Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 5, cả nước xảy ra 20 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 700 người mắc, trong đó, 10 trường hợp tử vong. Tổng số ca ngộ độc thực phẩm và tử vong đều tăng hơn so với tháng trước đó.

Biết bẩn vẫn dùng

Vụ ngộ độc thực phẩm đông nạn nhân nhất được ghi nhận gần đây xảy ra tại xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Bác sĩ Đinh Viết Bửu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Pa, cho biết: 405 người dân xã này bị ngộ độc thực phẩm sau khi đi ăn lễ bỏ mả tại khu nhà mồ của buôn Ma Jai ngày 31/5. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nguồn nước người dân dùng để nấu ăn và uống rượu ghè được lấy tại khu nhà mồ của buôn Ma Jai không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, do thời tiết tại Krông Pa nắng nóng nên thực phẩm dễ bị ôi thiu.
 
Sử dụng thực phẩm từ các quán bán rong có nguy cơ ngộ độc cao. Ảnh: P.Uyên

Cũng trong tuần qua, ngày 3/6, Cục Y tế dự phòng chính thức xác nhận về 21 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả tại tỉnh Bến Tre. Qua điều tra dịch tễ cho thấy, hầu hết các trường hợp có tiền sử uống nước đá không rõ nguồn gốc, sử dụng nước lấy từ sông, kênh, rạch gần nhà chưa qua xử lý để phục vụ sinh hoạt; sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh.

Còn tại tỉnh Cao Bằng, theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ ngày 19/5 đến nay, dịch tiêu chảy cấp xảy ra trên địa bàn tỉnh và 6 trẻ em ở bản Lũng Mần thuộc xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm đã tử vong. Xã Đức Hạnh cũng là điểm bùng phát dịch mạnh nhất, với 140 người mắc bệnh, chủ yếu là trẻ em.

Phòng bệnh bằng ăn chín, uống sôi

Theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến ngộ độc thực phẩm thường xảy ra vào mùa hè là do thời tiết nóng ẩm nên thức ăn rất dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn.

Ông Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngộ độc thực phẩm trong mùa hè phổ biến nhất là các dạng ngộ độc thức ăn do vi sinh vật, côn trùng. Mặt khác, do mùa hè các loại nước giải khát, nước đóng bình, bia hơi, đá lạnh được tiêu thụ rất phổ biến, trong đó có nhiều sản phẩm không đảm bảo vệ sinh, chất nước, thậm chí bị pha chế thêm hóa chất… cũng dễ dẫn đến ngộ độc. Ngoài ra, Trung tâm cũng tiếp nhận khá nhiều ca bị ngộ độc vào điều trị do ăn các loại thức ăn giàu đạm, dễ nhiễm khuẩn, nhất là ăn đồ hải sản trong quá trình đi nghỉ mát…

Ông Duệ khuyến cáo, khi có biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm nhưng ở thể nhẹ như nôn, đi ngoài, người bệnh có thể tự theo dõi điều trị tại nhà bằng cách uống nhiều nước, uống thuốc oresol để bù nước và các chất điện giải, không nên tự uống thuốc cầm tiêu chảy. Nếu ngộ độc biểu hiện nặng hơn như mất nước nặng, đi ngoài nhiều lần… thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được xử lý điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện ăn chín, uống nước đã đun sôi, không uống nước lã. Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tuyệt đối không sử dụng nước đá không rõ nguồn gốc; không sử dụng nước ao, sông, kênh, rạch... nghi ngờ nhiễm bẩn để phục vụ cho sinh hoạt (tắm, giặt, rửa chén bát...). Trong vùng có ổ dịch, các gia đình không nên tổ chức ăn uống đông người. Khi phát hiện trong gia đình có người bị tiêu chảy cấp, phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám, điều trị và cách ly kịp thời

Theo Báo Đất Việt