Bà Nguyễn Thị Nga, ngụ thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành -Tiền Giang, cho biết bà và ông Lê Xuân Hoa sống chung với nhau từ năm 1992. “Lúc ấy, tôi nghĩ được cha mẹ hai bên công nhận là được rồi nên không quan tâm đến việc đăng ký kết hôn” - bà Nga thổ lộ.
Giấy khai sinh là đủ
Đến năm 2000, khi Luật Hôn nhân và Gia đình ra đời, chính quyền địa phương kêu gọi những cặp vợ chồng chưa có giấy chứng nhận kết hôn đi đăng ký, nếu không, pháp luật không công nhận vợ chồng. Bà Nga rủ chồng đến UBND thị trấn Tân Hiệp đăng ký kết hôn trễ hạn nhưng mỗi lần nghe bà nhắc đến chuyện này là ông Hoa nạt ngang: “Lo gì chuyện đó. Không có giấy kết hôn, tôi với bà vẫn sống khỏe, có ai bắt bớ gì đâu”. Sợ chồng phật ý, bà Nga không nhắc đến chuyện này nữa.
Bà Nga và giấy khai sinh của hai con đầu ghi rõ tên người cha giờ đã đi lấy vợ khác |
Bà Nga đưa cho chúng tôi xem giấy khai sinh của hai người con đầu, trong đó ghi rõ cha: Lê Xuân Hoa và mẹ: Nguyễn Thị Nga, rồi cho biết: “Ông Hoa thường bảo hai giấy khai sinh này cũng đủ chứng minh tôi với ông ta là vợ chồng hợp pháp rồi, không cần đăng ký kết hôn nữa. Tuy nhiên, đến đứa thứ ba thì ông ta không chịu làm khai sinh, buộc tôi phải khai cha vô danh và cho nó mang họ mẹ”.
Với nghề bán vé số dạo, thu nhập hằng ngày không bao nhiêu nhưng bà Nga vẫn ráng lo cho gia đình vì chồng không có nghề nghiệp ổn định. Từ khi đứa con thứ ba chào đời, cuộc sống gia đình bà Nga lâm cảnh khốn khó do người mua chịu vé số không trả tiền, trong khi đại lý cứ đòi tới tấp. Bà Nga phải bỏ quê lên TPHCM trốn nợ, xin giúp việc cho những gia đình khá giả. Mỗi tháng, bà vẫn gửi tiền về cho chồng con.
Sau nhiều năm bươn chải ở TP, bà Nga dành dụm được đủ tiền trả nợ cho các đại lý vé số. Đầu năm 2010, bà hớn hở về quê sum vầy với chồng con. Lúc này, ông Hoa đã tham gia lực lượng dân phòng thị trấn Tân Hiệp, không hề về nhà hay liên lạc với vợ, cũng không quan tâm đến việc nuôi dạy các con nữa.
Không giúp gì được
Tuy bị đối xử lạnh nhạt nhưng bà Nga vẫn tự an ủi rằng do chồng bận bịu công việc. Ngày đêm, bà và các con vẫn ngóng đợi ông Hoa “rảnh việc” để về nhà. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5-2010, bà Nga nhận được tin sét đánh: Ông Hoa sẽ cưới một cô gái bên xã Tân Lý Tây vào ngày 22-5.
Từ khi nghe tin chồng sắp lấy vợ khác, mỗi lần ra đường bán vé số, bà Nga luôn mang theo giấy khai sinh của hai con để chứng minh với mọi người rằng bà và ông Hoa là vợ chồng hợp pháp. Sau đó, bà nhờ chính quyền và cơ quan pháp luật địa phương giúp ngăn chặn ông Hoa cưới vợ. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không thể lấy giấy khai sinh con của họ để làm căn cứ xử lý ông Hoa vi phạm chế độ một vợ một chồng vì giữa hai người không có giấy đăng ký kết hôn.
Ngày 21-5, bà Nga đến UBND thị trấn Tân Hiệp trình báo và nhờ ngăn chặn đám cưới của chồng. Người có trách nhiệm ở đây đã lắc đầu vì bà và ông Hoa không có giấy đăng ký kết hôn. Sáng 22-5, bà Nga lại mang giấy khai sinh của hai con sang UBND xã Tân Lý Tây trình báo. Công an xã Tân Lý Tây kiểm tra và kết luận việc ông Hoa làm đám cưới với cô L.T.T.H.T là có thật nhưng không thể xử lý vì xét về mặt pháp lý, bà Nga chưa phải là vợ hợp pháp của ông.
Khá phổ biến Theo luật sư Cao Minh Triết (Tiền Giang), việc chồng cưới vợ khác nhưng người vợ cũ không thể làm gì được khá phổ biến.
Mỗi năm, văn phòng của ông tiếp đón hàng chục phụ nữ đến nhờ tư vấn pháp lý để ngăn chặn chồng họ đi cưới vợ khác. Với nhiều trường hợp, ông đã chào thua vì những phụ nữ này không có giấy chứng nhận kết hôn với chồng.
“Không có giấy chứng nhận kết hôn thì pháp luật không công nhận hôn nhân, mà hôn nhân không được công nhận thì các cơ quan pháp luật không thể bảo vệ quyền lợi cho các bà một khi chồng “trở chứng”. Do vậy, khi cưới nhau, nếu chưa, các cô gái nên buộc đức lang quân của mình đi đăng ký kết hôn” – luật sư Triết khuyên. |
Theo Người lao động