Đến Trung tâm Chữa bệnh và Lao động Xã hội số 2 Ba Vì một ngày cuối tuần, chúng tôi đã gặp cô gái 18 tuổi Phan Thị Q (Đội 2, tầng 1, phòng 103 của Trung tâm).
Giữa hành lang vắng lặng của Trung tâm 2 - nơi cách xa những ồn ào của phố xá Hà Nội, cô gái trẻ người non dạ này khóc như mưa khi nhớ lại quãng thời gian dại dột vừa qua. Cô khóc vì bản thân đã quá ngây thơ tin bạn để đến nỗi sa ngã vào đập đá. Cô cũng khóc vì ân hận và thấy có lỗi với người mẹ lam lũ yêu thương cô hết mực.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo có 4 anh chị em ở vùng quê Thọ Xuân (Thanh Hóa). Bố mẹ Q đều ở nhà làm nông nghiệp nên cuộc sống chủ đủ ăn, thậm chí có nhiều lúc thiếu thốn. Song ở miền quê nghèo “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này, là con gái thứ 3 trong nhà, ngoài giờ đi học, Q vẫn luôn ý thức phụ giúp bố mẹ làm ruộng, đỡ đần việc nhà.
Đến Trung tâm Chữa bệnh và Lao động Xã hội số 2 Ba Vì một ngày cuối tuần, chúng tôi đã gặp cô gái 18 tuổi Phan Thị Q (cô gái thứ 2 từ trái qua phải)
Thế nhưng, người bố hàng ngày chỉ biết uống rượu và say xỉn của Q chưa bao giờ hài lòng về điều đó. Ngày nào, mỗi khi “rượu vào lời ra” là ông lại vô cớ chửi bới và đánh đập chị em Q. Mỗi lúc mẹ Q vào can ngăn, ông cũng đánh bà đến bầm tím mặt mày hoặc bị thương.
Q kể lại trong nước mắt về những ký ức tuổi thơ: “Trước đây, sức học của em chỉ trung bình khá. Năm nào em cũng cố gắng được học sinh tiên tiến nhưng bố chưa bao giờ hài lòng về điều này. Bố cứ đánh đập em và bảo các con nhà khác đi học giấy khen giỏi treo đỏ nhà, còn nhà này đi học thì toàn tiên tiến. Để bố vui lòng, em cũng cố gắng học. Năm lớp 8, vì nỗ lực học tập, đến giữa học kỳ, em còn được cô chủ nhiệm chọn vào đội tuyển Văn của lớp. Nhưng ngày em đi học ôn, bố không cho em đi. Em khóc đòi đi thì bố lại bảo, giấy khen để làm gì, giấy khen mang về thì cũng chỉ là tờ giấy… chùi đít”.
Đi học ôn về nhà muộn một chút, Q cũng bị bố đánh đập, sỉ vả. Có hôm vừa bưng bát cơm lên, Q đã bị bố chửi té tát. Cứ thế Q khóc hết nước mắt.
Mẹ Q thấy vậy lại góp ý hay khuyên can bố, song ông không nghe mà còn chửi mắng lại mẹ Q. Có hôm không có mẹ ở nhà, Q bị bố đánh nhiều trận thừa sống thiếu chết. Q chẳng dám vào nhà nằm khóc, chỉ biết ra ngồi bên đống rơm khóc một mình vì tủi thân và đợi mẹ về mới dám vào nhà.
Mẹ Q là người phụ nữ chịu thương chịu khó. Cả đời bà luôn tham công tiếc việc vì gia đình này. Những lúc thấy các con bị đánh mắng, mẹ hay động viên và bảo: “Tính bố chúng mày từ xưa đã cục cằn và lè nhè vậy rồi”.
Q nức nở khóc khi kể về tuổi thơ là những chuỗi ngày bị người bố say rượu bạo hành những trận đòn roi.
Vì tuổi thơ là những chuỗi ngày bị bố say rượu bạo hành bằng những lời chửi mắng, những trận đòn roi nên cô gái tội nghiệp này chỉ ước: “Em luôn ước bố đừng say rượu và yêu thương các con như những người bố khác. Mà cũng chẳng cần bố yêu thương chị em em nhiều, chỉ cần bố không say, không đánh mắng chúng em là đã mãn nguyện rồi. Nhìn thấy các gia đình có bố yêu thương các con là chúng em thèm lắm”.
Chán người bố suốt ngày say khướt, sợ hãi với những trận đòn roi và những lời tổng sỉ vả, anh trai Q đi làm xa tận Bình Phước, chị gái Q đi làm ở Bình Dương. Còn Q và mẹ ra Hà Nội làm thuê, làm mướn. Hiện, ở nhà chỉ còn lại bố Q và đứa em gái nhỏ đang học lớp 9.
Dại dột thử chơi đá và vết sa chân ngập nước mắt
Chưa học hết lớp 8, không chịu nổi những trận đòn roi, những lời mắng mỏ như cứa vào lòng con trẻ của người bố vô tâm, cô gái nhỏ này đã bỏ học, một thân một mình theo bạn lên Hà Nội mưu sinh. Để mẹ yên tâm, Q nói dối mẹ đang phụ cho một quán gội đầu. Mẹ tin lời Q nói mà không ngờ được, Q đã phải sống cuộc sống vất vả thế nào.
Ngày Tết, Q về nhà nhưng không khí đầm ấm của gia đình cũng chỉ kéo dài đúng 1 ngày. Từ ngày mùng 2 Tết trở đi, bố Q lại nát rượu khiến cả nhà chán ngán. Tết năm ngoái, vì không muốn về nhà nên Q quyết định ở lại Hà Nội. Tết đầu tiên ở lại này, Q bị bạn bè xấu rủ rê chơi đá nhưng Q từ chối.
Tết xong, biết mẹ cũng xuống Hà Nội làm thuê vì không chịu đựng được người chồng say xỉn, Q càng chán đời hơn. Mỗi lúc đến chỗ mẹ làm thuê ở phố Tây Sơn, Q lại trào nước mắt. Mẹ Q hai năm trước cũng bị tai nạn nặng nên cơ thể bà rất yếu. Thế nhưng bà vẫn phải lao lên Hà Nội làm thuê. Hàng ngày bà đi phụ quán cơm với lương 1,5 triệu/tháng. Đến tối về, bà lại tranh thủ đi bộ khắp khu vực Đống Đa để nhặt ve chai tận khuya mới về. Có đêm khuya, bà lại tiếp tục phụ dọn cho một quán cơm đầu ngõ cho đến gần sáng.
“Làm lụng vất vả nhưng mẹ em ăn uống rất sơ sài, hà tiện. Lúc nào mẹ cũng chắt bóp và chỉ dám ăn mì chần. Thương mẹ, em toàn bảo mẹ về nhà làm ruộng nhưng mẹ không chịu. Mẹ bảo ở trên này ngoài đi làm ban ngày thì tối đi lượm ve chai để lấy thêm vài ngàn đến 1,2 chục ngàn đồng lo cho em gái em đi học” - Q nghẹn ngào kể về người mẹ vất vả.
Chán cảnh gia đình, Q bắt đầu nghe theo lời rủ rê của bạn bè và chơi đá từ đầu năm 2012. Lần đầu Q bị bắt khi không chơi đá nhưng trong người có tàng trữ ma túy đá. Thấy Q hiền lành, cô chủ nhà tốt bụng đã nhận với công an là chồng cô bị bệnh tim cần thuốc ấy để chữa bệnh. Q lại được chị gái bảo lãnh nên nhanh chóng được thả.
Vài tháng sau, ngày 15/4 (khi chỉ còn 1 ngày nữa là đến ngày Q đi dự hầu tòa ở lần bị bắt đầu) thì Q nhận được điện thoại của người bạn chơi đá cũ mời về Hải Dương chơi.
Trong sụt sùi những giọt nước mắt ân hận, Q thương và thấy có lỗi với người mẹ lam lũ vất vả vô cùng
Về tới Hải Dương, Q gặp bạn tại một nhà nghỉ trên thành phố. Bạn vẫn còn chơi đá và chèo kéo rất nhiệt tình nên Q lại làm một hơi. Khi Q ở lại phòng đợi bạn đi mua đồ ăn thì công an bất ngờ ập tới. Hậu quả mà Q phải chịu cho phút dại dột này là án 2 năm cải tạo ở Trung tâm chữa bệnh Xã hội Ba Vì 2.
Trong sụt sùi những giọt nước mắt ân hận, Q thổn thức nói trong tiếng nấc: “Em ân hận lắm. Ngồi trong này 2 tháng rồi mà ngày nào em cũng nhớ tới mẹ. Tóc mẹ em chắc lại bạc trắng vì em rồi. Lần gọi trước được phép gọi cho mẹ trong 2 phút ở trại, cả 2 mẹ con đều khóc nhiều lắm. Mẹ bảo em: ‘Sao con lại làm cho mẹ đau lòng thế này!’. Em thương và ân hận nhưng chẳng biết nói gì với mẹ. Em chỉ bảo mẹ ‘Mẹ ơi, hãy tha lỗi cho con. Con xin lỗi mẹ!’”.