Đúng như tổng kết của bộ phận nghiên cứu thị trường của một hãng thống kê, trong báo cáo cập nhật về tình hình bán lẻ Việt Nam 2011: “Chỉ mua những sản phẩm cần thiết” là phương châm của người tiêu dùng trong thời kỳ lạm phát, họ cắt giảm chi tiêu cho các sản phẩm không phải là thiết yếu. Cụ thể, có khoảng 59% người tiêu dùng sẽ giảm số lần đi mua sắm và 44% sẽ giảm lượng hàng mỗi lần mua.

Cân nhắc khi rút hầu bao

Chị Dung, nhân viên bán hàng vải ở chợ Hôm Đức Viên, Hà Nội chia sẻ, mọi năm đầu mỗi mùa cửa hàng nhập vải về theo ngày. Nhưng năm nay, cả tuần cửa hàng mới nhập một lần mà khách mua lẻ tẻ, chỉ bằng một nửa mọi năm. So với năm ngoái, giá vải có nhích lên một chút nhưng không quá cao, vẫn không hút khách. Chẳng hạn, dạ ép hai mặt – mọi năm bán 110.000 – 120.000 đồng/m năm nay bán 140.000 – 150.000 đồng/m; tuýt si dạ mới ra cũng chỉ 130.000 – 140.000 đồng/m… “Lý do khách hàng không còn mặn mà mua vải, một phần do tiền công may cũng lên giá, tăng 20 – 30%. Trước đây, khách hàng mua vải cả túi nhưng giờ mua, may gì phải cân nhắc, chọn mẫu trước”, chị Dung nhấn mạnh lý do.

Đắn đo khi chọn sản phẩm. (Ảnh minh họa)

Mặt hàng chăn drap gối đệm cũng được khách hàng quan tâm vào mùa đông năm nay và các hãng cũng nhích giá lên đôi chút. Chị Hằng, cửa hàng ở Tây Sơn nói, so với năm ngoái giá một bộ chăn drap gối của hãng lên không nhiều, nhưng “khách hàng vào mua còn khá vắng, dù mùa đông đã tới. Nhiều khách vào xem hàng đã phải khảo giá ở nhiều hàng khác, trước khi quyết định chọn mua sản phẩm nào”.

Không chỉ quần áo mà các mặt hàng gia dụng cũng được khách hàng cân nhắc trước khi mua. Tại các siêu thị, trang bán hàng qua mạng, đồ sưởi ấm như điều hoà, máy sưởi, chăn sưởi, đệm sưởi… đã được tung ra. Tuy nhiên, một phần do mùa đông năm nay được dự báo ấm hơn mọi năm, phần vì khách hàng thắt chặt hầu bao nên thị trường mặt hàng này còn khá ảm đạm. Nhiều chủ cửa hàng trên phố Cầu Giấy cho biết, người tiêu dùng có thói quen phải khi thật rét mới đổ xô đi mua, nên thường phải mua hàng với giá cắt cổ.
 
Năm nay, cửa hàng nhập hàng về sớm nhưng bán khá chậm. Có khi cả ngày không có khách hàng nào hỏi tới sản phẩm chống lạnh, dù năm nay mặt hàng này khá đa dạng, từ các sản phẩm của Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng nhiều dòng sản phẩm chống lạnh của Việt Nam đã được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Những loại quạt sưởi do doanh nghiệp uy tín ở Việt Nam sản xuất đã được khách hàng ưa chuộng từ nhiều năm qua, cho dù hàng sản xuất trong nước có phần nhỉnh giá hơn hàng Trung Quốc.

Tuy hạ giá nhưng sức mua vẫn giảm. (Ảnh minh hoạ)

Chọn giải pháp thay thế
 
Chị Hoa, ở phố Xuân Thuỷ, Hà Nội – một tín đồ của mua sắm, nhưng năm nay cũng phải nhẹ tay – chia sẻ, mặt hàng nào cũng lên giá 20 – 30% mà kiếm tiền ngày càng khó. “Mùa đông tới cái gì cũng muốn sắm nhưng năm nay phải tính lại”. Thay vì tới mua hàng sớm thì đợi các đợt siêu thị khuyến mãi lớn mới đi mua một thể và mua những thứ cần thiết cho gia đình. Mặt hàng điện gia dụng thật cần thiết cho mùa đông mới mua.

Nắm bắt được tâm lý của khách hàng, nhiều cửa hàng đã dùng chiêu hạ giá đầu mùa. “Hàng giảm giá là hàng mới nhưng tồn từ năm ngoái, nay mang bán hạ giá để lấy hàng mới. Thời điểm giao mùa có thể bán xen lẫn cả hàng hè và đông, vừa tiêu thụ được hàng tồn, vừa giải quyết hàng của mùa hè”, chị Nguyệt, kinh doanh quần áo trên phố Tây Sơn nói.

Mua hàng thùng (như hàng bán xôn bỏ trong các thùng giấy) cũng là một cách lựa chọn của người tiêu dùng. “Chọn hàng thùng mất thời gian nhưng thường được hàng đẹp, độc và quan trọng là rẻ. Sau một thời gian, hàng thùng bị người tiêu dùng cho là không tốt cho sức khoẻ thì hiện nay, khách hàng lại quay về với nó. Hàng được nhập về từ Hàn Quốc, Thái Lan… Tất cả đều được chọn kỹ nên khách hàng khá yên tâm”, anh Nhân – bán hàng thùng tại Nghĩa Tân cho biết. Với tình hình như hiện nay hàng Trung Quốc sẽ tiêu thụ mạnh trong năm nay bởi giá cả hợp lý mà chất lượng cũng không quá tồi. “Nói vậy chứ cửa hàng cũng không dám nhập quá nhiều hàng một lúc e rằng không bán chạy như mọi năm sẽ tồn vốn”, một chủ cửa hàng dè dặt.