Luo Zheng, 28 tuổi, nhân viên văn phòng ở Changsha, tỉnh Hunan, Trung Quốc vẫn mòn mỏi mong chờ người chồng chưa cưới cũ của cô trở về, song cô không hề hối tiếc về những hành động mà mình đã làm dẫn đến sự tan vỡ của mối tình này.
Li Gen, 31 tuổi và Luo gặp nhau vào năm 2007. Họ quyết định đăng kí kết hôn vào tháng 12 năm ngoái.
Buổi sáng hôm đó, Luo đã đưa cho Li một tập giấy và nói rằng đó là bản thỏa thuận trước ngày cưới.
Trong đó có điều khoản: “Nếu như chồng ngoại tình thì phải trả cho vợ 200.000 nhân dân tệ (29.300 đô)”
Chưa hết, “nếu điện thoại của chồng ở tình trạng không hoạt động thì phải báo cáo với vợ ngay lập tức kèm theo lời xin lỗi; nếu chồng không ngủ ở nhà một đêm thì phải trả 1000 nhân dân tệ (147 đô) cho vợ; trong trường hợp 2 người cãi cọ thì chồng luôn phải là người xin lỗi.”
Li đã rất khó chịu về chuyện này. Anh đã ra ngoài và vài ngày sau đó, anh gửi cho Luo một tin nhắn: “Hôn nhân sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu như chúng ta không tin tưởng lẫn nhau”.
Những bản thỏa thuận trước hôn nhân được cho là sẽ giúp các cặp đôi xác định được cách quản lý tiền bạc cũng như trách nhiệm chăm sóc con cái. Song nếu như bản thỏa thuận có những điều khoản kì quặc một cách…quá đáng thì họ sẽ phải đối mặt với các luật định liên quan. Ví dụ như một người vợ yêu cầu được đọc tin nhắn của chồng gửi cho tất cả những người bạn gái của anh ta thì người vợ sẽ được cho là vi phạm quyền công dân của chồng và đó là hành động vi phạm pháp luật.
Nhân viên nhà nước Yang Mi, 28 tuổi may mắn hơn Luo. Trước khi kết hôn vào năm 2008, cặp đôi này đã lập một bản thỏa thuận trước hôn nhân, trong đó phân chia rằng chồng sẽ làm nhiệm vụ nấu ăn trong khi vợ rửa bát; vợ dọn dẹp nhà cửa, còn chồng là quần áo.
Chồng của Yang kiếm được khoảng 20.000 nhân dân tệ (2.930 đô) mỗi tháng, nhưng trong bản thỏa thuận thì anh phải đưa toàn bộ cho Yang, sau đó cô sẽ đưa cho anh hơn 5.000 nhân dân tệ để chi tiêu hàng tháng.
Chồng Yang đã không phản đối bản thỏa thuận này bởi anh cho rằng việc tuân theo những điều khoản đó là một cách để thể hiện tình yêu của anh với cô.
“Thỏa thuận để tránh những rắc rối sau khi kết hôn. Ngoài ra, vợ chồng sẽ yêu nhau hơn khi biết nhiệm vụ của mình trong cuộc sống hôn nhân” – Yang chia sẻ và đề nghị tất cả phụ nữ nên kí vào những bản thỏa thuận như thế trước khi kết hôn.
Tờ China Daily đã tiến hành một cuộc điều tra nhỏ với 20 cặp vợ chồng dưới 30 tuổi trong thành phố, trong đó có 16 cặp có bản thỏa thuận trước hôn nhân. Họ đưa các điều khoản về hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống hôn nhân vào bản thỏa thuận này, từ việc cư xử với nhau trước mặt người khác đến việc đối đãi với bố mẹ hai bên hay ai là người quản lý tài chính trong gia đình.
Trong tất cả 16 cặp đôi thì người vợ đều là người thảo ra bản thỏa thuận. Trong khi hầu hết các ông chồng đều thấy nó không cần thiết.
Khi ông Xiao Zhenguo, 56 tuổi, một nhân viên văn phòng ở Changsha, tỉnh Hunan kết hôn vào năm 1980 thì không có những thứ như bản thỏa thuận trước hôn nhân.
“Chúng tôi coi hôn nhân là một cái gì đó rất thiêng liêng. Li hôn là một điều đáng xấu hổ, vì thế tỉ lệ li hôn rất thấp. Điều này đồng nghĩa với việc không cần thiết phải có những bản thỏa thuận như thế này.” – ông nói.
Theo Bộ Công dân, từ năm 2002 tỉ lệ li hôn đang tăng với tổng số 1,71 triệu cặp vợ chồng li hôn vào năm ngoái, nhiều nhất là ở 2 thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải.
“Giới trẻ Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều cám dỗ hơn, như những cuộc hẹn hò qua Internet hay tình một đêm. Vì thế, họ cần có những thỏa thuận để bảo vệ chính mình” – ông Wang Zhiguo – giám đốc tư vấn hôn nhân ở website mai mối lớn nhất Trung Quốc baihe.com cho biết.
“Những bản thỏa thuận trước hôn nhân chứng tỏ rằng giới trẻ đang dần trở nên chín chắn hơn khi nói đến tình yêu và hôn nhân” – ông nói.
Theo Xiao thì những bản thỏa thuận này lần đầu tiên xuất hiện là từ đầu năm 1990. Năm 1992, vợ chưa cưới của hàng xóm anh đã đề nghị phải nhận được một nửa số tài sản của anh nếu như họ li hôn. Chuyện này đã gây ra những cuộc tranh luận gay gắt.
Ông Wang tin tưởng những bản thỏa thuận này là biểu hiện của một nền kinh tế đang có xu hướng thị trường hóa. Và trong khi ông nhìn điều này với một cái nhìn tích cực thì nhà tư vấn tâm lý học Sun Yueran tới từ cơ quan Tư vấn Tâm lý Shangde cho rằng chúng có hại nhiều hơn có lợi.
“Điều này giống như việc nhìn nhận hôn nhân như một thương vụ. Nó cho thấy sự thiếu lòng tin tối thiểu trong mối quan hệ đó. Hôn nhân không phải là một bản danh sách những điều phải làm và không phải làm.” – ông nói.
*Tên của nhân vật đã được thay đổi
Theo Vietnamnet