"Con chửi bậy là thông minh" (?!?)
Đối với không ít người, nói bậy đôi khi lại là một cách xả stress hiệu quả. Tuy nhiên, cũng chính vì thói quen văng tục vô tội vạ ấy mà các vị phụ huynh đã vô tình tiêm nhiễm thói quen xấu vào đầu con trẻ. Thậm chí có người còn cổ vũ nhiệt tình khi con mình “phát ngôn bẩn”.
Đặc thù của công việc buôn bán, thường xuyên tiếp xúc với nhiều hạng người thành ra vợ chồng chị Hải, anh Khang rất hay nói bậy. Dần dà, nói bậy trở thành “món ngon” khó bỏ trong “menu” từ ngữ của vợ chồng anh chị.
Trong câu chuyện với mọi người luôn được anh chị “khuyến mãi” một vài từ bậy bạ. Vì thế cũng chẳng có gì lạ khi 2 đứa con của Hải và Khang đều nói bậy như gió. Nói nhiều thành thói quen khó bỏ, có ai góp ý thì chị lại xuề xòa "cháu nó nói thế cho vui cửa vui nhà” (?!?) .
Có lần cả nhà dẫn bé về quê ngoại ở Sơn Tây chơi, giữa bao nhiêu người, cô bé con 3 tuổi đứng dạng tay như người lớn, miệng bập bẹ câu được câu mất: “Đ.m mày…con…chó”. Trong khi những người họ hàng đều há hốc mồm ngạc nhiên thì bố mẹ cô bé lại phá lên cười sảng khoái.
Vừa cười, bà mẹ trẻ vừa khuyến khích con gái: “Kìa, nó đánh con đấy, chửi tiếp đi con. Chửi thế nào nhỉ? Anh Tôm hay chửi gì thì con chửi cho các cô nghe kìa”. Được mẹ động viên, cô bé càng hăng máu và lấn tới. Nó bĩu môi, cố bắt chước điệu bộ nhăn nhó hàng ngày của anh hai, chuyển sang tư thế khoanh tay, miệng gào: “Con đĩ gàn!”.
Hôm ấy, có ông bác họ tỏ ý không hài lòng và làm căng thì chị cãi cùn: “Chửi thì chửi thế thôi chứ cháu nó có hiểu gì đâu mà các bác phải lo. Lớn tự khắc nó sẽ khác. Con cháu cháu lo. Cháu sẽ uốn nắn từ từ, chẳng hư đâu mà sợ”.
Rồi chị hớn hở khoe: “Nó mới tí tuổi đầu mà rõ thông minh, cái gì cũng biết. Ai nói gì cũng học theo”.
"Con em em dạy, sau này hư em chịu" - Ý tưởng dạy con của một vài bà mẹ trẻ thật... đáng sợ! (Ảnh minh họa)
Cả khu tập thể Tân Mai (Hà Nội) ai cũng ngại chạm mặt chị Lam vì thói quen văng bậy vô tội vạ của chị.
Bón cơm cho con dưới sân tập thể, nhưng người ở tầng 3 cũng có thể nghe rõ mồn một tiếng chửi chồng te tát của chị Lam “vì cái tội đi làm gì mà tan ca vẫn chưa về”. Kèm theo đó là một tràng từ ngữ bậy bạ được tuôn ra.
Cô Linh, một người láng giềng của chị Lan chán ngán bảo: “Đường đường là dân trí thức có học mà cô ấy nói bậy không kể lúc nào. Vào tầm đó, có bao nhiêu đứa trẻ con chơi dưới này như thế mà cô ấy vẫn thoải mái nói những từ tục tĩu khó nghe đó như không. Có góp ý thì lại mang tiếng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” xen vào cách cô ấy dạy con. Nên chỉ hôm đầu chứ sau cũng chẳng ai thèm nói nữa”.
Thấy mẹ nói bậy, 2 đứa con sinh đôi cũng bắt chước líu lo nói theo. Chẳng mắng con thì chớ, đằng này chị lại cổ vũ nhiệt tình. Thằng em út mặt đỏ tía tai vò đầu bứt tóc cố nghĩ những từ thông dụng mà bố mẹ chúng hay dùng. Sau một hồi thì bao nhiêu từ ngữ bậy bạ đều được văng ra từ hai cái miệng xinh xinh như thiên thần. Mặc dù thực chất chúng chẳng hiểu gì.
Cô phân trần với hàng xóm: “Em dạy con em thì có liên quan gì tới ai. Sau này nó hư thì em chịu. Mà có mấy câu bậy bậy giải stress tí, có chết ai, ra đường giờ người ta vẫn tuôn đầy”. Nghe thế nhiều người chỉ biết lắc đầu thở dài trước suy nghĩ có phần đơn giản của bà mẹ trẻ này.
Chuốc họa vì con nói bậy
Cũng chính vì thói quen văng tục mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm như thế mà chị Lan đã phải “chuốc họa vào thân”.
Số là lần ấy, sếp của anh đến nhà chơi, cậu con út vội chạy lon ton ra khoanh tay đứng chào nhưng miệng thì nói rõ to: “Đ.M mấy thằng già đã về”.
Trong khi đứa bé bi bô vừa nói vừa cười khoe đôi má lúm đáng yêu thì mẹ nó ở trong nhà mặt xanh mét. Còn chồng chị thì khỏi phải nói, mặt tím tái vì tức giận và xấu hổ. Ngài giám đốc chẳng biểu lộ cảm xúc, chỉ khẽ cười nhếch mép, nói mát: “Thằng bé con đáng yêu thế này, ai dạy mà nói những câu rõ hay”.
Cũng vì chuyện đó mà anh bị sếp “để bụng ấm ức” mấy ngày liền. Anh nghe đồng nghiệp nói lại sếp bảo vợ chồng anh không biết dạy con, mới bé tí đã văng bậy. Sếp còn bảo bé tí tẹo mà còn thế thì sau này lớn lên thế nào?
Kể từ sau “bài học xương máu” ấy anh chị rút kinh nghiệm. Người ta thấy dần dà cả hai vợ chồng bớt văng tục hẳn. Hễ cậu con trai mở miệng "đ.m" là nhận được ngay cái lườm sắc như dao cau từ mẹ và cái bạt tai của bố. Không được bố mẹ hưởng ứng, lúc đầu cậu còn phản ứng, giãy nảy lên. Sau thì cậu bé chỉ biết cụp mắt xuống tiu nghỉu.
Trước mặt con, hai vợ chồng cũng cố gắng kiềm chế để không phát ra những từ ngữ làm bẩn đầu con trẻ. Chị cũng bỏ nốt thói quen cứ chiều chiều đưa con xuống dưới sân tập thể buôn chuyện và "văng" như máy đủ thứ trên đời như ngày nào.