Thời gian cách ly vì công tác ngăn chặn và phòng ngừa dịch bệnh càng kéo dài, tình hình tài chính càng khó khăn hơn trước. Và thực tế là, sở thú Neumünster ở miền bắc nước Đức đã phải xem xét đến phương án giết một số loài thú để nuôi những loài khác.

Sở thú Neumünster là nơi sinh sống của hơn 700 con vật thuộc hơn 100 loài. Nhưng ảnh hưởng từ lệnh phong tỏa ngày 15/3, sở thú Neumünster không còn doanh thu từ lượt khách đến tham quan nữa, mà đang hoạt động dựa trên tiền đóng góp của mạnh thường quân. 

Giám đốc sở thú Verena Kaspari đã chia sẻ với truyền thông nước Đức: Nơi này vừa phác thảo kế hoạch khẩn cấp, lập danh sách và xếp thứ tự những loài thú nào có thể làm thức ăn cho loài khác nhằm mục đích cắt giảm chi phí.

Đối mặt với thực trạng khan hiếm thức ăn, một sở thú ở Đức đã xem xét phương án biến một số con thú thành thức ăn của nhiều loài khác - Ảnh 1.

Bà Verena Kaspari cho biết: "Nếu trường hợp xấu nhất nhất xảy ra, nếu tôi không còn đủ tiền để mua thức ăn cho chúng hoặc nếu có chuyện gì xảy ra với các nhà cung ứng thức ăn động vật thì tôi buộc phải giết một số con thú để nuôi những con khác". Bà cũng thẳng thắn, bà thà để các con thú đang mắc bệnh hoặc ốm yếu để nuôi những con khác, còn hơn phải nhìn thấy tất cả con thú trong sở thú phải chết đói.

Mặc dù không rõ loài vật nào sẽ bị "làm thịt" đầu tiên nhưng chú gấu Bắc cực có tên Vitus và cao hơn 3,6m sẽ là con vật cuối cùng "ra đi". 

Được biết, chính phủ Đức đã bắt đầu áp dụng gói giải cứu kinh tế trị giá 750 tỷ Euro (hơn 19 triệu tỷ VND), nhưng không rõ liệu các sở thú có nhận được khoản cứu trợ này hay không. 

Hiệp hội các sở thú có trụ sở tại Berlin và sự tham gia của Đức, Thụy Sĩ, Áo và Tây Ban Nha đã đại diện cho 56 sở thú ở Đức, bao gồm sở thú Neumünster, yêu cầu thủ tướng Angela Merkel hỗ trợ khẩn cấp cho các sở thú. Bởi không giống các tổ chức khác, sở thú không thể tự đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động để cắt giảm tổn thất. Động vật phải được cho ăn và chăm sóc bình thường: "Sự mất mát của quần thể động vật có giá trị này sẽ là một thất bại cay đắng trong cuộc đấu tranh bảo tồn đa dạng sinh học và sẽ dẫn đến một thảm họa".

Nguồn: CNN