Một số phạm nhân trẻ, tuổi đời chỉ hơn 20 mà chúng tôi gặp tại trại giam Thủ Đức đều gây án chỉ vì ganh ghét, cần tiền đi vũ trường, bị “cướp bồ”... Phần lớn cho biết lúc đó chẳng hề suy nghĩ gì, chỉ làm cho bõ tức.

Giết cả bạn thân

“Lúc cầm dao đâm bạn, em chỉ nghĩ cho bõ tức chứ không hề lo hậu quả về sau. Bây giờ em hối hận, muốn làm lại từ đầu nhưng khi nghĩ đến chuyện ra tù quay trở lại cuộc sống bình thường sao thấy khó quá” - H.T.T., nữ phạm nhân quê Đồng Nai, đang thụ án tại trại giam Thủ Đức (Bình Thuận), vừa nói vừa nức nở.

Chuyện của H.T.T. khiến nhiều người lạnh lưng vì mức độ dã man của hành vi phạm tội. Cả hai chơi với nhau từ nhỏ, coi nhau như chị em dù “mẹ cấm em chơi với bạn đó vì sợ em bị lôi kéo, dụ dỗ vào việc ăn chơi, đua đòi rồi hư hỏng”. H.T.T. kể: “Trong nhóm chơi có bạn bỏ học rồi hút chích nhưng em thấy không sao. Mẹ càng cấm đoán em càng muốn bung khỏi gia đình để theo bạn bè” - H.T.T. cho biết. Cho đến một ngày T. phát hiện người bạn thân thường xuyên “cướp” người yêu của mình, lại hay đi nói xấu mình với bạn bè nhưng rồi cũng bỏ qua, “thôi kệ”.

Tới lúc “chịu hết nổi”, trong một lần nạn nhân đến nhà T. chơi, T. bỗng dưng uất ức, sẵn dao đâm hàng chục nhát vào người bạn. Sau khi giết bạn, T. nói mình không sợ gì cả, bình tĩnh tìm cách phi tang. “Lúc đó em thấy nó chết là đáng. Phải mất một năm sau đó em mới thấy ghê tởm hành vi của mình”, T. cho biết. T. bị kết án 18 năm tù giam và mới vào trại giam hơn ba năm.


Hung thủ dưới 18 tuổi bị kết án 18 năm tù vì giết người.

Cũng giống T., N.T.P. (TP.HCM) bị kết án 18 năm tù vì tội giết người và nạn nhân chính là bạn thân chung lớp, chung nhóm. Gặp chúng tôi, P. mang cặp kính cận, ngồi thu mình lại, tiếng nói xen lẫn tiếng nấc khi nói về câu chuyện của mình dù đã xảy ra chín năm. “Em luôn đạt học lực khá, chưa bao giờ bỏ học nhưng chỉ ham chơi, tối nào cũng đi chơi với bạn bè dù bố mẹ ngăn cấm. Đặc biệt em thích được đi vũ trường”, P. kể.

Mỗi đêm ở vũ trường, cả nhóm đốt tiền triệu và đến khi không còn tiền để tiêu xài vì bố mẹ không cho thì P. nghĩ đến chuyện cướp xe. Cộng thêm với việc ghét nạn nhân học giỏi hơn và có vài lần xích mích nên P. chủ động đến nhà nạn nhân, giết người với ý định cướp xe bán lấy tiền tiêu xài. Giết bạn xong P. bị phát hiện và bị bắt ngay sau đó. “Lúc giết bạn em chỉ nghĩ để cướp xe và vì ghét con nhỏ đó nên ra tay. Nhưng sau đó em thấy mình đã sai, đã đi quá giới hạn và phải trả giá cho hành vi của mình” - P. vừa nói vừa khóc.

Mở lối trở về

Có hàng chục phạm nhân trẻ tuổi đang thụ án tại trại giam Thủ Đức với nhiều hành vi phạm tội khác nhau, từ giết người, cướp của, trộm cắp, cố ý gây thương tích... Trong đó, những phạm nhân phạm tội giết người hay cố ý gây thương tích thường xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ, lặt vặt như ghen ghét nhưng lại thực hiện hành vi dã man khi giết nạn nhân.

Trung tá Lê Văn Thương - đội trưởng đội giáo dục trại giam - cho biết: “Phần lớn các em có hoàn cảnh giống nhau: bố mẹ không quan tâm con cái vì chỉ lo làm ăn hoặc bố mẹ ly hôn, các em thiếu tình thương gia đình. Các phạm nhân hay ăn chơi đua đòi với bạn bè, đến khi thiếu tiền bạc nghĩ đến chuyện phạm tội để kiếm tiền là hai nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phạm pháp của người trẻ.

Vào đây các phạm nhân trẻ cũng đã nhận lỗi, ân hận về những việc mình đã làm, nhưng điều quan trọng hơn là sau khi hết án, về hòa nhập sẽ rất khó khăn nếu gia đình không gần gũi, động viên, xã hội xa lánh, kỳ thị. Tránh được những điều đó thì các em mới có thể hòa nhập tốt với cộng đồng”.

Ở trong trại, việc N.T.P. thích nhất là đọc sách. Mỗi lần được phép lên thư viện, P. lại mượn thật nhiều sách mang về đọc, những câu chuyện có ý nghĩa, những lời hay ý đẹp P. đều ghi chép đầy đủ trong cuốn sổ tay của mình. “Em biết mình đã sai, biết sai ngay sau khi giết người. Nhưng em còn có gia đình, có tương lai phía trước. Em xem cuốn sổ tay và những ghi chép ở đây như vốn liếng để mình làm lại cuộc đời, sống thật có ích sau những ngày tháng lầm lỗi” - P. bộc bạch.

Một số phạm nhân trẻ khác cho biết đang cố gắng học nghề may, mộc, xây dựng và cả học văn hóa để chuẩn bị hòa nhập lại cộng đồng, cho dù ngày đó gần hay còn xa.

Ngày 07/09 vừa qua, luật sư Nguyễn Bá Ngọc – Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên số 1 tỉnh Bắc Giang được chỉ định bào chữa cho đối tượng Lê Văn Luyện. Theo luật sư Ngọc, dù pháp luật nếu luật có được sửa đổi, bổ sung thêm hình phạt tử hình đối với những trường hợp phạm tội dưới 18 tuổi thì cũng không áp dụng cho trường hợp Lê Văn Luyện, vì quy định của pháp luật luôn áp dụng những điều mới có lợi cho bị cáo, dẫn nguồn báo Tiền phong.