Tôi ngưỡng mộ những người thích đọc sách và đọc nhiều sách. Họ có một sự thông thái và điềm tĩnh nhất định. Dù chuyện gì xảy ra trong cuộc đời họ, ít nhất họ vẫn có sách để làm bạn. Bố tôi là một người như thế. Ông cụ kể hồi xưa đi bộ đội sách còn khan hiếm và thời gian cũng vậy, trên tay một cuốn sách cũ chữ được chữ mất, tranh thủ vài phút đi vệ sinh để đọc được vài trang là quý lắm rồi. Có lẽ nhờ vậy mà cụ giờ nổi tiếng là người văn hay chữ tốt, bạn bè phải kính nể.

Thói quen đọc mọi lúc mọi nơi của tôi cũng vô tình được truyền từ bố mà ra. Chẳng là hồi nhỏ cứ 7 giờ tối là tôi phải ngồi vào bàn học bài, bản thân rất chán và lười. Để làm tròn nghĩa vụ 2 tiếng ngồi nghiêm túc tại bàn học, tôi lôi sách trong tủ sách ra đọc – sách gì cũng được, miễn đốt được thời gian. Nhờ vậy mà tôi đọc được từ thơ Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử cho đến Bách Khoa Toàn Thư, Tuổi Thơ Dữ Dội, Harry Potter...

Một khảo sát quốc tế năm 2016 cho thấy người Việt Nam đọc sách ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách, và 26% hoàn toàn không đọc sách. Trong khi người Ấn Độ đọc gần 11 giờ/tuần, người Đài Loan đọc 5 giờ/tuần, người Nhật Bản đọc 4 giờ/tuần, Hàn Quốc 3 giờ/tuần… thì người Việt Nam trung bình đọc chưa tới 1 giờ/tuần.

Hiện người Việt thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới mỗi năm, nhưng trong đó 2,3 cuốn là sách giáo khoa, đồng nghĩa mỗi người mỗi năm chỉ thực sự thụ hưởng gần 2 cuốn sách mỗi năm.

Để đọc được nhiều sách hơn, bạn phải biến việc đọc sách trở thành ưu tiên cao hơn, nghĩa là bạn phải chấp nhận thay đổi một số thói quen sinh hoạt hằng ngày để có thêm thời gian đọc. Trong cuộc sống hiện tại có rất nhiều cám dỗ khác thú vị hơn việc cầm một cuốn sách lên và đọc, chính vì vậy bản thân tôi phải luôn nhắc nhở chính mình mỗi ngày về ‘phần thưởng’ mình có thể nhận được từ việc đọc sách. 

Với công việc là một người viết, tôi thường xuyên đọc tin tức mỗi ngày, cùng với đó là nhiều các bài blog về hướng nghiệp và làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, cảm giác đọc một cuốn sách hay vẫn là một thứ cảm xúc rất khác với việc đọc một bài báo. Đọc một cuốn sách hay giống như có thêm một người bạn mới, người bạn đấy giúp tôi thay đổi phần nào, nhìn thế giới ở góc nhìn rộng hơn. TV hay games cũng có thể giúp mình mở rộng góc nhìn hơn, tuy nhiên nó tác động ở phần bề nổi, sách thì sẽ tác động sâu hơn và lâu hơn.

Cần làm gì để đọc nhiều sách hơn?

Để đọc nhiều sách hơn, chúng ta cần rèn luyện thói quen đọc sách. Phải làm sao để chuyện đọc sách dễ như việc đánh răng trước khi đi ngủ, không cần phải nghĩ đến nó và cứ tự động làm thôi.

Đầu tiên, chúng ta cần suy nghĩ xem tại sao chúng ta lại muốn đọc nhiều sách hơn. Đừng nghĩ về những lý do mà các bài báo hay người khác đang bơm vào đầu bạn như ‘đọc sách để thành công hơn’, ‘đọc sách để giàu hơn’ – hãy nhìn sâu vào bên trong mình và tự suy ngẫm xem lý do sâu bên trong và thực sự khiến bạn muốn cầm quyển sách lên là gì.

Chẳng có ai phủ nhận lợi ích của việc đọc sách. Đọc tiểu thuyết tình cảm nhiều thì giúp cho ta thấu hiểu cảm xúc và tăng sự thấu cảm. Đọc sách chuyên môn thì giúp ta phát triển kiến thức và mở rộng thế giới quan. Một lý do tốt để bắt đầu việc đọc sách nên bắt đầu từ bên trong chúng ta, ví dụ như đọc sách mang lại cảm giác giải trí, bình tĩnh, mang lại sự sảng khoái bừng sáng khi phát hiện được một điều gì đó hay ho. Những động lực đến từ bên trong sẽ giữ chân bạn lâu hơn với cuốn sách so với những động lực từ bên ngoài.

Để bắt đầu thói quen đọc sách, hãy đọc bất kỳ thể loại nào bạn muốn. Bạn không cần phải tìm những cuốn sách kinh điển có nhiều người đọc, hãy đọc bất kỳ thứ gì thu hút sự chú ý của bạn. Nếu bạn thích đọc truyện kiếm hiệp, hãy đọc. Nếu thích ngôn tình, cứ đọc ngôn tình. Việc bắt đầu bằng thứ mình thích sẽ giúp bạn hứng khởi hơn để bắt đầu và khởi động cho một thói quen mới.

Bước tiếp theo là tạo môi trường xung quanh phù hợp cho việc đọc sách. Bạn cần phải thay đổi cả môi trường vật lý và môi trường điện tử để có thể tiếp cận sách nhanh và thuận tiện nhất có thể. Ví dụ, để sách ở đầu giường, trên bàn làm việc, trong nhà vệ sinh, trong cặp sách, trong cốp xe – để dù ở bất kỳ đâu có thời gian rảnh bạn cũng vớ được một cuốn sách. Ngoài ra, cài thêm các ứng dụng đọc sách và để ở trang chủ điện thoại để có thể ấn vào đọc ngay khi mở điện thoại.

Bước cuối cùng là đặt mục tiêu cho việc đọc sách. Khi mới bắt đầu đọc sách, hãy đặt mục tiêu thật nhỏ. Bạn không cần phải đọc 1 cuốn trong 1 tuần hay một tháng. Bạn chỉ cần đọc 1 trang mỗi ngày hoặc tương tự như vậy là được. Cá nhân Tuấn Anh thường đặt mục tiêu là đọc hết ít nhất 1 chương sách một ngày, dù chương đó ngắn hay dài.

Sau khi đã xong 3 bước trên, việc bạn cần làm tiếp theo là kết hợp việc đọc sách với một thói quen sẵn có, tạo thành một chuỗi thói quen. Chuỗi thói quen cần cụ thể về thời gian và địa điểm. Ví dụ, bạn đọc một trang sách khi đang chờ đồ ăn sáng. Đọc một trang sách khi ngồi trên xe buýt. Đọc một trang trước khi ăn trưa, đọc một trang trước khi tắt đèn đi ngủ, kiểu kiểu như vậy. Hãy liên kết việc đọc sách với một thói quen cố định nào đó mà bạn đã có và làm thường xuyên mỗi ngày.

Đọc trăm quyển sách mỗi năm, tôi mách bạn 3 bước để rèn luyện thói quen này - Ảnh 3.

Có ba điều nhỏ nữa bạn có thể làm để tăng khả năng đưa thói quen đọc sách vào một phần mỗi ngày:

- Ghi lại số trang bạn đã đọc mỗi ngày, như vậy sau một vài tuần bạn sẽ thấy sự tiến bộ. 

- Tham gia một vài cộng đồng đọc sách trên Facebook để có bạn cùng nhau đọc sẽ vui hơn. 

- Suy nghĩ về tương lai bạn trở thành một người chăm đọc sách, bạn nghĩ hình ảnh của bạn lúc đó sẽ như thế nào? 

Đọc trăm quyển sách mỗi năm, tôi mách bạn 3 bước để rèn luyện thói quen này - Ảnh 4.

Cần bao nhiêu thời gian để luyện được một thói quen? 

21, 30, 66 hoặc 90 ngày – tùy theo việc bạn đọc tài liệu nào. Cá nhân tôi thấy rằng bạn cần cố gắng duy trì thói quen này liên tục mỗi ngày trong 2 tháng liên tục trước khi bạn bắt đầu cảm thấy sự quen thuộc và "thiếu thiếu" nếu không làm.

Đọc một trang sách mỗi ngày không khó, và tôi tin rằng bạn không bận đến mức không thể có thời gian cho chỉ một trang sách. Nếu bạn đang biện cớ rằng mình quá bận để đọc sách, hãy xem lại thật kỹ những việc mình đang làm hằng ngày. Bạn có thể bớt 5 phút lướt newsfeed Facebook được không? Hoặc bỏ qua một video trên YouTube?