Nhiều bạn trẻ Trung Quốc hiện nay ngoài khoản tiền sinh hoạt hàng tháng còn được nhận thêm “tình phí” từ phía phụ huynh.

Gia đình mong muốn con cái có người yêu

“Tình phí” vốn là một từ không còn mới mẻ trong quan niệm của nhiều người, đặc biệt là với giới trẻ. Nếu trước đây “tình phí” thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực thì hiện nay nó đã trở thành một quan niệm hiển nhiên với ngay cả những bậc phụ huynh.

“Kỳ nghỉ hè vừa rồi, tôi về nhà và kể cho cha mẹ về bạn gái của mình, không ngờ rằng họ đã quyết định cho tôi thêm một khoản tiền để trang trải khi yêu”, Dương Lâm cho biết. Để chia sẻ với mọi người kinh nghiệm của mình, cậu còn cho biết thêm:“Tuy bất ngờ và vui mừng nhưng cha mẹ tôi vẫn có chút lo lắng vì sợ việc học tập của tôi sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng quyết định này cũng có nguyên nhân của nó. Anh họ của tôi trước đây vào đại học nhưng cha mẹ nhất mực phản đối không cho anh ấy yêu đương vì sợ học hành sa sút, bởi vậy cho tới tận khi anh ngoài 30 tuổi mà vẫn chưa có người yêu khiến cả nhà lo sốt vó. Cha mẹ tôi chắc cũng lấy đó làm kinh nghiệm”.

Cha mẹ chu cấp tình phí vì lo con bị ế?

Nhiều bạn trẻ không hề tỏ ra ngạc nhiên về trường hợp của Dương Lâm vì xung quanh họ cũng có rất nhiều bạn học được cha mẹ “ủng hộ” như vậy. Thậm chí còn có bạn trẻ cho biết: “Gia đình tôi ở nông thôn, vốn dĩ chẳng giàu có gì nhưng cha mẹ vẫn luôn dặn tôi phải xông xênh với bạn gái chút”.

Theo thống kê điều tra của các nhà xã hội học Trung Quốc thì hiện nay hơn một nửa sinh viên trong những trường đại học tại Trung Quốc được cha mẹ chu cấp cho khoản “tình phí” mỗi tháng. Trong đó tỉ lệ nam giới được chu cấp “tình phí” chiếm số đông. Điều đó cho thấy những bậc phụ huynh đã có nhận thức và cái nhìn thoáng hơn khi “hỗ trợ” trong chuyện tình cảm cũng như lo lắng cho chuyện lập gia đình của con cái.

Tỉ lệ nam nữ chênh lệch quá lớn cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều đàn ông Trung Quốc chưa kiếm được vợ. Vì thế nhiều gia đình đã “lo xa” và ủng hộ con cái yêu đương ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học.

Nhiều luồng dư luận

Trên thực tế thì những trường hợp như “Dương Lâm” đều rơi vào những gia đình “có điều kiện”, còn những gia đình kinh tế khó khăn sẽ hoàn toàn trái ngược. “Để lo tiền học phí thôi gia đình tôi đã rất vất vả rồi, làm sao có thể ngửa tay xin cha mẹ tiền tình phí. Thôi thì nhịn yêu cũng chẳng chết ai”, một nam sinh viên than thở.

Con gái bây giờ rất thực tế, thậm chí thực dụng. Cả tháng yêu nhau mà không đi đâu ăn uống cải thiện thì chắc chẳng cô nào chịu được. Đấy là chưa kể tới đủ các dịp sinh nhật lễ tết cần phải chi tiền mua quà”, nam sinh khác than thở.

Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra không tán thành với quan niệm “hỗ trợ” con cái yêu đương của những gia đình có điều kiện. Họ cho rằng con cái có thể đi làm thêm hoặc tìm kiếm những cô gái “đồng gia cảnh” để tìm hiểu yêu nhau và tiến tới hôn nhân.

 Theo 163/Zing