Khi Shinta Ratri trở về thăm gia đình tại Yogyakarta, một thành phố thuộc đảo Java ở Indonesia, cũng là nơi bà đang sống hiện tại, bà phải ngồi ngoài cửa và chờ đợi. Đã 37 năm Shinta không được phép đặt chân vào trong nhà, kể từ ngày năm 16 tuổi. Đó là lúc Shinta thú nhận với gia đình rằng mình là một đứa con gái sinh nhầm trong lốt của một cậu con trai.

Gần nửa thập kỷ trôi qua, giờ đây ở tuổi 53, Shinta Ratri là một trong những người đấu tranh tích cực nhất cho người chuyển giới tại Indonesia. Bà điều hành Pondok Pesantren Waria, một ngôi trường nội trú dành cho những người được gọi là "waria", một từ ghép giữa wanita ( có nghĩa là "phụ nữ" trong tiếng Indonesia) và pria ( đàn ông). Ngôi trường, cũng chính là nhà riêng của Shinta, là một mái ấm che chở những người chuyển giới nữ cùng cảnh ngộ trên khắp đất nước, bảo vệ họ khỏi sự phân biệt đối xử, sự dè bỉu khinh khi của xã hội, có khi từ chính gia đình riêng của mình.


Những người chuyển giới trong một buổi học.

"Họ tới Yogyakarta bởi họ biết đến ngôi trường này từ trước. Họ biết rằng mình sẽ được cầu nguyện, được sống như một người phụ nữ trong một môi trường không có sự khinh bỉ." -Fulvio Bugani, một nhiếp ảnh gia người Ý, người đã có hơn 3 tuần sống trong cộng đồng chuyển giới này cho biết.


Shinta Ratri trong một buổi cầu nguyện. Bức ảnh đạt giải Ba cuộc thi Ảnh Báo chí Thế giới của Bugani.

Bức ảnh của Bugani đã khắc họa một ngày thường nhật của những waria trong ngôi trường đặc biệt. Tác phẩm này sau đó đã đạt giải Ba trong cuộc thi Ảnh Báo chí Thế giới. Theo Bugani, ngôi trường này có khoảng 10 người chuyển giới sinh sống, mặc dù con số này liên tục thay đổi theo thời gian. Nhiều người trong số họ sống bằng nghề mại dâm hoặc biểu diễn đường phố, rất khó để những con người này có thể kiếm được một công việc làm ổn định trong khu vực. Nhưng lý do để họ ở trong ngôi trường đó là, đây là nơi mà họ được thoải mái được là chính mình mà không phải dè chừng những ánh mắt thiếu thân thiện của đám đông.

Mặt khác, đây cũng là một chốn linh thiêng để cầu nguyện dành riêng cho những waria. Ở Indonesia, nơi phần đông dân số theo Đạo Hồi, các nhà thờ nước này phân chia theo giới tính và người chuyển giới không được chấp nhận được tham gia ở cả hai nhóm. Vì thế, ngôi trường của Shinta chính là nơi trở về của những con chiên không được thừa nhận này.


Các waria trong một buổi cầu nguyện.

"Bà ấy rất tự hào vì vừa là một người phụ nữ, vừa là một người Hồi Giáo. Bà muốn giúp những chị em cùng hoàn cảnh được giống như mình" -Bugani chia sẻ.

Bugani cũng cùng đi với Shinta trong chuyến thăm gia đình của bà, chứng kiến cảnh Shinta ngồi chờ đợi phía bên ngoài. Nhưng, như một lẽ dĩ nhiên, sau một lúc đợi chờ, mẹ Shinta cũng sẽ ra mở cửa cho con

"Bạn biết đấy, mẹ nào mà chẳng thương con." - Shita chia sẻ.