Giá rau rẻ, người mua vẫn thưa thớt

Trước cà chua 15.000 đồng/ cân thì giờ từ 8000 đồng/cân, trước Tết su hào 5000 đồng/củ thì giờ 3000 đồng/củ, thậm chí nhiều nơi bán 10.000 đồng/ 5 củ, rau cải cúc trước Tết là 4000 đồng/mớ thì giờ là 2000 đồng/mớ, dứa 6000 đồng/quả to, hành lá 10000 đồng/cân, rau cần 7000 đồng/mớ to. 

Lý giải cho điều này, chị Hồng Nga – tiểu thương buôn bán rau xanh tại chợ Hàng Bè chia sẻ: “Nhà tôi mở hàng từ sáng mùng 1 nhưng quả thực người bán thì nhiều mà người mua lại ít, có thể chị em bận đi chùa đầu năm, hoặc cũng có thể do gia đình tích trữ rau trước Tết, tâm lý sợ giá thực phẩm sau Tết tăng. Tôi thấy chưa Tết nào rau lại rẻ như năm nay”. 

Đi chợ mùng 6 Tết: Người tiêu dùng sung sướng vì “giá rau rẻ bèo” 1
Trái ngược với tình trạng đội giá như trước Tết Giáp Ngọ của một số mặt hàng tại vài nơi, tình trạng này chưa xảy ra sau Tết (Ảnh: Nhã Đan)

Chị Phan Lưu Ly, trú tại phố Liễu Giai cho biết: “Đến ngày mùng 6 mình mới đi chợ, phần vì trước Tết mình đã chuẩn bị đồ ăn khá nhiều, phần vì ngại đi chợ những ngày đầu năm sợ đắt. Thế nhưng thật bất ngờ khi thực phẩm lại chẳng tăng giá. Mình mua rau cải xanh, cải cúc, rau cần về nấu lẩu. Mua mỗi loại mấy mớ vậy mà chỉ có 40.000 đồng. Không chỉ rẻ mà rau còn rất tươi, vừa hái chứ không phải rau trước Tết”.

Chị Mai Ngọc, trú tại Hàng Trống cũng tỏ vẻ bất ngờ: “Các năm trước là chị em chúng tôi ‘xác định’ tinh thần tăng giá thực phẩm sau Tết nhưng năm nay giá cả lại rất ổn định”. 

Bên cạnh giá rau củ giảm mạnh, giá hải hải có phần nhỉnh hơn một chút trong  những ngày cuối của Tết. Cụ thể, tôm sú 500.000 đồng/cân, nhỉnh hơn trước Tết 20.000 đồng/cân, cá chép 85.000 đồng/cân, ngao 35.000 đồng/cân.

Đi chợ mùng 6 Tết: Người tiêu dùng sung sướng vì “giá rau rẻ bèo” 2
(Ảnh: Nhã Đan)

Chị Phượng - một tiểu thương bán hải sản cho biết: “Giá các loại thủy sản cũng có tăng nhẹ nhưng tôi thấy chưa năm nào sức mua lại yếu như năm nay. Bình thường như mọi năm, sau một đợt nghỉ ăn toàn đồ bánh chưng, thịt mỡ, mọi người có xu hướng tìm tới rau xanh và hải sản để đổi món nhưng dường như  kinh tế khó khăn nên người mua cũng dè chừng, ít người chi mạnh cho những bữa ăn”.

Chị còn nói thêm: “Thời điểm này năm ngoái, sáng sớm tôi mở hàng thì tới 11 giờ trưa là hết hàng còn giờ, ngồi bán cả ngày chẳng được 5 giao dịch”.

Thịt bò cũng nhỉnh giá hơn trước Tết đôi chút. Giá thịt bò đang ở mức giá từ 260.000-270.000 đồng/kg; thịt bò bắp trước Tết là 280.000 đồng thì giờ là 300.000 đồng/cân. Thịt lợn có giá từ 100.000-130.000 đồng/kg. Thịt gà giảm từ 160.000 đồng/kg xuống còn 120.000 đồng/kg.

Cửa hàng, cửa hiệu mở hàng ngày đẹp

Nhiều nơi chọn mùng 6 Tết để khai trương. Trên các tuyến phố thời trang nhộn nhịp của Hà Nội như Hàng Bông, Hàng Đào, Bà Triệu,... có nhiều cửa hàng đã chọn ngày hôm nay là ngày đẹp để mở hàng, khai trương. 

Chị Huỳnh Trang – chủ một shop thời trang nam ở phố Hàng Bông chia sẻ: “Ngày mùng 6 hôm nay khá hợp với tuổi tôi, lại là một ngày đẹp trời nên tôi đã quyết định mở hàng trong ngày hôm nay. Thêm vào đó, từ ngày nghỉ Tết trước, nhiều khách hàng thân thiết hay í ới hỏi bao giờ mở hàng để ra mua sắm nên tôi cũng quyết mở luôn hôm nay để phục vụ khách hàng”.

Giá cả xe khách nhìn chung ổn định

Chiều tối ngày 4/2 – mùng 5 Tết, hàng nghìn người từ các tỉnh đã bắt xe khách quay trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết dài. UBND thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn về việc bình ổn giá vé đi xe trong dịp Tết Nguyên đán và dịp lễ hội xuân Giáp Ngọ 2014. Dường như vì lý do đó khiến giá cả của những chuyến đi trên xe khách cũng không biến động. 

Đi chợ mùng 6 Tết: Người tiêu dùng sung sướng vì “giá rau rẻ bèo” 3
Chiều tối ngày 4/2 – mùng 5 Tết, hàng nghìn người từ các tỉnh đã bắt xe khách quay trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết dài (Ảnh: Nguyễn Lợi)

Anh Tất Lợi, quê ở Sơn La cho biết: “Năm nay giá cả chuyến xe khách rất ổn định. Vượt qua 300km, tôi chỉ cần trả phí như trong thông báo, cước phí là 220.000 đồng/lượt/người”. 

Chị Như Uyên, quê ở Hải Phòng cho hay: “Như mọi năm, chiều mùng 5 Tết, tôi sẽ từ biệt gia đình để ra Hà Nội sắp xếp, thu dọn để chuẩn bị công việc cho năm mới, thêm nữa ra hôm đó sẽ vắng hơn, ra Hà Nội muộn hơn là mệt với biển người. Tôi biết có nhiều hãng xe dù ‘chặt chém’ đẹp trong dịp Tết nhất và đương nhiên, tôi không chọn phương án đó. Tôi thường chọn xe khách chất lượng cao và uy tín. Chi phí chiều Hải Phòng – Hà Nội không đắt hơn chút nào, vẫn là 80.000 đồng như mọi khi”.

Đi chợ mùng 6 Tết: Người tiêu dùng sung sướng vì “giá rau rẻ bèo” 4
(Ảnh: Nguyễn Lợi)

Qua khảo sát của nhóm phóng viên chúng tôi, tuyến Thái Bình – Hà Nội có giá 80.000 đồng/người/lượt, Thanh Hóa – Hà Nội có giá 140.000 đồng/người/lượt. 

Tuy nhiên, tuy giá ổn định song nhiều xe khách vẫn có tâm lý “nhồi nhét” khách, có những xe chỉ có 40 ghế nhưng nhà xe cố thêm phải tới hàng trăm khách trên một chuyến xe. 

Vì vậy, một lưu ý cần thiết cho bất kỳ ai khi đi xe khách đó là cần tìm hiểu và lựa chọn hãng xe có uy tín, chất lượng để tham gia hành trình. 

Đi chợ mùng 6 Tết: Người tiêu dùng sung sướng vì “giá rau rẻ bèo” 5
(Ảnh: Nguyễn Lợi)



Tranh thủ những ngày nghỉ Tết và lấy cớ “bạn được nghỉ, vui chơi còn tôi hi sinh, phục vụ”, nhiều quán ăn vỉa hè mọc lên như nấm và tăng giá "ầm ầm". Sau khi "thưởng thức", thực khách nào cũng bấm bụng "thôi lỡ mất rồi".

Đi chợ mùng 6 Tết: Người tiêu dùng sung sướng vì “giá rau rẻ bèo” 6