Khi giọt nước tràn ly
Hôm nay, 9/4, ngày thứ 3 của cuộc đình công diễn ra tại công ty Doojung Việt Nam, Chương Mỹ, Hà Tây, chúng tôi đã có mặt tại đây lắng nghe những bức xúc mà công nhân đang gặp phải. Nguyên nhân của vụ đình công này theo các công nhân phản ánh là công ty đã tự đặt ra những “luật rừng” trên trời. Ví như: Tất cả các nữ công nhân có thai đến tháng thứ 6 đều bị nghỉ việc không lương với lời giải thích “Cứ ở nhà nghỉ sinh, nuôi con lớn rồi quay lại làm”. Hơn thế, hàng trăm công nhân bị công ty "quỵt" tiền bảo hiểm; bóc lột sức lao động một cách không thương tiếc.
Công nhận tụ tập trước cổng công ty Doojung chiều 9/4.
Và như “giọt nước tràn ly”, hàng ngàn công nhân đang làm việc không thể chịu được những “luật rừng” mà vị giám đốc đưa ra. Cuộc đình công diễn ra vào sáng sớm 3 ngày qua phần nào phản ánh được những góc khuất mà công ty đã và đang áp dụng với hàng ngàn công nhân.
Và chờ đợi hướng giải quyết từ phía công ty.
Đến sáng ngày 9/4, do không thể chịu được sức ép của cuộc đình công, 10 công nhân được lãnh đạo công ty mời họp để tìm hướng giải quyết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, cuộc họp diễn ra từ 10 giờ sáng, kéo dài đến gần 16 giờ chiều. 10 công nhân mặc dù đã đưa ra rất nhiều ý kiến cũng như yêu cầu công ty phải tuân thủ luật lao động của Việt Nam… Sau khi đi đến thống nhất, ông Kim Se Huyn đã đưa ra một văn bản trả lời đơn đề nghị của công nhân.
Văn bản của giám đốc Kim Se Huyn.
Nội dung của công văn có 5 vấn đề chính, cụ thể như sau:
1/ Công ty chấp nhận tăng lương cho công nhân đã làm việc trên 1 năm là 5%.
2/ 7h20 sáng thứ 2 công nhân có mặt tại sảnh công ty để 7h30 chào cờ, từ sáng thứ 3 đến sáng thứ 7, 7h20 phải có mặt ở nhà máy để làm việc.
3/ Công ty trợ cấp xăng xe cho công nhân 100 ngàn đồng/tháng, mức trợ cấp sẽ tăng lên khi tình hình kinh doanh tốt hơn.
4/ Công ty sẽ không trừ chuyên cần vào mục chuyên cần tháng 4 đối với 3 ngày đình công vừa qua.
5/ Vấn đề trả lương cho ngày đình công, công ty không thể trả. Những người đi làm sẽ được trả lương còn những người không đi làm không được trả lương. Thay vào đó trong tháng 3 vừa qua, tất cả các công nhân đã làm việc rất chăm chỉ và vất vả. Khi chủ tịch quay lại sẽ thưởng đặc biệt cho toàn bộ công nhân 1 ngày lương.
“Lòe” công nhân bằng tặng 1 ngày lương
Trong công văn phúc đáp từ giám đốc thì tuyệt nhiên không hề nhắc đến các chế độ như: việc nghỉ thai sản, đãi ngộ khi tăng ca, bảo hiểm y tế - xã hội – thất nghiệp… Phải chăng, công ty Doojung đã “nhờn” với luật lao động của Việt Nam và vẫn ung dung áp dụng “luật rừng”.
Chị Thơm lo lắng về cuộc sống thời gian tới.
Cũng trong công văn phúc đáp thì phía công ty Doojung Việt Nam chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ trong các yêu cầu của phía công nhân. Công ty Doojung chỉ tăng 5% lương cơ bản đối với những công nhân có thâm niên làm việc trên 1 năm, hỗ trợ 100 ngàn tiền xăng xe/tháng và “tặng” 1 ngày lương cho 3 ngày đình công.
Phải chăng tiếng nói của công nhân còn quá thấp bé, chưa đủ sức nặng để công ty Doojung tuân thủ luật lao động? Trao đổi với chúng tôi, chị Huyền, 1 trong 10 công nhân làm việc với ban giám đốc cho rằng: “Chắc những điều đó thời gian tới công ty sẽ giải quyết”.
Còn anh Trần Văn Nguyện lại cho rằng: “Các chế độ về thai sản, giờ giấc làm việc, chế độ bảo hiểm chúng tôi cũng khá gắt gao trong cuộc họp hôm nay. Phía công ty hứa sẽ giải quyết nhưng cần phải có thời gian”.
Trước khi cuộc họp giữa ban giám đốc công ty và công nhân kết thúc, cả ngày 9/4 có khá nhiều công nhân tiếp tục tụ tập trước cổng công ty để chờ đợi những quyết định mới. Nhưng không hiểu sao chỉ tăng 5% lương cơ bản, hỗ trợ xăng xe và “tặng” 1 ngày lương họ lại cảm thấy thỏa lòng ra về?
Công nhân Doojung khổ trăm bề
Tiếp xúc với công nhân công ty Doojung mới biết họ khổ trăm bề, khổ nhất vẫn là những chị em phụ nữ.
Chị Tư chia sẻ với phóng viên về những bức xúc.
“Tất cả các công nhân muốn được làm việc tại đây đều phải ký vào bản cam kết là trong 3 năm đầu làm việc không được sinh con, mà anh biết rồi đấy, chúng tôi lấy chồng mà không cho sinh con khác nào hành tội. Trường hợp như chị L. trên Xuân Mai làm công nhân được 4 tháng thì lập gia đình, theo quy định thì chị L. phải 2 năm rưỡi mới được có bầu nhưng gia đình bên nội không thông cảm thế là hai vợ chồng chia tay”. – chị Tư cho hay.
"Thức đêm làm việc cực khổ mà tối chỉ được ăn 1 bát bún lỏng bỏng nước" - chị Hồng nói.
Đối với những người đang làm lỡ có bầu như chị Bùi Thị Hồng (Chúc Động, Chương Mỹ) lại ngậm ngùi: “Em làm việc ở đây hơn 1 năm rồi, ngày nào cũng quần quật làm việc từ sáng sớm đến tận đêm khuya mới về nhà, thậm chí có nhiều hôm còn đến 3 giờ sáng. Mặc dù khổ như thế nhưng chế độ quá thấp, mỗi giờ tăng ca chỉ được hưởng 19 ngàn đồng. Thức đêm làm việc cực khổ thế mà công ty chỉ cho ăn 1 bát bún lỏng bỏng nước trị giá 15 ngàn đồng”.
“Do em có bầu đến tháng thứ 5 nên tuần trước em có lên hỏi sổ bảo hiểm và chuẩn bị xin nghỉ để sinh đẻ thì phía công ty trả lời rằng muốn lấy sổ thì phải lên bảo hiểm xã hội huyện Chương Mỹ lấy. Nhưng khi lên hỏi thì người ta nói công ty Doojung không hề đóng bảo hiểm cho bọn em”. - chị Hồng nói thêm.
Còn trường hợp của chị Hường lại thật trớ trêu, trao đổi với chúng tôi, chị ngậm ngùi: “Hôm trước em làm đơn xin nghỉ để chuẩn bị sinh nở thì đại diện công ty nói: cứ nghỉ thoải mái và sẽ không có lương cũng như các chế độ khác. Hiện tại thu nhập của em chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng còn có đồng ra đồng vào, nhưng khi em nghỉ việc biết kiếm đâu ra tiền để sinh và nuôi con”.
Được biết, mặc dù công ty Doojung đóng tại địa bàn xã Phú Nghĩa nhưng tuyệt nhiên không tuyển công nhân trong xã. Thế nên các công nhân tại đây đều phải di chuyển với quãng đường từ 6 – 15 km để đi làm, thế nên chuyện 2-3 giờ sáng chị em vẫn phải đi cả quãng đường dài để về nhà là chuyện bình thường.