30 năm nay, những người lao động nghèo thuộc tỉnh Vĩnh Phúc tụ họp lại trên những con thuyền mục nát làm nơi trú ngụ. Hiện tại, xóm có khoảng 100 hộ với 300 nhân khẩu, tất cả các gia đình tại đây đều làm nghề buôn bán gốm dạo nên xóm được gọi với cái tên thân mật là Xóm gốm dạo.
Hàng trăm chiếc thuyền mỏng manh được che, lợp bằng mái tranh, tất cả đều neo vào nhau tạo thành một khối vững chắc, chống chọi lại với những ngày nước Sông Hồng dâng cao, chảy xiết.
Vào ban ngày, xóm gần như không có bóng người. Hầu hết các gia đình đều sinh con đẻ cái trên những chiếc thuyền, khi chúng biết chạy nhảy sẽ gửi về Vĩnh Phúc cho ông bà, anh chị em trông nom và cho học hành. Tuy nhiên, cũng có gia đình sống đến 3 thế hệ trên 1 chiếc thuyền bao năm nay.
Gốm được nhập cất từ Bát Tràng, sau đó người dân trong xóm sẽ chở đi khắp đất Hà Nội để bán. Hàng ngày từ 5 giờ sáng, những người đàn ông dùng xe máy làm phương tiện chở các vật dụng có trọng lượng lớn đi các huyện ngoại thành Hà Nội, còn những người phụ nữ dùng xe thồ chở gốm trang trí, vật dụng gia đình... di chuyển khắp các quận huyện nội thành. Anh Tuấn - một người bán gốm dạo cho biết: "Chạy nhiều như thế nhưng mỗi ngày kiếm được 170 - 200 ngàn đồng là may mắn lắm rồi".
Dù hai vợ chồng thu nhập khoảng 300 ngàn đồng/ngày thế nhưng không phải ngày nào cũng đều đều được như thế. Những hôm mưa bão, đường phố Hà Nội lụt lội, mọi người trong xóm đành phải ở nhà và bằng cách nào đó kiếm thêm chút thu nhập gỡ gạc lại như: Giăng lưới, câu cá hay ai thuê gì làm nấy.
Không có đất sinh sống nhưng người đàn ông đã tận dụng những thửa đất ven bờ sông để nuôi gà chọi để giải khuây cho đỡ buồn tay buồn chân mỗi khi không đi làm được.
Chị Loan đang bế trên tay đứa con thứ 2 của gia đình mình - cháu bé mới 6 tháng tuổi, đứa thứ nhất lên 3 tuổi đã gửi về ông bà nội. Từ khi chị sinh cháu thứ 2 đến nay, chị chưa thể đi làm được nên tất cả đều trông vào xe gốm từ người chồng. Chị Loan nói: "Khi nào cháu được 1 tuổi sẽ gửi về cho ông bà nội chăm sóc, còn bản thân sẽ đi làm trở lại để cùng chồng kiếm tiền gửi về cho ông bà nuôi 2 cháu".
Hai vợ chồng đều ra khỏi nhà lúc 5 giờ sáng nhưng sẽ có 1 người về trước chuẩn bị cơm nước, dọn dẹp, chuẩn bị đồ để sáng mai bán tiếp. Sau khi xong xuôi hết mọi việc, khoảng 7 - 8 giờ tối, người còn lại trong gia đình sẽ trở về, họ lại quây quần bên mâm cơm.
Cuộc sống lênh đênh suốt tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Những người ở đây muốn lên bờ, muốn về quê lập nghiệp nhưng điều đó khó có thể vì với họ, nghề buôn gốm dạo dù vất vả nhưng vẫn kiếm được đồng ra đồng vào, chứ về quê, họ không biết bám vào đâu mà sống. Họ không chỉ sống cho mình mà còn sống vì thế hệ tương lai, dù có khổ cực bao nhiêu đi nữa thì những đứa trẻ vẫn được ăn no mặc ấm và được đến trường học.