Công việc hàng ngày của họ là dọn dẹp, rửa bát, nấu nướng và phục vụ bữa ăn. Tốt nghiệp đại học, bố mẹ tôi kết hôn và chuyển ra nước ngoài sinh sống khoảng 5 năm. Tôi được sinh ra vào thời điểm họ trở về Việt Nam, thiết lập cuộc sống lâu dài tại đây. Khi đó, mẹ tôi rất cần một người giúp việc.

Người quen đã giới thiệu cho mẹ tôi một phụ nữ có thể giúp bà đảm đương việc nhà. Đó chính là Sương, người từng làm việc tại ký túc xá sinh viên. Bố mẹ tôi rất vui vì nhận ngay ra cô. Sương nhanh chóng trở thành một phần rất quan trọng trong gia đình chúng tôi.

Sương không chỉ làm việc vì tiền, mà thực sự, cô ấy đã ở đó vì chúng tôi. Cô ấy có thể nấu những món ăn ngon và cầu kỳ nhất, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt, cô ấy không bao giờ nói dối chúng tôi. Cả nhà đều gọi cô bằng cái tên vô cùng thân thương: “Dì Sương”.

Với tôi, dì Sương giống như người mẹ thứ hai. Chúng tôi yêu thương và quý trọng dì. Dì cũng là người chứng kiến và chịu đựng khoảng thời gian niên thiếu của tôi. Chỉ có dì mới chịu được thói hờn dỗi, những hành động khó hiểu và bồng bột của tôi.

Sau này, bước vào giai đoạn yêu đương, dì cũng luôn ở bên cạnh để động viên và xoa dịu tôi. Khi tôi đã trưởng thành, kết hôn và sinh con, mẹ và dì Sương thay nhau hỗ trợ tôi. Những lúc tôi thấy khó khăn, bế tắc, họ cùng đưa ra lời khuyên để giúp tôi bình tĩnh trở lại. Tôi cảm thấy may mắn vì mình có những hai người mẹ.

Sau này, kinh tế ổn định hơn, chồng muốn gia đình nhỏ của chúng tôi ra ở riêng. Nhưng đối với tôi, dì Sương vẫn là một phần rất quan trọng. Khi tôi sinh nở, dì nhất quyết thúc giục mẹ đón tôi và cháu về để tiện chăm sóc.

Tôi không thể từ chối vì dì dọa: “Phụ nữ sinh con phải kiêng khem và giữ gìn nhiều thứ lắm, không kiêng là... chết”. Dì chăm tôi rất cẩn thận. Một tuần sau sinh, dì vẫn không cho tôi tắm, cửa sổ trong phòng lúc nào cũng đóng im ỉm, dì còn giấu điện thoại, không cho tôi mó tay vào... Nhất cử nhất động của tôi đều được dì và mẹ theo dõi sát sao.

Hết tháng kiêng cữ, dì cho tôi chuyển hẳn sang chế độ khác. Buổi sáng, trong lúc tôi còn say giấc nồng, dì gọi như hò đò: “Dậy đi con, thằng bé cần được ăn sớm”. Thời gian ngái ngủ của tôi cũng không có, dì lật chăn, cuốn màn, mở bung cửa sổ làm tôi tỉnh như sáo.

Có hôm tôi giả bộ con nít, nũng nịu dì: "Sao dì đánh thức cháu dậy sớm thế ạ? Nó đang ngủ say mà". Dì giải thích: "Trẻ con cần phải dậy sớm để ăn uống, không thể hai bữa dồn một, hại dạ dày".

Khoảng thời gian ngọt ngào ấy cũng nhanh chóng kết thúc. Chồng đón tôi và con về ngôi nhà riêng để ổn định cuộc sống lâu dài. Tôi chỉ có thể gặp bố mẹ và dì Sương mỗi dịp cuối tuần. Dì cư xử với con tôi như thể bà là bà nội thứ hai của thằng bé.

Sau 45 năm gắn bó với ra đình tôi, dì Sương quyết định đã đến lúc phải ra đi. Vì điều này, tất cả chúng tôi đều rất buồn. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng dì đã nhiều tuổi, dì xứng đáng được nghỉ. Không còn dì ở bên cạnh, chúng tôi vẫn cảm thấy may mắn và biết ơn khi được là con, là cháu của dì. Chúng tôi đến thăm dì vào các dịp sinh nhật.

Hiện tại, dì đã là một bà lão có nhiều nếp nhăn trên khuôn mặt, mái tóc bạc trắng, nhưng đôi mắt nhỏ thì vẫn lấp lánh và đong đầy yêu thương. Mỗi lần gặp, tôi ôm dì rất lâu, cảm giác thân thuộc như được sà vào lòng mẹ. Tôi ứa nước mắt mỗi khi nhớ lại khoảng thời gian cả 3 thế hệ sống trong một căn nhà chật hẹp.

Dù khó khăn thế nào, dì đã luôn ở đó, yêu thương, chăm sóc và bảo vệ chúng tôi. Nhờ sự động viên của dì, tôi mới trở nên mạnh mẽ và trưởng thành đến nhường này. Trong tim chúng tôi, dì chưa bao giờ là người làm thuê, mà là một thành viên thực sự của gia đình.