Nhưng "dù ăn rau, ăn cháo tôi cũng sẽ cố gắng cho các con ăn học," chị Trịnh Thị Báu, thôn Hạnh Phúc, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá) tâm sự.
Lập gia đình từ năm 1984, trải qua nhiều đau khổ khi những đứa con sinh ra cứ bỏ cha mẹ mà đi khi chỉ mới được vài tháng. Nỗi buồn này chưa qua, bất hạnh khác đã ập đến. Năm 1990, chồng chị là anh Phùng Sĩ Sơn bị kẻ xấu đánh trọng thương trên đường lúc từ chỗ làm về. Do bị đánh vào đầu và bị thương nặng nên anh bị ảnh hưởng tới thần kinh. Chị đã đưa chồng đi chạy chữa khắp nơi. nhưng bệnh tình của anh không thuyên giảm mà còn nặng thêm.
Ngoài đi học, Hiền phụ giúp mẹ công việc gia đình và chỉ bảo các em học hành
Những ngày thường thì không sao, nhưng cứ hễ trái gió trở trời bệnh tình lại hành hạ, anh không còn nhận biết được gì chỉ la hét, đập phá rồi bỏ đi lang thang. Hoàn cảnh gia đình đã khó khăn lại càng cơ cực hơn, mọi gánh nặng đều đè nặng lên đôi vai chị.
Rồi ông trời cũng mủi lòng thương người đàn bà bất hạnh nhưng chịu thương chịu khó này, khi mang đến cho chị 5 người con khỏe mạnh kể từ năm 1991.
Thành tích học tập của các con là nguồn động viên, an ủi chị Báu trong cuộc sống
Nhưng có con chị lại vất vả hơn gấp trăm lần, gia đình 8 miệng ăn đều một tay chị lo toan. Chồng bệnh tật không làm được gì, các con đang tuổi ăn tuổi học và người mẹ gần 90 tuổi mù loà, đau ốm quanh năm.
Công việc nặng nhọc như thế nào chị cũng làm, khi thì chạy chợ bán con gà, lúc rảnh rỗi chị đi gánh đất, gánh gạch thuê... nhặt nhạnh từng đồng để có tiền nuôi sống gia đình.
Năm 2006, do bệnh tình ngày một nặng, anh Sơn qua đời để lại nỗi đau thương cho vợ con. Chị Báu chia sẻ rằng, chồng đau yếu nhưng dù sao những lúc tỉnh táo vẫn còn có anh bên cạnh sẻ chia, động viên. Giờ thì “nhiều lúc tôi đã chết lặng đi, nhưng rồi trước các con còn thơ dại, tôi biết mình vẫn phải sống để lo cho các con.”
Vất vả cực nhọc là thế, nhưng chị Báu được an ủi phần nào vì các con đều rất ngoan và học giỏi. Thu - cô con đầu của chị hiện là sinh viên ngoại ngữ năm thứ 2 Đại học Huế. Kỳ nào Thu cũng được học bổng.
Em kế tiếp là Hiền giờ vừa lo chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp và kỳ thi đại học sắp tới. Em Lương vào lớp 8, năm nào cũng đạt học sinh giỏi, hiện tại em đang chuẩn bị đi thi học sinh giỏi môn Văn cấp huyện. Em Linh học lớp 7, noi gương các anh chị, năm nào em cũng đạt học sinh tiên tiến. Em út Hiếu năm nay đã học lớp 3. Các em đều rất ngoan và hoà thuận, luôn bảo nhau cùng cố gắng học tập và giúp đỡ mẹ.
Khi mẹ đi vắng nhà, chị đi học xa, Hiền lo việc nhà và chỉ bảo các em học hành. Khi được hỏi về mơ ước, Hiền chia sẻ: “Em muốn mình sẽ trở thành một doanh nhân để kiếm thật nhiều tiền giúp mẹ nuôi các em ăn học.”
Nghe con nói, chị Báu bật khóc, thương cho các con và người mẹ già bệnh tật. Cuộc sống quá vất vả, không biết chị có thể nuôi các con ăn học đầy đủ để chúng thực hiện ước mơ của mình hay không.
Hàng ngày, một tay chị Báu lao động nuôi mẹ già và các con ăn học
Hàng xóm láng giềng thương cho hoàn cảnh gia đình chị nên cũng thường giúp đỡ. “Chị ấy khổ lắm, khổ từ lúc trẻ tới giờ, một thân một mình nuôi chồng nuôi con. Tôi là đàn ông nhưng tôi cũng phải khâm phục chị Báu. Tôi mà chịu cảnh như chị chẳng biết tôi có lo được không,” anh Ly hàng xóm chia sẻ.
Ngoài 180.000đ/tháng tiền trợ cấp tuổi già của người mẹ chồng, những chi tiêu còn lại chị đều do chị đôn đáo chạy chợ và làm thêm khắp nơi, nhưng cũng không đủ trang trải cho cuộc sống của cả gia đình. Dẫu thế, chị vẫn quyết tâm để các con được học hành đến nơi đến chốn.
Bày tỏ với chúng tôi lúc chia tay, chị nói chỉ mong ước một điều là có sức khỏe để có thể lo cho mẹ già và các con tiếp tục ăn học.