Đàn ông nghe “tai” nào?
Như cách ví von của nhà văn Trang Hạ thì thực tình những con lợn chỉ ăn – tắm – ngủ đợi đến ngày để xuất chuồng. Điều này đúng. Và tất nhiên nhiệm vụ của những con lợn chỉ từng đó. Nhưng cách ví von “chua ngoa” này lại khiến cánh đàn ông muốn “nổi khùng” lên.
Theo quan điểm của nhà thơ trẻ Trương Xuân Thiên (36 tuổi – đã lập gia đình và có 1 bé gái):“Tôi cứ nghĩ một gia đình có người vợ suy nghĩ như Trang Hạ và người chồng suy nghĩ như Lê Hoàng chắc chắn bát đũa mốc meo, nhà cửa nhếch nhác, cãi nhau suốt ngày. Tôi biết Trang Hạ quan điểm nhìn qua tưởng tiến bộ nhưng thực sự là lạc hậu. Trang Hạ nghĩ bình đẳng giới là nam nữ như nhau”. Và “chút ngôn từ uốn éo của Lê Hoàng thì chỉ có tính chất... mua vui thôi, nó chẳng có mấy ý nghĩa. Nhưng tôi thực sự thấy buồn khi Trang Hạ gọi đàn ông là con lợn…”.
"Tôi thực sự thấy buồn khi Trang Hạ gọi đàn ông là con lợn"
Quan điểm tiến bộ thực sự thì bình đẳng giới là trả người đàn ông và phụ nữ về được làm đúng công việc phù hợp với thiên chức của họ. Xã hội từ ngàn xưa đã phân công đàn ông săn bắn, đàn bà hái lượm. Điều đó không có nghĩa đàn bà không "săn bắn", đàn ông không "hái lượm".
Anh Thiên cho biết thêm “Nhưng tôi đoán chắc rằng đàn ông dù có làm việc nhà giỏi đến đâu thì cũng không thể khiến gia đình trở nên hạnh phúc. Đàn bà có làm công tác xã hội giỏi đến đâu cũng không chắc giữ được mái ấm gia đình. Các cụ dạy "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", điều đó luôn đúng, không phải nó cổ hủ đâu, mà các cụ rất hiện đại, các cụ không nghĩ bình đẳng giới đơn giản là cào bằng công việc gia đình mà các cụ dạy con cháu làm công việc phù hợp nhất với thiên chức của mình. Tất nhiên sẽ là tuyệt vời nếu cả 2 vợ chồng cùng dựng nhà, cùng xây tổ ấm, cùng chia sẻ công việc nhà với một sự cảm thông, tự nguyện và thấu hiểu thật sự”.
Nhưng với nhà thơ trẻ Đoàn Văn Mật (35 tuổi - Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội) lại cho rằng “Trang Hạ phát ngôn về đàn ông là quan điểm của cá nhân cô ấy còn hiểu như thế nào, hiểu đúng ý đồ của cô ấy hay hiểu lệch thì lại phụ thuộc vào đối tượng người nghe”.
Có chăng, cô ấy gây sốc là ở cách ví von hơi “bạo miệng” thôi”
Và Đoàn Văn Mật cũng không khỏi đồng tình “Cá nhân tôi thì hiểu câu nói đó theo ý phê phán những người đàn ông về nhà không biết chia sẻ công việc gia đình, không biết thu vén gia đình mà chỉ biết đến bản thân. “khác gì con lợn” – có ý mỉa mai cái sự không biết tư duy, lo lắng, quan tâm đến người khác. Thực ra nếu nghĩ thoáng ra một chút thì tôi không thấy câu nói trên xúc phạm nặng nề gì đến đàn ông cả. Có chăng, cô ấy gây sốc là ở cách ví von hơi “bạo miệng” thôi”.
Với Đức, lấy được người vợ ngoan hiền sẽ... rửa bát thay vợ cả năm
Tuy nhiên, đó là quan điểm của hai người đàn ông đã có vợ, còn với nhiếp ảnh trẻ Nguyễn Đức cho rằng “Tôi thấy quan điểm trên không đúng lắm và điều đó chắc chắn đụng chạm đến lòng tự ái của nhiều người đàn ông. Rửa bát, nấu cơm, giặt giũ và chia sẻ công việc gia đình với vợ không phải là nghĩa vụ của vợ hay chồng, cái quan trọng là điều này sẽ mang lại gì? Sự gắn kết, hạnh phúc, niềm vui? Nếu sau này tôi lấy vợ mà có được 3 điều đó có lẽ tôi sẽ rửa bát thay vợ cả năm ấy chứ”.
Chị em có muốn đàn ông chỉ: giặt giũ – nấu cơm – đi chợ - rửa bát?
Câu chuyện đàn ông xây nhà – đàn bà xây tổ ấm xưa nay dường như chưa thực sự đúng trong thời đại bây giờ. Và câu chuyện của Trang Hạ về “đàn ông và con lợn” cũng quả thực chẳng “ngoa” chút nào.
Và nhiều người đã thử hỏi rằng: Nếu đổi vị trí cho nhau, đàn ông sẽ chỉ ở nhà nấu cơm, giặt giũ, rửa bát, chăm sóc con, thậm chí “cho con bú” và đàn bà sẽ gây dựng cơ nghiệp, bôn ba khắp chốn sẽ như thế nào? Thế chắc sẽ loạn, loạn hết.
Nhưng thực tế chuyện gây dựng cơ nghiệp, cuộc sống, gia đình đều do hai vợ chồng gánh vác, chung tay chứ không riêng gì đàn ông. “Đàn ông về nhà chỉ có ăn – tắm – ngủ thì khác gì con lợn” cũng chẳng sai chút nào. Vậy, đàn ông phải làm gì để không bị các chị em quy chụp thành lợn?
Anh Lê Hải Quân (Giảng viên trường CĐ Nghề Trung Ương I) nhận định “Trọng trách của người đàn ông phải là trụ cột của gia đình, lo và xây dựng kinh tế. Nhưng nếu chỉ như thế thôi chưa đủ mà một người đàn ông phải quan tâm, chia sẻ và gánh vác cùng người vợ những công việc trong gia đình. Nói như đạo diễn Lê Hoàng cũng không sai khi ví von “đàn bà nên mặc bikini vào bếp” bởi khi đó sẽ tạo sự hấp dẫn cho đàn ông. Mà thật ra chiếc bikini mà Lê Hoàng nhắc đến chính là sự khéo léo, nết na, thùy mị, đảm đang của người vợ để kéo người chồng san sẻ các công việc bếp núc…”
Với anh Mật lại cho rằng: “Chia sẻ công việc nhà với vợ là việc mà người đàn ông nên làm. Tôi cho rằng, sự mạnh mẽ của người đàn ông không nhất thiết bó buộc trong những việc làm lớn lao, cần sức mạnh lớn về cơ bắp, trí tuệ… mà đôi khi, sự tinh tế, chở che của phái mạnh đối với người phụ nữ lại xuất phát từ những công việc bình thường như: nấu cơm, rửa bát… Chia sẻ việc nhà cũng là cách để cộng hưởng vào hạnh phúc gia đình, để hiểu nhau hơn”.
Chắc chắn câu chuyện xung quanh điều này vẫn chưa có điểm dừng, và mỗi người đều có nhiều ý kiến để bảo vệ quan điểm riêng của mình.