Việc này khiến người tiêu dùng gần như mất lòng tin vào các sản phẩm được gọi là “hàng hiệu”.
Hàng “nhái” chễm chệ… trên show room?
Trên thị trường Việt Nam hiện nay, sự xuất hiện của hàng trăm thương hiệu nổi tiếng với hàng ngàn sản phẩm tên tuổi khiến các “tín đồ” mê hàng hiệu phát cuồng. Nắm bắt nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, một số cửa hàng bắt đầu “tuồn hàng” Trung Quốc, Hồng Kông vào bán một cách ồ ạt để kiếm lợi nhuận. Trong số đó, túi, quần áo, giày, trang sức… gắn mác Gucci, Prada, D&G... là những thương hiệu hay bị làm giả.
Thậm chí, sản phẩm hàng hiệu được bày bán trong các đại lý thương hiệu được ủy quyền chính hãng cũng không thể đem lại sự yên tâm hoàn toàn cho khách hàng. Bằng chứng là trong thời gian qua, 2 cửa hàng của một thương hiệu thời trang nổi tiếng của Ý đã bị niêm phong và yêu cầu cần phải kiểm tra rõ xuất xứ nguồn gốc. Theo đó, có khả năng cửa hàng này đã nhập những lô hàng… nhái về và bán với giá “hàng hiệu” cho khách hàng. Việc này đã làm dấy lên mối lo ngại của những tín đồ thời trang chuyên mua hàng hiệu tại các trung tâm thương mại lớn.
Khi biết chuyện, một khách hàng mua hàng tại cửa hàng này bức xúc: “Tôi không tiếc khi phải bỏ tiền ra để mua hàng hiệu, nhưng nếu phải bỏ tiền thật ra để mua hàng giả thì bực mình quá. Tôi đóng không biết bao nhiêu tiền vào đây rồi. Lại còn được cấp thẻ VIP nữa chứ".
Thận trọng đi “tín đồ” hàng hiệu
Trước thực trạng hàng nhái tràn lan, Cục Quản lý Thị Trường khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng hơn trong chi tiêu và phải biết cách tự bảo vệ mình. Không phải cứ vào cửa hàng xịn thì hàng chắc chắn xịn.
Qua tìm hiểu, những khách hàng sử dụng hàng hiệu thường xuyên nên đến các cửa hàng đáng tin cậy, đã khẳng định được thương hiệu và sự uy tín của mình trên trường quốc tế. Khi mua hàng cần có đầy đủ giấy tờ, phiếu bảo hành, giấy chứng minh xuất xứ của sản phẩm…
Lấy ví dụ cụ thể, khi mua một chiếc điện thoại di động đắt tiền mang thương hiệu Vertu, khách hàng nên tìm hiểu kỹ thông tin xuất xứ, lịch sử hình thành cũng như mức độ tin cậy của thương hiệu. Đồng thời, cũng cần quan tâm đến doanh nghiệp phân phối sản phẩm chính thức tại Việt Nam. Khi mua hàng, cần có giấy chứng nhận sản phẩm chính hãng, thẻ bảo hành. Ngoài ra, nếu sản phẩm làm bằng kim cương, đá quý, da cá sấu… sẽ có thêm giấy chứng nhận nguồn gốc.
Cửa hàng Vertu chính hãng tại khách sạn Rex, Quận 1, Tp.HCM
Hoặc như khi mua hàng tại các cửa hàng của Louis Vuitton, khách hàng cần phải xem xét tỉ mỉ sản phẩm trước khi mua, như đường may, độ tinh xảo. Và đặc biệt là giấy tờ chứng minh nguồn gốc chất liệu da làm nên sản phẩm, phiếu bảo hành… Qua đó, không chỉ riêng việc mua những chiếc điện thoại đắt tiền như Vertu, hay giỏ xách hàng hiệu như Hermes, Louis Vuitton, mà với bất cứ nhãn hàng nổi tiếng nào, khách hàng cũng cần tìm hiểu kỹ.
Ngoài việc người tiêu dùng phải cẩn trọng, các cơ quan quản lý Việt Nam cũng phải có trách nhiệm để giảm tình trạng này. Chẳng hạn như tại Italy, khi mang túi Louis Vuitton giả ra khỏi Italy, khách du lịch có thể bị phạt gấp đôi giá trị túi thật. Còn tại Pháp, mang hàng giả sẽ bị phạt 300.000 euro hoặc 3 năm tù. Đây là những biện pháp nhằm tăng ý thức của người dân, thuyết phục họ nhận thức được tác hại của việc sở hữu hàng giả, đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho nhà sản xuất, người tiêu dùng và cả nền kinh tế trong nước. Chỉ có như vậy mới mong lấy lại niềm tin từ người tiêu dùng với những hàng hóa được gọi là “hàng hiệu”.