ro đặc biệt nhất là giữ được màu xanh tự nhiên của rau rừng. Gạo được ngâm trước cho mềm, mang đi giã nhuyễn với các loại rau rừng, sau đó, thêm nước khuấy đều để bột tan. Cho vào nấu chung vừa tạo màu đẹp lại tạo độ sệt cho canh, chính vì vậy mà canh bồi cũng được coi như cháo.
@baodongnai
Khi gần chín, cho phần đủng đỉnh với các loại nấm đã xào vào, nấu lửa nhỏ đến khi chín. Nêm nếm lại cho vừa miệng. Người Chơ Ro cũng hay làm theo muối ăn kèm với canh bồi. Chúng được làm từ ngò gai thái nhỏ với ớt và muối trắng.
Canh bồi là món canh gần gũi và thân thuộc với người Chơ Ro. Dù trong cuộc sống hàng ngày, đón tiếp khách quý hay các sự kiện quan trọng, người Chơ Ro vẫn không quên nấu một nồi canh bồi để thể hiện tinh thần văn hóa truyền thống quê hương. Bởi canh bồi cũng được dâng cúng thần linh để tạ ơn mùa màng bội thu, bởi vậy đây là món canh đặc sắc trong đời sống của người dân nơi đây.
Canh bồi của người M'Nông
Còn tại Kon Tum, người M'Nông lại mang đến một phiên bản canh bồi đậm chất núi rừng, thể hiện qua từng miếng thịt rừng thơm lừng. Canh bồi không chỉ là một món ăn, mà còn là cầu nối giữa con người với tự nhiên và là biểu tượng của sự hiếu khách, mến khách của người dân nơi đây.
Gắn bó với núi rừng, người M'Nông thường sử dụng các nguyên liệu từ tự nhiên đặc trưng của vùng như lá nhíp, đọt mây, lá nhao và các loại rau rừng khác để tạo nên món canh đặc trưng. Ngoài ra, các loại rau quen thuộc như bầu, rau dền, măng, lá lốt,... cũng được tận dụng để nấu canh bồi.
Canh bồi lá nhíp đọt mây. @me.ay
Nguyên liệu chính không thể thiếu được của món canh bồi chính là bột gạo và lá nhao (lá tươi hoặc lá khô được giã nhuyễn cùng lá cà rẫy và gạo). Tiếp đó là lá nhíp non, đọt mây, xương heo. Từ các nguyên liệu chính đó, người M'Nông đã biến tấu thêm các nguyên liệu khác như măng chua bồi với thịt khô, nấm với cà rẫy, thịt heo khô (thịt trâu, thịt bò khô), mướp (quả mướp, hoa mướp, lá mướp non), rau bướm, đọt ớt, đọt sắn hoặc bất cứ loại rau mọc hoang đều có thể hái về nấu canh bồi. Lá được dùng nấu anh bồi thường là lá non, được hái lúc tinh mơ, mang về nấu luôn để giữ được vị ngon.
Canh bồi rau dền. @me.ay
Máy xay ngày nay không thiếu nhưng để nấu canh bồi ngon, người M'Nông vẫn giữ cách giã gạo truyền thống. Gạo rẫy mềm và không bị cứng bột mang ngâm nước trước, sau đó để ráo, mang giã mịn. Bột được rây bằng nia cho mịn, sau đó giã chung với lá nhao khô.
Công thức nấu cũng giống với người Chơ Ro. Tuy nhiên, sau khi xương được hầm kỹ, nhiều người cũng cho thêm mắm cá suối vào nấu cùng. Điều này tùy sở thích từng người.
Canh bồi đọt mây. @thanhthidntc
Canh bồi nấu xong vẫn giữ được màu xanh tự nhiên của rau, mùi thơm của các loại rau và vị ngọt thanh từ lá nhao. Dù nguyên liệu nấu canh bồi có đa dạng đến mấy mà thiếu lá nhao, lá nhíp thì không còn đậm đà và hương vị nguyên bản của canh bồi. Cũng giống với người Chơ Ro, người M'Nông hay S'tiêng, Bana, canh bồi là món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình cũng như các sự kiện đời sống.