Giáo sư Cù Trọng Xoay: Người Việt thông minh, dễ thích nghi  1

Ảnh nhân vật cung cấp

Còn nhớ giao thừa Tết Nguyên đán 2009, chương trình “Gặp nhau cuối năm” với chủ đề “Hoa Táo” sau khi được phát trên VTV đã thu hút được sự quan tâm lớn từ khán giả, nhiều người biết tôi có tham gia viết kịch bản đã liên lạc, nhắn gửi tôi: “Chửi hay lắm”, “chửi sâu sắc lắm”, “chửi thế mới sướng”... Vất vả cả tháng trời tìm hiểu tư liệu, tư duy đề tài, nay nhận được những sự khích lệ đó, lòng tôi thấy lâng lâng khó tả.

Nhưng kỳ thực điều này khiến tôi vừa hạnh phúc vừa trăn trở.

Chê mãi chẳng phải là hay

Say mùi “vinh quang”, tôi phát huy tối đa khả năng quan sát và phân tích cho kịch bản Táo quân năm sau cũng như cho ra đời hàng loạt tiểu phẩm lớn nhỏ mang phong cách “chửi” tương tự. “Chửi xoáy” thậm chí trở thành “thương hiệu” của tôi.

Nhưng đến một lúc ngồi ngẫm lại, tôi thấy những vấn đề được “chửi” rất hay ho các năm trước thì năm sau vẫn vậy, đôi chỗ thậm chí tệ hơn. Hóa ra việc này chẳng giải quyết được gì trong thực tế, ngoài việc “gãi” vào những “vết ngứa ngáy” mãn tính.

Vì vậy thay vì chỉ “chửi cho sướng”, chê bai, so sánh này nọ... nên chăng chúng ta cũng cần có cái nhìn tỉnh táo, đề cập nhiều hơn đến những mặt tích cực trong xã hội? Biết đâu đó cũng là cách góp phần đẩy lùi cái xấu. Nếu có “chửi” thì nhất thiết đó phải là “chửi” theo hướng xây dựng chứ không đạp đổ.

Góc nhìn, sự liên tưởng này khiến tôi thấy cuộc sống thú vị hơn.

Khả năng sáng tạo,thích nghi mạnh mẽ

Bắt đầu tìm hiểu tôi thấy người Việt thường được đề cập với hình ảnh một dân tộc có phẩm chất thông minh, dễ thích nghi. Một số người cho rằng chuyện “dễ thích nghi” sẽ khiến dân mình thiếu cá tính, không có bản sắc riêng... nhưng tôi nghĩ khác. Con người dù phát triển đến đâu cũng vẫn cần có một khả năng thích nghi cao để tồn tại trong xã hội khôngngừng biến chuyển này.

Chỉ một thập kỷ trước, có lẽ số lượng bạn trẻ Việt giành được học bổng du học, hoặc can đảm đứng ra tổ chức những hoạt động mang tính khám phá... rất ít nhưng hiện tại điều đó đã thay đổi. Họ học tập, thích nghi nhanh với những điều hay của thế giới và sáng tạo, “Việt hóa” các hoạt động đó để giới trẻ trong nước hòa nhập nhưng không hòa tan. Chỉ cần theo dõi báo đài, chúng ta sẽ thấy số lượng bạn trẻ Việt thành danh trên nhiều lĩnh vực đều tăng nhanh.

Hay như một chuyên gia quân sự từng chia sẻ rằng khả năng chịu đựng của những người lính Việt Nam, đặc biệt là lực lượng đặc công, có thể được xếp vào hàng đầu thế giới. Ông đánh giá cao khả năng độc lập tác chiến, tự mình đưa ra quyết định trong những tình huống khẩn cấp để đảm bảo sinh tồn và giành cơ hội chiến thắng.

Thử hỏi nếu không có khả năng sáng tạo, thích nghi mạnh mẽ đó từ dòng chảy trong người, làm sao dân tộc Việt có thể khai phá bờ cõi và hiên ngang đứng trên biết bao cuộc chiến tranh xâm lược, trụ vững trước muôn vàn thiên tai khắc nghiệt đã gánh chịu hàng nghìn năm nay.

“Anh” nào cũng có niềm riêng

Địa cầu hiện có khoảng 200 quốc gia, tôi xem đó là 200 con người với đủ vận mệnh khác nhau.

Tôi sang Nhật Bản vài lần, lần nào cũng để ý xem “anh Nhật” này là người như thế nào mà ai nấy đều tôn vinh, nhiều lần lấy “anh” làm hình mẫu để so sánh, chê bai những điểm yếu của “anh nhà mình”. Tôi không thích những lời so sánh đó nhưng tôi sẵn lòng sang thăm“anh” với lòng cầu thị.

Sự hiện đại, văn minh, tự giác của “anh Nhật” là điều không cần bàn cãi, thậm chí tận những vùng “miệt vườn” cũng có cơ sở vật chất, lối sống không thua kém gì thành thị.

Nhưng tôi bắt gặp mình lạc lõng giữa nơi đây vào những lúc mình lững thững xỏ tay vào túi quần, thong thả đi lại trong khi ai nấy đều rảo bước đầy hối hả, đầu hơi cúi về phía trước và tai gắn chặt headphone, ít giao tiếp...

Những người bạn của tôi ở Nhật cho biết hệ thống quy tắc ở đây dày đặc, nhiều người tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực này một cách nghiêm cẩn, thậm chí có người bị ám ảnh phải rèn luyện bản thân mình đạt chuẩn mực đó. Tôi hỏi về vấn đề tự tử tại đây, thấy mọi người kể về chuyện này với giọng bình thường, cho rằng không quá nghiêm trọng. Cũng cần nói thêm, số người chết vì tự tử ở Nhật cao gần gấp ba lần số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam.

Còn trong lần qua thăm Lào, đất nước còn nghèo nhưng người dân ở đây luôn nở nụ cười trên môi, lạc quan vui sống. Thế mới thấy cuộc đời chẳng lấy của ai hết và cũng chẳng cho ai hết tất cả bao giờ. Và đất nước nào mà chẳng có vấn đề riêng cần chung tay giải quyết. Đi tìm câu trả lời cho những vấn đề này, cùng nhau nhân rộng giá trị, phẩm chất tốt và cải thiện những “điểm trừ” là nhiệm vụ của loài người nói chung, dântộc ta nói riêng.

Bạn và tôi, vì vậy, còn rất nhiều việc cần phải làm...