Khi được hỏi, hầu hết các anh chàng đều nhận định phụ nữ thành đạt thường khó tìm được sự cân bằng giữa công việc và gia đình. Hình ảnh của họ sẽ là họ luôn bận túi bụi với đám công việc, với mối quan hệ của họ để rồi người chồng thấy cô đơn và những đứa con thiếu sự chăm sóc của mẹ.
Hoặc cũng những người phụ nữ đó, thành đạt nhưng...ế. Không sai khi nói để đạt được thành công trong công việc, sự thành đạt, ai cũng phải trả giá. Tuy nhiên, dưới con mắt của những người đàn ông hiện đại, phụ nữ thành đạt rất hấp dẫn và đầy bí ẩn.
Hoặc cũng những người phụ nữ đó, thành đạt nhưng...ế. Không sai khi nói để đạt được thành công trong công việc, sự thành đạt, ai cũng phải trả giá. Tuy nhiên, dưới con mắt của những người đàn ông hiện đại, phụ nữ thành đạt rất hấp dẫn và đầy bí ẩn.
"Phụ nữ sẽ thật sự thành đạt nếu giỏi việc nước, đảm việc nhà"
Đó là quan điểm của Nguyễn Phan Anh, 29 tuổi, hiện anh đang làm giảng viên của một trường Đại học. Anh chia sẻ:
“Người phụ nữ thành đạt là bản thân họ trưởng thành và đạt được những điều mà họ mong muốn trong từng thời điểm tương ứng với độ tuổi và hoàn cảnh của người đó.
Khi ở tuổi mười tám đôi mươi – sự thành đạt là con đường học vấn rộng mở, tuổi trẻ với nhiều hoài bão và đam mê, dám nghĩ dám làm, dám sống có trách nhiệm với bản thân; sự thành đạt ở độ tuổi này còn ý thức về trách nhiệm xã hội của giới trẻ, quan niệm về tình yêu và tình bạn trong sáng và đảm bảo sức khỏe; gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống phù hợp với người con gái trong bối cảnh kinh tế hội nhập.
Khi đã có gia đình, sự thành đạt của một người phụ nữ chính là gia đình đó: gia đình trong ấm ngoài êm, những tiếng cười của trẻ thơ, vượt qua nỗi vất vả của cuộc sống mưu sinh – cơm áo gạo tiền, để tìm kiếm những cơ hội phát triển mới cho bản thân người phụ nữ, cho chồng và con cái.
Lớn tuổi hơn chút nữa, mình nghĩ, sự thành đạt của người phụ nữ được đo bằng những giá trị khác mà xã hội thừa nhận: có thể đó là sự thành công trong nghề nghiệp – được đồng nghiệp và xã hội thừa nhận về năng lực, có nhiều cống hiến cho xã hội và cho đơn vị mà người phụ nữ đó công tác; hỗ trợ chồng và những người xung quanh mình cùng phát triển sự nghiệp; chia sẻ với mọi người những giá trị của cuộc sống; nuôi dạy con cái trưởng thành và định hướng cho con cái phát triển.
Đôi khi sự thành công của một người phụ nữ rất giản đơn nhưng chứa đựng bao sự hi sinh lớn lao, con cái có miếng cơm ăn, có manh áo để mặc, được đến trường và rồi trở thành người có ích cho xã hội, đã là một sự thành công. Với những người phụ nữ có năng lực, có bản lĩnh và có sự hậu thuẫn của gia đình thì sự thành công đó có thể là những giá trị to lớn hơn cho một tập thể, một cộng đồng và một xã hội".
Phan Anh cho rằng quan niệm về người phụ nữ thành đạt trong xã hội hiện đại hiện nay có nhiều biến đổi, vừa đơn giản vừa phức tạp. Phan Anh mượn lời của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trưởng ban dân vận Thành uỷ Tp.HCM: ‘Thành công trong sự nghiệp nhưng phải đạt được hạnh phúc gia đình" để nói lên quan điểm của bản thân. Với anh, một người phụ nữ thành đạt là người khiêm tốn, ngoài giỏi việc xã hội, còn đảm việc nhà”.
"Phụ nữ thành đạt là phụ nữ hoàn hảo trong gia đình"
Đó là quan điểm của Trần Tùng, hiện đang là một MC, sinh sống tại Hà Nội. Anh nói: “Sự phát triển của xã hội về mọi mặt đã thúc đẩy sự bình đẳng giữa nam và nữ, tư tưởng ‘trọng nam, khinh nữ’ đã gần như không còn tồn tại. Cuộc sống của xã hội hiện đại giúp phụ nữ có cơ hội phấn đấu, học tập và thăng tiến hơn trong công việc. Vị trí và vai trò của người phụ nữ ở bên ngoài xã hội càng được nâng tầm.
Chúng ta đã chứng kiến phụ nữ xuất chúng xuất hiện ngày càng nhiều trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, khoa học, kinh tế, xã hội... Tùy theo quan niệm của xã hội và cách nhìn của từng người mà đàn ông đặt ra cho họ một chuẩn mực riêng về người phụ nữ thành đạt trong mắt họ. Ngày xưa theo quan niệm của nho giáo, một người phụ nữ đúng tiêu chuẩn của đàn ông thời bấy giờ phải đức hạnh theo đúng điệu: tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh. Thật khó để có chuẩn chung về thành đạt nhưng theo cách đánh giá bề ngoài và sự trọng vật chất của xã hội hiện đại, thành đạt có nghĩa là giàu có và quyền lực.
Trần Tùng bày tỏ sự vui mừng và tôn trọng những người phụ nữ thành đạt trong công việc. Tuy nhiên, anh chàng vẫn cho rằng người phụ nữ thành đạt còn phải là người phụ nữ hoàn hảo trong gia đình. Thành công trong công việc xã hội, tạo dựng gia đình hạnh phúc, ấm êm - mới là người phụ nữ thành đạt.
"Cánh mày râu cũng hơi e ngại phụ nữ thành đạt"
Nói về vấn đề này, Nguyễn Thanh Tùng, 29 tuổi, nhân viên kinh doanh cho biết: "Mình thấy nhiều người đàn ông ái ngại cưới vợ học cao, thông minh, sắc sảo, thành đạt. Các anh luôn có cảm giác nghi ngại về quan niệm, lối sống, cách hành xử của các cô gái thành đạt. Trong mắt không ít người, phụ nữ thành đạt chăm sóc, quán xuyến gia đình không bằng những phụ nữ bình thường khác, khả năng chịu đựng, hi sinh vì gia đình của phụ nữ thành đạt không cao, thời gian dành cho gia đình không nhiều".
Thanh Tùng nghĩ rằng, có vẻ như trước những người phụ nữ thành đạt, đàn ông luôn cảm thấy lúng túng và khó bắt chuyện.
Tùng chia sẻ: "Hình ảnh người phụ nữ thành đạt thường thấy trong phim là tay họ lúc nào cũng giữ khư khư quyển sổ, tay nhấp từng ngụm cà phê, miệng không ngừng la hét vào chiếc điện thoại đang ghé bên tai, cô gái đó nói về công việc hăng say, và hét ra lửa với nhân viên dưới quyền. Tuy nhiên cũng có những người phụ nữ thành đạt, nền nã, tôn trọng hết thảy mọi người. Và đương nhiên họ có chung 1 điểm đó là chiếc điện thoại reo không ngừng nghỉ".
Tùng thấy hững người phụ nữ thành đạt rất hấp dẫn, đầy bí ẩn. Tuy nhiên, anh chàng vẫn thích một cô nàng có thể không thành đạt quá mức nhưng bù lại cô ấy có tình cảm dồi dào với gia đình, biết chăm sóc, vun vén hạnh phúc hơn.