Tục “nối dây” là tập tục còn khá nặng nề đối với các buôn làng ở Kon Tum. Với tập tục này, một khi người mẹ mất đi thì người cha hoặc ở vậy nuôi con hoặc nếu muốn đi bước nữa phải lấy chị hay em vợ mới tiếp tục ở lại gia đình, nuôi con. Nếu muốn đi bước nữa với người ngoài họ vợ thì người cha phải bỏ lại toàn bộ gia sản cùng con cái cho phía họ vợ nuôi rồi trở về với gia đình cha mẹ đẻ vì vậy tục “nối dây” còn có tên khác là tục “trở về”.
Cuộc nối dây ấy càng dìm sự cố gắng của những người dân xuống sâu hơn của đói nghèo. Tục “nối dây” ấy trở thành lực cản để người Xê Đăng đi ra với thế giới bên ngoài. Thế nhưng, ai thực hiện tục “nối dây”, trong con mắt dân bản, đó là lẽ sống tốt ở đời. Chính vì thế đã có không ít chuyện tình dở dang cách trở, không biết bao nhiêu cuộc đời và thân phận phải gánh vác cái trách nhiệm nặng nề của tục “trở về” ấy, mà H’oai là một điển hình của luật tục đáng sợ với những người phụ nữ ở chốn này.
Chúng tôi tìm đến làng Xõa, xã Đăk Ang, Đăk Glei, Kon Tum khi H’oai đang khắc khổ địu đứa con mới hơn 12 tháng tuổi, chưa kịp đặt tên. Ngày ấy, đúng vào dịp bỏ mả cho vợ, cũng là ngày anh Y Hơn (39 tuổi, trú làng Xõa, xã Đăk Ang) phải giao lại con cho phía họ ngoại nuôi cùng tất cả nhà cửa, trâu bò để trở về nhà mẹ đẻ của mình. Nếu anh ở lại thì phải lấy chị hoặc em vợ.
Lúc ấy có gái H’oai mới hơn 15 tuổi, nhưng cũng ra dáng thiếu nữ lắm rồi. Ngày chị gái cô không may lâm bệnh qua đời, H’oai đã lo sợ đến cái cảnh mình sẽ thay chị làm vợ anh rể, thay chị chăm nuôi cho mấy đứa cháu. Mặc dù H’oai thương chúng lắm, nhưng vì H’oai đã nặng lòng với một trai làng, nhưng chưa kịp ngỏ lời mà thôi. Luật tục ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của người Xê Đăng và trở thành một luật tục nghiêm ngặt.
Không biết tục nối dây mà tiếng Xê Đăng gọi là “sợp” ấy có từ bao giờ nhưng các thế hệ già làng coi đây như khuôn vàng thước ngọc của tổ tiên, có uy lực tuyệt đối. Mế của H’oai van nài: “Con ơi, bây giờ mà mày thương cháu thì hãy về theo thằng Y Hơn làm vợ của nó, để giữ lấy các cháu trong nhà, giữ lấy tình cảm gia đình, dòng giống của nhà. Mày mà không làm vợ nó thì thằng cháu mày nó khổ, nhà mình cũng khổ vì không có bò có trâu đền cho nhà nó đâu!”.
Dù biết luật tục là như vậy nhưng H’oai vẫn cảm thấy quá đột ngột. Trong căn nhà vẫn như còn đó bóng dáng người chị đi về, H’oai cố tìm cách “hoãn binh”, nói với mẹ cho mình suy nghĩ. Thấy vậy, bà con dân làng “bắt lý”: “Mày đã không theo tục của bản, mai này vì mày mà con ma núi sẽ về bắt cả bản phải chịu nhiều cái bệnh tật, không làm tốt được cái rẫy, cái ruộng, nếu có chuyện gì xảy ra với làng này thì mày sẽ bị phạt nhiều con trâu, con bò để cúng con ma rừng đấy!”.
Lễ bỏ mả hôm ấy, đứa cháu ngủ say trên lưng H’oai không hề biết ngày hôm nay mình đã mất mẹ. Rồi chẳng hiểu vì sao, lúc ấy giữa đám bỏ mả, nhìn đứa cháu tội nghiệp trên lưng mình, H’oai đã không ngần ngại chấp nhận “nối dây” với anh rể, để đứa cháu đã mất mẹ sẽ không mất thêm người cha này nữa. “Khổ nhưng mình phải có trách nhiệm với gia đình để chị của mình ở thế giới bên kia yên tâm. Giờ thì cũng đã xong rồi!”, H’oai đã trăn trở giữa niềm tôn kính tiên tổ với thực tại trước mặt như thế.
Năm ấy, H’oai mới lên 15. Đám cưới mà chàng rể chẳng ai khác là anh rể đã 19 tuổi và cô dâu là H’oai đang ngây ngô tuổi chơi, tuổi lớn. Đem vòng tay (vật đính ước) mà anh rể mới trao, H’oai còn hồn nhiên khoe với người làng. Mọi người trong buôn lại được một phen no say. Cô bé H’oai vì cái rượu cưới làm rạo rực trong lòng, bước xuống cầu thang ra chơi với chúng bạn trong buôn trong làng ngay trong ngày cưới mà chẳng thể biết được cơn khổ từ đây đã trói cuộc đời mình.
Đằng đẵng 20 đầy những ngày buồn
Rồi sau bữa người trong buôn vui chơi uống rượu ca hát xong, cô phải đi theo anh rể Y Hơn như cái bóng. Ngày trước cô vẫn thường hay lên rẫy với ba mẹ, giờ Y Hơn dẫn cô đi. Chăn bò, lấy củi, quanh cô lúc nào cũng có anh rể. Mãi rồi cũng thành quen. Chỉ người trong buôn và ba mẹ cô là khác, nhìn H’oai ngày càng ra dáng thiếu nữ, mắt họ ngấn buồn. H’oai vẫn hồn nhiên, chỉ thỉnh thoảng đỏ mặt chạy đuổi đánh đám trai gái cùng lứa khi chúng trêu cô và anh rể là… vợ chồng!
Rồi ngày H’oai có cái bụng lùm lùm, cha mẹ H’oai cắt một khoảnh đất, dựng nhà, bảo cô và anh rể Y Hơn ra đấy ở. Bấy giờ cô mới hiểu những lời trêu đùa của đám trẻ trong làng. Cô còn muốn đi chơi với đám bạn, còn muốn vui với chúng trong những dịp hội làng. Nhưng cô thiếu nữ chưa kịp vui đã trở thành đàn bà. H’oai kể, đã không ít lần cô khóc chạy về nhà xin ở lại, không quay về nhà với chồng nữa. Mẹ cô nói: “Mày muốn bỏ chồng phải có 2 con trâu. Không có trâu thì có 3 con bò đền cho nó. Mày có thì mày đền đi, tao không có đâu!”.
Cô hiểu, ước mong được quay về nhà đã thành tuyệt vọng từ ngày cả nhà thực hiện tục “nối dây” cho cô với anh rể thì mối tình của cô với chàng trai kia cũng đã vụt tắt từ lúc cô bước theo anh rể lên rẫy sau cái buổi rượu thịt ê hề ấy. H’oai chấp nhận sống chung với anh rể, cái nghèo cái khổ cứ bám níu lấy những bước chân trần của H’oai và Y Hơn mãi. Bốn đứa con lần lượt ra đời, gánh nặng cơm áo oằn lưng. Anh rể, cũng là chồng của H’oai ít khi ở nhà. “Nó ở luôn trên rẫy, ít nói lắm! Chắc nó buồn mình nhiều vì nó chỉ thương chị của mình thôi!”, H’oai nói.
Nhiều đêm, H’oai ngồi thổi khèn lá, thấp thoáng bong dáng tình ca của núi rừng nhưng buồn ủ dột. Thi thoảng chàng trai làng mà H’oai định bắt làm chồng đi ngang qua trước mặt, anh vẫn chưa ưng cái bụng ai vì đã trót thương H’oai nhiều lắm nhưng giờ cô đã là vợ của anh rể rồi, đã là bà mẹ của 4 đứa con và một đứa cháu rồi, còn gì cho anh nữa. Nhiều lúc gặp lại chàng trai thủa nào ở đầu con nước, H’oai vội vã quay quả bỏ đi. Cũng nhiều lúc H’oai nghĩ tại sao mình lại chấp nhận cái tục “nối dây” này, để rồi mình khổ, anh rể cũng khổ, người mình yêu cũng khổ, nhưng rồi suy nghĩ đó chẳng tồn tại được bao lâu, vì bây giờ H’oai đã chẳng thể làm gì được nữa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Đức Vân, Phó chủ tịch xã Đăk Ang buồn buồn cho biết: “Nơi đây 90% là đồng bào dân tộc thiểu số nên vẫn còn duy trì rất nhiều luật tục lạc hậu. Chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu như tập tục nối dây này nhưng rất khó vì nó đã ăn sâu vào máu thịt người dân rồi. Muốn xóa bỏ cần một thời gian dài để dần thay đổi nhận thức mới được!”.
Cứ thế, vì hủ tục, họ đành chấp nhận con đường đi cùng nhau như món nợ đời cần phải trả. Như H’oai đến nay đã 19 năm rồi làm vợ anh rể, nhưng ngày vui chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Khi ánh tà dương cuối cùng khuất bóng sau dãy núi mờ xa, H’oai bảo chúng tôi ra bậc cửa ngồi cho sáng, rồi than: “Làm đàn bà như mình sao khổ quá!”. Buồn cho một phận đời chốn thâm sơn không thoát khỏi luật tục.