Có thể nói rằng, tính đố kị là một trong những thói xấu rất "tự nhiên" của phụ nữ. Chẳng thế mà một vị đạo diễn đã khẳng định trên mặt báo: "Tất cả những kẻ ngây thơ đều tưởng rằng phụ nữ suốt đời chỉ có một công việc là quan tâm tới đàn ông. Chúng nhầm. Phần lớn phụ nữ dành phần lớn cuộc đời để quan tâm tới phụ nữ khác". Một vài chị em hay để ý, ghen tị, nói xấu lẫn nhau và sẵn sàng đập tan mối quan hệ bấy lâu tốt đẹp chỉ vì sự đố kị ấy.

Bực mình vì bạn thân được hạnh phúc

Việt Hà và Thùy Dương (28 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội) thân nhau từ hồi chân ướt chân ráo vào trường đại học. Đều là “của hiếm” trong lớp học đa phần là sinh viên nam, Hà và Dương nhanh chóng trở thành cạ cứng.

Ra trường, trong khi Hà về đầu quân cho một công ty nước ngoài thì Dương lại được bố mẹ xin vào làm việc tại viên nghiên cứu của Nhà nước. Công việc ổn định, chưa vướng víu gia đình, hai cô nàng thường xuyên rủ nhau đi mua sắm, cà phê, ăn uống, xem phim, du lịch… để giữ “lửa” cho tình bạn thân thiết.

Cho tới khi Dương to nhỏ chuyện phải lòng một anh chàng cùng cơ quan và đang tính ngày theo chàng về dinh, thì Hà bỗng nhiên sinh sự. “Đến tuổi cập kê, cả mình và Hà đều đêm ngày mơ mộng được lấy chồng. Có lẽ vì mình tìm được bến đỗ sớm hơn, trong khi Hà vẫn cô đơn trên đường tình duyên nên đã làm cô ấy khó chịu. Cái thói ghen tị của phụ nữ mà. Lúc nào cũng bực mình vì dân tình hạnh phúc hơn”, Dương than thở.
 
Bi hài tính đố kị của chị em
Ảnh minh họa

Hà bắt đầu vạch kế hoạch gieo rắc sự nghi ngờ vào đầu Dương bằng những câu chuyện do chính cô sáng tác ra, nhưng lại núp dưới cái vỏ “nghe ngóng” được rằng Nam là một gã có tiếng lăng nhăng. Bởi quá tin tưởng Hà, Dương suy nghĩ rất nhiều về những lời bạn nói. Thậm chí cô từng nghi ngờ tình cảm của Nam.

Tiếp tục chủ tâm “kéo giãn” mối quan hệ giữa Nam và Dương, Hà liên tục thốt ra những câu trách móc bị Dương bỏ rơi, nhằm ép Dương phải chia sẻ khoảng thời gian rảnh rỗi đáng ra dành cho người yêu, để đi chơi với Hà. 

Dương kể: “Mình cảm thấy có lỗi vô cùng. Cô ấy lúc nào cũng than thở rằng sao dạo này chẳng quan tâm tới nhau, tớ có bao nhiêu chuyện muốn chia sẻ mà chẳng thấy cậu đâu… Đã có một khoảng thời gian dài, mình phải kéo Hà đi chơi cùng mình và Nam. Mặc dù Nam nói anh không thoải mái”.

Nhận thấy mọi cố gắng để bạn cũng “ế” như mình không có tác dụng, Hà thường xuyên không kiểm soát được cơn ghen tức mà cư xử hằn học với Dương. Ngày Dương rủ Hà cùng đi chọn đầm cưới cũng chính là ngày tình bạn giữa hai cô gái chính thức sang trang mới.

Cô ấy chê lên chê xuống cả mười mấy cái đầm mình thử mặc. Mấy chị ở tiệm cưới khó chịu ra mặt. Mình ban đầu cũng không hiểu tại sao, chỉ nói rằng Hà ơi thoáng thoáng ra một tí, tớ thấy mấy bộ này cũng đẹp mà. Ai ngờ cô ấy mặt đỏ tía tai nổi khùng lên với mình, chê mình người xấu mặc làm sao đẹp được, cứ thích đú đởn. Trời ơi, lúc đấy cục tức nghẹn lên tận cổ. Cô bạn thân nhất của tôi đó!”, Dương cười chua chát nhớ lại.

“Dìm” tất cả những kẻ thích "nổi"

Suốt cả tháng nay, Ngọc Tú (25 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) đến cơ quan với cảm giác bực dọc tới khó thở. Số là Tú vừa về đầu quân cho phòng biên tập sách nước ngoài của một nhà xuất bản. Trong phòng chỉ duy nhất sếp là quý ông, còn lại đều là chị em phụ nữ.

Ngay khi nhận quyết định làm việc, Tú đã biết phải rè chừng với môi trường làm việc âm thịnh dương suy, nhiều đàn bà ắt sinh lắm phiền phức này. Suy đoán của Tú nhanh chóng được kiểm chứng sau buổi họp phòng đầu tiên cô tham dự. Sự hiểu biết, năng nổ của cô gái trẻ trở thành cái gai trong mắt đồng nghiệp mới.

Tôi nhớ hôm đó cả phòng họp để thống nhất mua bản quyền dịch một cuốn tiểu thuyết Trung Quốc. Thấy mọi người không ai có ý kiến, mà tôi đang có sẵn một vài ý tưởng hay ho nên mạnh dạn phát biểu thôi. Lập tức lạnh gáy vì cái nhìn sắc lạnh của mấy bà cô”, Ngọc Tú kể.

Nếu như sếp có lời khen ngợi ý kiến của Tú khá sắc xảo, thì vừa bước ra khỏi phòng họp, Tú đã được một vài bà chị chạc tầm 40 tuổi dành tặng điệu cười mỉa mai cùng đôi ba lời nhận xét châm chọc: “Đúng là tuổi trẻ, nhiệt tình quá cơ. Vừa đi làm chưa biết công việc đầu cua, tai nheo ra sao đã bạo dạn phát biểu. Mọi người nhìn em Tú để noi gương nhé”.
 
Bi hài tính đố kị của chị em
Ảnh minh họa

Đội “ma cũ” này không những từ chối hợp tác, mà còn tỏ rõ chống đối mọi ý tưởng Tú đưa ra. Về phần mình, để khẳng định không thuộc hàng dễ bắt nạt, Tú cũng quyết liệt lao vào “cuộc chiến”. Công việc dù có lúc bộn bề, nhưng không đến nỗi khiến Tú mệt mỏi bằng việc đối phó với nạn ganh tỵ ở cơ quan.

Ôi mệt mỏi lắm. Mặc cái áo mới cũng bị “đá đểu” em Tú giỏi giang, bổng lộc nhiều, tiêu pha xõa cánh có khác, ngày nào cũng thấy trưng diện đồ hiệu thế này… Có bà còn mạnh miệng hơn phán “làm dáng vừa thôi em ạ, đi làm chứ đi đong đưa đâu mà lả lướt thế”, Tú lắc đầu ngán ngẩm.
 
Tháng thứ 3 đi làm, Tú quyết định dứt áo ra đi sau một cơn “tức nước vỡ bờ”: “Hôm đó, tôi để quên chìa khóa xe trên phòng. Chạy xuống nhà xe rồi mới phát hiện ra. Tôi nhớ chắc chắn 100% là chìa khóa nằm trên bàn mình, mà quay lại lấy không thấy đâu. Lúc đó, còn vài ba chị ngồi lại. Tôi có hỏi nhưng các bà ấy dửng dưng. Đang nghi ngờ bị chơi xỏ thì một bà còn buông cho câu “mải chạy theo giai nên quên tuốt tuồn tuột à em”. Sôi sục, tôi chỉ muốn cầm thẳng tập giấy ném vào mặt bà ấy”. 

Đúng là không đố kị, đâu phải là phụ nữ. Nhưng quả thực sự ganh ghét biểu hiện ở từng thứ tủn mủn, vụn vặt thật đáng sợ. Tôi cũng muốn sống dĩ hòa vi quý với mọi người, nhưng thực sự môi trường đó tôi không thể dung hòa”, Ngọc Tú thở dài.