Sản phụ là Nguyễn Thị Vinh, 21 tuổi, vừa tốt nghiệp trường Trung cấp mầm non, quê ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Theo lời kể của bệnh nhân, trước khi nhập viện BV Phụ sản Trung ương, tối 4/9, sản phụ cảm thấy bụng dưới đau tức âm ỉ nên vào bệnh viện huyện để khám, tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Cảm thấy không yên tâm, 23 giờ cùng ngày, sản phụ đã nhập BV Phụ sản Trung ương.

Cứu sống một sản phụ bị tắc mạch ối, băng huyết nguy kịch 1
BS Vũ Bá Quyết - Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương: Với bệnh lý tắc mạch ối, 99% là không cứu được.

Theo hồ sơ bệnh án, sản phụ Vinh nhập viện khi thai nhi được 36 tuần tuổi, tới 8 giờ sáng 5/9, sản phụ Vinh được chuyển vào phòng đẻ, sau khi thăm khám cho kết quả hoàn toàn bình thường và xác định cổ tử cung mở hơn 3 phân, nước ối bắt đầu vỡ. “Ngay lúc nước ối vỡ, em không hề biết chuyện gì nữa” – sản phụ Nguyễn Thị Vinh nhớ lại.

Cứu sống một sản phụ bị tắc mạch ối, băng huyết nguy kịch 2
  Đến bây giờ, em vẫn chưa tin là em từ cõi chết trở về. Em và gia đình chỉ biết nói lời cảm ơn tới các y bác sĩ đã hết lòng vì mẹ con em.

BS Vũ Bá Quyết – Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, người trực tiếp mổ cho sản phụ Vinh cho biết: "Bệnh nhân chuyển dạ sau 7 tiếng nhập viện, nhưng khi nước ối vỡ, ngay lập tức bệnh nhân rơi vào trạng thái khó thở, tím tái, rét run, hôn mê, chảy máu rất nhiều. Đây là biểu hiện rất điển hình của tai biến thuyên tắc ối (tắc mạch ối).

Cứu sống một sản phụ bị tắc mạch ối, băng huyết nguy kịch 3
Sau 9 ngày "xa cách", 18 giờ, ngày 14/9, bé Nguyễn Thị Nhi đã trở về với vòng tay bố mẹ.

Rất nhiều bác sĩ, gồm cả bác sĩ gây mê hồi sức tại phòng đẻ, lập tức đặt forceps lấy cháu bé ra ngoài. Cháu bé lúc đó đã bắt đầu suy thai nhưng vẫn cứu được. Còn mẹ được chuyển ngay lên phòng mổ, bệnh nhân lúc đó không còn biết gì, chúng tôi đã đặt ống phế quản. Với điều kiện sẵn ngân hàng máu, chúng tôi ngay lập tức truyền 3 đường truyền máu hồi sức.

Bệnh lý tắc mạch ối gây ra rối loạn đông máu. Lúc đó, nhìn đâu chúng tôi cũng thấy máu chảy xối xả, ở cả họng, cả dạ dày, đặc biệt ở đường âm đạo, máu chảy như suối. Cùng với các bác sĩ hồi sức có kinh nghiệm, ngay lập tức ekip mở ổ bụng, thắt động mạch hạ vị, thắt động mạch tử cung để bệnh nhân đỡ nguồn cung cấp máu, tiếp tục hồi sức truyền máu cho bệnh nhân. Tổng lượng truyền máu là 32 bịch máu, tương đương 8 lít máu".

“Sau một đêm nỗ lực truyền máu, nhưng vì nước ối đã vào trong máu, gây rối loạn đông máu, sốc phản vệ, nên ngày hôm sau (6/9), chúng tôi đã mời các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực của BV Bạch Mai và khoa Hồi sức của BV Việt Đức sang cùng hội chẩn và cùng thống nhất phác đồ điều trị. Quả thực, nếu không có những kỹ thuật hiện đại của hai bệnh viện này thì bệnh nhân chắc chắn không thể được cứu sống” - BS Vũ Bá Quyết nhớ lại.

Tới ngày 9/9, khi em tỉnh dậy, em chỉ nghe các bác sĩ tại BV Việt Đức nói với em và người nhà em, là em đã từ cõi chết trở về. Em không rõ về bệnh lý của mình và chuyện gì đã xảy ra, còn không nhớ em sinh con lúc nào! Các bác sĩ cũng cho biết: Hàng trăm, hàng nghìn người bị như em mới cứu được một người thôi! Hi hữu lắm! Dù chưa biết vị bác sĩ nào đã cứu em, nhưng em và gia đình đúng là chỉ biết nói lời cảm ơn các bác sĩ, cảm ơn trời đất!” – bệnh nhân Vinh xúc động nói.

“Khi nước ối vỡ, cơn co tử cung áp lực cao nhất, một cơ chế nào đó người ta không lý giải được nước ối đã trào vào máu, bệnh nhân ngay lập tức bị sốc phản vệ giống như chúng ta tiêm một liều thuốc độc vào người, người sẽ bị sốt, rét run, vã mồ hôi, tím tái, khó thở, bệnh nhân hầu như không biết gì ngay. Diễn biến này xảy ra rất nhanh chóng, 99% là không cứu được” – BS Vũ Bá Quyết thông tin thêm.

Các bác sĩ cũng cho biết, đến nay, sản phụ ăn uống, ngủ nghỉ bình thường, hoàn toàn tỉnh táo, vết mổ tốt, các chỉ số máu, sinh hóa trở về bình thường. Sau 9 ngày “xa cách”, 18 giờ ngày 14/9, sản phụ Nguyễn Thị Vinh và gia đình đã được đón bé Nguyễn Thị Nhi trở về.