Có thể tăng 34 đồng/kWh
Đến tháng 1.2014, EVN cho biết, đã tính toán giá thành điện thực hiện năm 2013 và lộ trình điều chỉnh giá điện năm 2014 để trình Bộ Công Thương và Chính phủ phê duyệt. Theo đó, năm 2014, EVN đặt mục tiêu toàn tập đoàn sản xuất kinh doanh điện có lãi và giá bán điện bình quân năm 2014 tăng lên 1.533,09 đồng/kWh.
Như vậy, giá điện năm 2014 sẽ tăng thêm ít nhất 34 đồng/kWh. Nếu tính trên tổng sản lượng điện thương phẩm trong năm 2014 dự kiến đạt 126,5 tỷ kWh, EVN sẽ có thêm hơn 4.300 tỷ đồng doanh thu nhờ việc tăng giá điện. Cùng với đó, EVN cũng đặt mục tiêu trả nợ gốc và lãi vay gần 33.000 tỷ đồng trong năm 2014.
Thực tế, với giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2012 là 1.322,55 đồng/kWh, trong khi giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.364,31 đồng/kWh, EVN đã lãi 41,76 đồng/kWh. Theo báo cáo của EVN, giá bán điện bình quân toàn EVN năm 2013 ước đạt 1.498,8 đồng/kWh, tăng 134,5 đồng/kWh so với năm 2012. Doanh thu bán điện EVN năm 2013 ước đạt 172.000 tỷ đồng, tăng 19,85% so với năm 2012.
Như vậy, mặc dù có lãi trong 2 năm qua song EVN vẫn tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho điều chỉnh tăng giá bán điện. Thời gian qua, EVN đã có lãi nhờ liên tục tăng giá điện. Trung bình mỗi kWh, EVN đã lãi 41,76 đồng/kWh.
Kết quả kiểm toán vừa công bố trong năm 2012, EVN kinh doanh lãi 4.404,63 tỷ đồng. Năm 2012, giá điện đã tăng 2 lần, mỗi lần tăng 5%. Trong đó, giá bán điện bình quân được phê duyệt tăng đều cao hơn giá thành điện. Ví dụ, giá bình quân ngày 1.7.2012 là 1.369 đồng/kWh, giá bình quân ngày 22.12.2012 là 1.437 đồng/kWh.
Năm 2013, giá bán điện lại tăng hơn 134 đồng/kWh so với năm 2012, lên mức bình quân hơn 1.498 đồng/kWh, khiến doanh thu bán điện năm qua tăng gần 20% so với năm 2012, ước đạt gần 172.500 tỷ đồng. Năm 2013, EVN đạt mức lãi 120 tỷ đồng cũng là nhờ tăng giá điện.
Tăng giá là để... có đủ điện?!
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc tính giá điện theo giá thị trường là đúng, nhưng muốn có giá thị trường thì phải có thị trường cạnh tranh, giá thị trường phải hình thành trên thị trường và theo thị trường. Ngành điện phải làm rõ thêm những vấn đề này trước khi tính toán tiếp việc tăng giá điện. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì đặt câu hỏi: Tại sao EVN có lãi mà vẫn xin tăng giá điện và giá bán điện lại không giảm, vậy thị trường ở đây được hiểu như thế nào?
Lý giải cho vấn đề này, ông Đinh Quang Tri- Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, mặc dù liên tiếp có lãi song về kết quả sản xuất kinh doanh điện nói chung, lũy kế đến ngày 31.12.2012, EVN vẫn lỗ 19.877,76 tỷ đồng, bao gồm cả lỗ kinh doanh điện và các khoản chi phí chưa hạch toán vào giá thành điện. Các khoản lỗ của ngành điện Chính phủ đã cho phép EVN được hạch toán dần cho đến năm 2015, trong đó có cả thông qua việc tăng giá điện.
"Rõ ràng lãi của ngành điện trong 2 năm 2012 và 2013 không phải do EVN đã kinh doanh tốt hơn mà chủ yếu là do tăng giá bán điện"- chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận.
Thực tế, theo bà Lan tăng trưởng điện thời gian qua thấp, nhưng tăng về doanh thu của EVN vẫn cao chủ yếu do đóng góp của việc tăng giá điện. EVN cũng đã công bố: Giá bán điện bình quân trên thực tế năm 2013 của EVN đã tăng 134,5 đồng/kWh so với năm 2012, tương đương 9,8%.
Tổng doanh thu bán điện cũng tăng 19,85%, đạt trên 172.470 tỷ đồng. "Người tiêu dùng vẫn đang mong mỏi ngành điện công khai, minh bạch và kiểm toán rõ ràng nghiêm túc trong việc hạch toán giá điện nếu EVN tiếp tục xin tăng giá trong năm 2014"- bà Lan nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, năm 2014, EVN phải cần tới gần 6 tỷ USD để đầu tư cho điện, số tiền nợ gốc và lãi vay lên tới gần 33.000 tỷ đồng; trong khi mục tiêu sản xuất và kinh doanh điện lại phải có lãi thì EVN sẽ không còn cách nào khác là phải tiếp tục xin tăng giá điện. Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho hay, cuối năm 2013, giá điện tăng 5% mới là mức tăng thấp nhất mà ngành điện có thể tăng, do vậy giá điện phải tăng trong năm nay là khó tránh để ngành điện bù đắp đủ chi phí.
Ông Nguyễn Minh Duệ- Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng, Bộ Công Thương còn nêu một thực tế là mức giá thành sản xuất của EVN công bố, năm sau luôn cao hơn năm trước, khiến giá điện khó giảm được. Theo ông Duệ, tiềm năng để giảm chi phí của ngành điện còn rất lớn, ngành điện nên áp dụng triệt để để giảm áp lực tăng giá điện.
Mặc dù liên tiếp có lãi song về kết quả sản xuất kinh doanh điện nói chung, lũy kế đến ngày 31.12.2012, EVN vẫn lỗ 19.877,76 tỷ đồng, bao gồmcả lỗkinh doanh điện và các khoản chi phí chưa hạch toán vào giá thành điện. Các khoản lỗ của ngành điện Chính phủ đã cho phép EVN được hạch toán dần cho đến năm 2015, trong đó có cả thông qua việc tăng giá điện. Ông Đinh Quang Tri- Phó Tổng Giám đốc EVN |