Mỹ Linh sinh ra ở Huế (1989), sau đó gia đình chuyển vào Bình Phước. Cô học ĐHKHXH&NV TP HCM. Linh từng là phóng viên tạp chí Mốt & Cuộc sống, sau đó Linh chuyển sang làm ngân hàng và cuối cùng bỏ việc để đi du lịch.

Bỏ công việc nghìn đô để đi du lịch chỉ với mục đích cải thiện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, Mỹ Linh còn khiến mọi người cảm phục qua việc cô ấy dám lên tiếng trực tiếp với một Bộ trưởng, dù góp ý của Linh cũng còn đôi chỗ phải bàn nhưng không ít người trẻ có được suy nghĩ như Linh, suy nghĩ về sự thay đổi những điều đã cũ để hướng đến một điều tốt hơn.

Cô gái Việt thoát chết ở Nepal: Không bỏ việc nghìn đô chỉ để đi du lịch! 1
Mỹ Linh và những nữ sinh trung học ở Nepal.


Mỹ Linh đã tranh thủ dành chút thời gian cho một cuộc trò chuyện ngắn.


Chào Mỹ Linh, sống và làm việc ở Nepal suốt mấy tháng qua, hẳn là bạn rất yêu cuộc sống và con người nơi đây. Bạn có thể chia sẻ kỉ niệm vui nhất khi đặt chân đến Nepal là gì không?

Nepal là một nước nghèo nhưng người dân khá thân thiện. Họ có hơn 100 tôn giáo khác nhau nhưng các tôn giáo chung sống hòa bình, ngày lễ của tôn giáo này thì tôn giáo kia cũng được nghỉ theo. Nên một năm, người Nepal có hơn 100 ngày nghỉ. Nếu dùng 100 ngày này để kiếm tiền thì họ giàu sụ. Nhưng họ không thích kiếm tiền. Họ thích cuộc sống nghèo mà yên bình. Sự an phận đó là nguyên nhân chính khiến Nepal kém phát triển.

Lúc đến Nepal, tôi chỉ đi bừa chứ chẳng quen ai. Đầu tiên tôi đến Pokhara. Đây là thành phố được xem như đẹp nhất Nepal vì có hồ có núi. Người Trung Quốc sang đây du lịch khá nhiều nên ai cũng nhìn tôi và chào “ni hảo” cả. Cứ mỗi lần họ chào như thế tôi phải đứng lại giải thích tôi là người Việt Nam và cũng đồng nghĩ là sau khi giải thích xong thì tôi có thêm một người bạn.

Một kỉ niệm vui đó là lúc tôi  lững thững dạo quanh hồ Phewa, Santosh Panta – một trong những diễn viên hài nổi tiếng nhất Nepal đang ngồi uống trà cùng bạn, thấy tôi đi ngang thì chào “ni hảo”. Tôi đứng lại bảo không, tôi đến từ Việt Nam. Ổng  hỏi, Việt Nam là cái nước từng có chiến tranh với Mỹ ấy à. Tôi bảo: "Đúng rồi, nhưng bây giờ ai nhắc đến Việt Nam, ông cứ nhớ Việt Nam là đất nước có con bé rất xinh mà ông gặp ở hồ Phewa là được!". Ông cười, tôi cười. Và chúng tôi trở thành bạn.


Tại sao bạn lại chọn Nepal mà không phải một quốc gia nào khác?

Trước lúc qua Nepal, tôi ở Ấn Độ. Hết visa ở Ấn Độ tôi nghĩ nên đi một nước khác. Nepal gần Ấn Độ nên tôi có thể qua đó bằng tàu với giá rẻ. Nepal cũng là nước nghèo nên với chi phí ít ỏi tôi có thể sống ở đó lâu. Khi tôi lập kế hoạch sang Nepal, tôi không muốn qua Nepal chỉ để du lịch. Nên tôi xin làm tình nguyện viên để vừa giúp đỡ trẻ em vừa hiểu được lối sống của người bản địa.

Tôi biết Nepal là một đất nước nổi tiếng về leo núi vì có dãy Himalaya và đỉnh Everest hùng vĩ. Nên tôi cũng có ý định mở tour leo núi giá rẻ cho người Việt. Đó là lý do tôi đi leo núi để tìm hiểu chứ không phải đi vì tôi thích leo núi.

Cô gái Việt thoát chết ở Nepal: Không bỏ việc nghìn đô chỉ để đi du lịch! 2
"Tôi muốn mở tour leo núi giá rẻ cho người Việt đến Nepal, đó là lý do tôi leo núi để tìm hiểu, không phải vì sở thích", Mỹ Linh chia sẻ.

Dường như sớm phải tự lập từ nhỏ nên bạn mới có đủ sức mạnh và nghị lực vượt qua bao nguy hiểm để sống sót trong trận bão tuyết vừa qua. Không biết vì sao mà bạn lại phải sống xa gia đình từ nhỏ như thế?

Tôi sinh ra ở Huế. Bố mẹ tôi lúc đó là hộ gia đình giàu có nhất trong làng. Năm tôi lên 6 tuổi thì bố tôi làm ăn thất bại nên phải bán hết gia tài để trả nợ. Bố tôi một mình vào Bình Phước khai phá rừng lập nghiệp. Mẹ tôi lúc đó mang thai em gái và sắp sinh. Vì một vài lý do, bà nội và bà ngoại không thể chăm mẹ được. Nên trong 1 tháng mẹ nằm buồng vì mới sinh em gái, tôi phải học cách nấu cháo cho mẹ ăn, giặt tac cho em bé. Anh trai tôi chỉ hơn tôi 2 tuổi mà là con trai quen cảnh sung sướng nên không biết làm gì. Sau 6 tháng đi vào Nam lập nghiệp, bố tôi trở về dự định dẫn mẹ con tôi vào sống cùng bố. Nhưng lúc về bố đi cuốc đất thì gặp tai nạn nổ mìn và bị mù mắt. Mẹ tôi vừa sinh em bé chưa được bao lâu thì phải vào viện chăm chồng. 6 tháng sau khi hồi phục sức khỏe, bố tôi cùng mẹ vào Nam gửi lại tôi và anh trai cho bà nội chăm sóc.

Nhưng lúc đó nội tôi ở với chú, nhà chú lại đông con nên tôi và anh hai tôi sống tại căn nhà cũ của bố mẹ, tự nấu cơm, giặt giũ, tự bảo ban nhau đi học. Mỗi tuần 3 lần bà nội mang thức ăn ra cho anh em tôi. Sau đó nửa năm, anh em tôi chuyển vào sống với ông bà nội. Đến năm tôi lên lớp 4, bố mẹ dẫn tôi và anh trai vào Nam. Nhưng chúng tôi không sống cùng bố mẹ vì bố mẹ trồng điều ở vùng núi xa không có trường học. Bố mẹ dựng cho hai anh em một cái lều tạm bợ bên cạnh nhà một họ hàng xa của mẹ và nhờ họ chăm nom dùm. Sau đó thấy tôi và anh trai cực quá, mẹ đón anh lên ở cùng bố mẹ. Còn tôi thì được gửi về lại Huế để học. Tôi hết sống với bà nội thì chuyển qua sống với chú với bác. Mỗi người tôi ở nhờ một năm. 

Đến năm lớp 8, bố mẹ làm ăn khá giả lại đón tôi vào. Nhưng tôi vẫn không sống cùng bố mẹ. Bố mẹ làm xa, mua miếng đất xây cho tôi một cái nhà nhỏ ở thị xã, tôi ở đó cùng em gái nhỏ lúc đó mới vào học lớp 1 và đảm trách việc bảo ban, chăm sóc em gái. Lên cấp 3, tôi đậu trường chuyên và chuyển vào kí túc xá ở. Lên đại học thì đi ở trọ và sống tự lập đến tận bây giờ.

Cuộc sống như thế hẳn là rất khó khăn, nhất là đối với một cô gái như bạn. Bạn đã vượt qua những ngày tháng đó như thế nào?

Tôi không biết sống một mình thì có khó khăn hay không. Nhưng những hoài niệm đẹp đã giúp tôi thôi nghĩ về khó khăn đời mình. 

Làng tôi ở xã Hương Vân huyện Hương Trà là một làng nghèo. Thời đó vẫn là thời bao cấp. Tôi không biết các bạn cùng lứa tuổi tôi đã có ai ăn cơm độn chưa. Nhưng tôi thì phải ăn nó mỗi ngày. Nội tôi cũng không có khoai lang để mà độn với cơm. Nên tôi phải ăn cơm độn với hột mít. Nhiều lúc ngán quá tôi không ăn nhịn đói đi học đến trường thì xỉu. 

Tôi nhớ lúc tôi và anh hai (đứa 7 tuổi đứa 9 tuổi) tôi sống trong căn nhà cũ của bố mẹ. Mỗi ngày phân chia nhiệm vụ tôi nấu cơm giặt đồ nhưng anh hai phải múc nước vì tôi rất sợ kéo giàu nươc từ giếng lên bởi luôn nghĩ mình sẽ bị ai đó kéo xuống giếng. Hôm đó trời tối rồi, tôi đợi anh hai về múc nước cho tôi nấu cơm nhưng chờ hoài không thấy. Tôi bực quá ra giếng quyết định múc nước và nấu cơm. Nhưng tôi chỉ nấu vừa đủ  cho mình tôi ăn vì tôi bảo anh hai tôi ham chơi thì phải chịu đói. Đến sau khi tôi nấu cơm và ăn xong thì anh hai về. Anh hỏi tôi nấu cơm chưa thì tôi bảo nấu rồi nhưng tôi không nấu phần cho anh vì anh ham chơi. Anh hai tôi chìa hai con cá rô từ sau lưng ra bảo, anh có ham chơi đâu, là anh đi tát cá cho em mà. Đến bây giờ, tôi vẫn không quên những kỉ niệm đẹp ấy.

Cô gái Việt thoát chết ở Nepal: Không bỏ việc nghìn đô chỉ để đi du lịch! 3
Tuổi thở của Linh trải qua nhiều khó khăn và cô phải ăn cơm độn với hột mít, có hôm nhịn đói đến trường đến mức ngất xỉu... Nhưng đới với cô gái này, những kỉ niệm ấy sẽ là một hồi ức đẹp theo mình đến hết cuộc đời.

Khi tôi vào Nam và được gửi về Huế để học, tôi ở với bà nội trong căn nhà cũ của bố mẹ tôi. Nội tôi bị thấp khớp, chân không đi được nên mỗi ngày tôi phải chở nội vượt 15km để đi xuống nhà thầy lang bốc thuốc. Đường xa, dốc mà lúc đó tôi đi xe đạp còn chưa rành. Nhưng tôi vui lắm. Vì mỗi lần đi bốc thuốc về, nội sắc thuốc xong thì tôi được ăn 2 quả táo tàu ở trong thang thuốc. Cuộc sống của tôi có những niềm vui nhỏ như vậy.

Hỏi ngoài lề một chút, sau khi trở về Việt Nam, bạn có nghĩ đến việc lập gia đình không? Người ta thường nói, đàn ông không thích một cô gái quá giỏi giang và khả năng tự lập cao, vì khi đó người phụ nữ ấy không cần một người đàn ông che chở thì họ vẫn sống tốt, bạn nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi còn chưa có bạn trai thì lấy gì mà lập gia đình (cười lớn). Với tôi, tình yêu phải trải qua một thời gian dài tìm hiểu nhau, tôi không thích sống vội, yêu vội vì cái gì có vội thì cũng mất vội.

Tôi không hiểu sao đàn ông lại sợ phụ nữ tự lập hoặc phụ nữ quá giỏi giang. Vì nếu thì có nghĩa đàn ông không tự tin vào bản thân họ nên mới sợ. Tôi chẳng giỏi giang gì. Nhưng khi yêu ai đó, tôi cố gắng hoàn thiện bản thân mình để xứng đáng với họ. Như ngày xưa tôi thích một anh, anh bảo thích con gái biết đàn thì tôi đi học đàn, thích con gái biết mặc váy mang giày cao gót thì tôi tập mặc váy mang giày cao gót. Anh này chê tôi là sinh viên thì tôi quyết tâm xin được việc lương cao dù đang là sinh viên. Mọi người bảo, sao tôi... dại trai, làm mọi thứ vì trai. Tôi thấy tôi không dại, vì tôi thay đổi bản thân mình theo chiều hướng tốt hơn, tôi hoàn thiện bản thân mình.

Cô gái Việt thoát chết ở Nepal: Không bỏ việc nghìn đô chỉ để đi du lịch! 4
Mỹ Linh không hiểu sao đàn ông lại e ngại phụ nữ tự lập và giỏi giang.

Có nhiều cách để người ta cải thiện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh nhưng bạn lại chọn cách bỏ cả sự nghiệp để đi… du lịch, các đồng nghiệp khi ấy có ngăn cản bạn không?

Họ có biết tôi đi để học tiếng Anh đâu. Họ chỉ nghĩ tôi chán nản công việc thì bỏ đi du lịch thôi nên chẳng ai cản gì. Đúng là tôi chán công việc thật. Nhưng tôi đi thì phải có mục đích chứ không vì chán mà đi bừa. Đi bừa như thế tôi tiếc tiền lắm. Tháng 12 này tôi về Việt Nam, chưa biết sẽ làm gì. Thấy công việc nào phù hợp thì tôi sẽ nộp đơn vào. Người ta dám tuyển tôi, thì tôi dám làm thôi.

Chị sẽ quay lại Nepal vào một dịp khác chứ?


Chắc là có. Vì đây là đất nước sinh ra cuộc đời thứ 2 của tôi. Nhưng chưa biết là khi nào thôi.

Cảm ơn Mỹ Linh về cuộc trò chuyện này. Chúc bạn luôn thành công trong cuộc sống.