Mới đây tỉnh Nghệ An vừa tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động Đội phản ứng nhanh, thí điểm tại xã Quỳnh Thắng và xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu.

Ông Hồ Nguyên Tuấn – Phó chủ tịch UBND trưởng ban quản lý dự án xã Quỳnh Lương chia sẻ, trong 2 năm qua, với cơ chế hợp tác đa ngành trong hỗ trợ người bị bạo lực giới từ thực tiễn mô hình Đội phản ứng nhanh đạt được kết quả rất tốt.

Đội phản ứng nhanh "hàn gắn" những vụ bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Ông Hồ Nguyên Tuấn – Phó chủ tịch UBND trưởng ban quản lý dự án xã Quỳnh Lương.

Ông Tuấn cho biết, theo hướng dẫn của tổ chức Hagar, xã Quỳnh Lương thành lập ban quản lý gồm 3 thành viên, Đội phản ứng nhanh gồm 15 thành viên tham gia. Đứng đầu dự án là những cán bộ đại diện chính quyền (Phó chủ tịch UBND xã), các ban ngành, đoàn thể từ xã đến thôn, người uy tín trong cộng đồng trên địa bàn xã.

Thông qua các hoạt động truyền thông, các cuộc thi, dự án đã giúp cho người dân nâng cao nhận thức gia đình, cá nhân và cộng đồng trong xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn.

"Có thể nói đây là đội ngũ cán bộ có khả năng tuyên truyền, vận động quần chúng, tổng hợp các thông tin, dư luận từ nhân dân, tâm huyết, có thể phát hiện, giải cứu và kết nối các dịch vụ hỗ trợ bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại, mua bán và những người có nguy cơ cao trên cơ sở có sự hiểu biết về sang chấn, qua đó góp phần ngăn ngừa và giảm tình trạng bạo lực giới trên địa bàn xã", ông Tuấn chia sẻ.

Những cộng tác viên của dự án

Những cộng tác viên của dự án

Phó chủ tịch xã Quỳnh Lương cho biết thêm, dự án đã tạo một môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em và người dân, đồng thời phát huy vai trò, chức năng, và đáp ứng yêu cầu tuyên truyền các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương và nhu cầu của đông đảo mọi tầng lớp phụ nữ và nhân dân trên địa bàn.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Phạm Thị Hà (chi Hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 1 xã Quỳnh Thắng) - thành viên Đội phản ứng nhanh cho hay, chị rất vui và cảm thấy hợp với mô hình này. Tuy nhiên, mới đầu tham gia vào dự án này bản thân chị gặp cũng không ít khó khăn, bởi vì nhiều trường hợp phụ nữ bị bạo hành nhưng lại không sẵn sàng chia sẻ để cho các thành viên tìm hiểu tư vấn.

Tương tự, một thành viên của Đội phản ứng nhanh cũng bày tỏ, tuy ban đầu có phần khó tiếp cận với các trường hợp bị bạo hành, hoặc những trường hợp gây ra bạo hành, nhưng thông qua truyền thông và các cuộc tổ chức sinh hoạt cộng đồng, nhiều người đàn ông từng là đối tượng bạo hành vợ, con, hiện nay họ đã tham gia vào câu lạc bộ. Những người đàn ông này không chỉ "hoán đổi" con người cũ của mình mà còn là thành viên tích cực trong câu lạc bộ…

Tình nguyện viên Đội phản ứng nhanh hàn gắn bạo lực gia đình

Ông Hồ Nguyên Tuấn cho biết thêm, trong hơn 2 năm qua, thông qua các hoạt động truyền thông, thăm hỏi một số nạn nhân đã có sự thay đổi tích cực, nhận diện được các hành vi bạo lực, khi bạo lực xảy ra, không đổ lỗi cho bản thân mình, mạnh dạn lên tiếng tìm sự giúp đỡ của cơ quan chức năng để tìm sự an toàn cho chính bản thân và các con (trong thời gian qua có 2 trường hợp đã mạnh dạn lên báo cáo chính quyền và công an về hành vị bạo lực của chồng và đã được can thiệp).

Theo ông Tuấn, hàng chục vụ bạo lực gia đình được phát hiện và đã hòa giải thành công, hơn 200 hộ gia đình có nguy cơ bạo lực đã được thăm hỏi. Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ an sinh, công việc, hỗ trợ gia đình khó khăn và có người mắc bệnh hiểm nghèo…

"Dự án hết sức có ý nghĩa, thiết thực và rất cần thiết với thực trạng hiện nay trên địa bàn xã nói riêng và thực trạng xã hội nói chung. Bởi vì, thực trạng bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình lâu nay vẫn xảy ra trong xã hội, trong mỗi gia đình. Đặc biệt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có chiều hướng ngày càng gia tăng, các ca bị bạo lực diễn ra nhiều lần, trong thời gian dài, tính chất nguy hiểm hơn… nhưng xã hội, kể cả bản thân tôi chưa thực sự quan tâm, còn biểu hiện xem nhẹ, chủ quan, và cho đó là chuyện tất yếu của xã hội, chuyện riêng tư của mỗi gia đình".

Đội phản ứng nhanh "hàn gắn" những vụ bạo lực gia đình - Ảnh 4.

Đội phản ứng nhanh "hàn gắn" những vụ bạo lực gia đình - Ảnh 5.

Cặp vợ chồng hàn gắn sau nhiều bất hòa nhờ có các hoạt động của dự án

Đội phản ứng nhanh "hàn gắn" những vụ bạo lực gia đình - Ảnh 6.

Một trong những sinh hoạt truyền thông

Ông Tuấn cũng khẳng định, sau khi tiếp cận với dự án bản thân ông đã thay đổi nhận thức: Bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội, xâm hại đến danh dự nhân phẩm của mình và đối với người khác.

"Với nhận thức đó bản thân tôi cũng đã thay đổi về cách nhìn, cách đánh giá, cách suy nghĩ, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Trong nhiệm vụ cũng đã dành nhiều thời gian hơn, quan tâm hơn trong việc tuyên truyền, xử lý kịp thời các vụ bạo lực xảy trên địa bàn xã trong thời gian qua", đại diện chính quyền xã Quỳnh Lương chia sẻ.

Đội phản ứng nhanh "hàn gắn" những vụ bạo lực gia đình - Ảnh 8.

Các tình nguyện viên địa phương

Hagar là tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1994 để đáp ứng nhu cầu của nhóm phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương sau cuộc nội chiến ở Campuchia. Năm 2009, Hagar Việt Nam được thành lập để hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng của mua bán người, xâm hại tình dục và bạo lực gia đình thông qua văn phòng đại diện ở Hà Nội và các dự án vào cộng đồng và các khóa tập huấn.

Tầm nhìn

Vì cộng đồng được hàn gắn và không còn chịu ảnh hưởng của sang chấn do mua bán người, xâm hại tình dục và bạo lực gia đình.

Sứ mệnh

Đối với những người chịu ảnh hưởng của sang chấn và những tổ chức/cá nhân cung cấp các dịch vụ hỗ trợ họ, Hagar là chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc và phục hồi.

Khi được hàn gắn, chu kỳ sang chấn sẽ chấm dứt.

Với cách hỗ trợ dựa trên hiểu biết về sang chấn, Hagar cung cấp các dịch vụ toàn diện để mỗi cá nhân có thể phục hồi và hàn gắn. Các dịch vụ miễn phí Hagar cung cấp bao gồm:

Nhà ở an toàn: Cung cấp nơi trú ẩn an toàn và nhu yếu phẩm trong trường hợp KHẨN CẤP Chăm sóc y tế: Cung cấp hỗ trợ y tế như: chăm sóc ban đầu, khám sức khỏe tổng thể Hỗ trợ pháp lý: Cung cấp tham vấn pháp lý và kết nối làm việc với luật sư Tham vấn và trị liệu tâm lý: Đánh giá tâm lý ban đầu và trị liệu chuyên sâu; Hoạt động tâm lý nhóm Hỗ trợ học nghề và kết nối việc làm: Tham vấn định hướng nghề và hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Giáo dục và đào tạo kỹ năng sống.

https://afamily.vn/doi-phan-ung-nhanh-han-gan-nhung-vu-bao-luc-gia-dinh-20220627093448864.chn