Kênh xanh chỉ còn trong hồi ức

Đối với những người lớn tuổi như bà Nga nhà ở đường Đặng Dung, (quận 1, TP. HCM), cầu Kiệu hay cầu Nguyễn Văn Trỗi trước đây từng là nơi mà mỗi giờ tan học bà cùng bạn bè vẫn thường rủ nhau ra hóng mát, ngắm những khóm bèo Lục Bình trôi trên mặt nước kênh trong xanh.
 
Nhưng với bà những dòng kênh xanh một thời chỉ còn lại trong hồi ức. “Ngày trước kênh còn trong xanh, đứng trên cầu nhìn xuống còn thấy rõ bóng mình. Chiều chiều bọn trẻ còn đua nhau đi tắm mát chứ bây giờ mà có lỡ rớt xuống kênh chưa chết đuối thì cũng chết ngạt vì mùi hôi thối”.
 

 Rác thải từ những ngôi nhà lấn chiếm được xả thẳng xuống lòng kênh
(cầu Sơn, quận Bình Thạnh).
 

Những con kênh tù đọng nước luôn mấp mé mặt đường
(một đoạn kênh trên đường Kha Vạn Cận, quận Thủ Đức).
 
 
Những dòng kênh vốn đã nhỏ nay còn nhỏ hơn.
 

Những con đường ngập chìm trong nước.
 
 
Kênh bị lấn chiếm ở mọi nơi (cầu Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh).
 
 
Những hộp đựng cơm vứt đầy trên mặt kênh sau một xưởng sản xuất cửa sắt.

Không chỉ có kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè mà hầu hết những con kênh trong thành phố đều đang ở trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Đặc biệt là những kênh rạch nhỏ trong các khu dân cư, tình trạng ô nhiễm càng nặng nề hơn.

Người dân tự do xả rác và nước thải xuống lòng kênh một cách vô ý thức làm cho nguồn nước ở những con kênh này mang một màu đen xì và có mùi hôi thối khó chịu.
 
Một khúc kênh tù đọng bị che lấp bởi dày đực cỏ dại và lục bình.

Anh Nam, một người dân ở đường 52, khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TP. HCM), tâm sự: “Hồi trước lâu lâu cũng ra bờ kênh sau nhà câu cá giải trí lúc rảnh rỗi. Nhưng mấy năm nay, nước kênh tù đọng toàn rác thải ngồi câu mà mùi hôi xộc lên rất khó chịu. Nhiều khi câu được cá cũng chẳng dám ăn vì sợ cá ăn toàn rác thải dưới lòng kênh”.

Không chỉ ô nhiễm mà theo anh Nam, nhiều người dân ở đây thi nhau lấn chiếm kênh rạch để mở rộng nhà cửa. Lúc đầu, chỉ có vài người sau rồi gần như nhà nào cũng lấn. Mà nhà sau lại lấn ra nhiều hơn nhà trước. Bây giờ nhiều đoạn lòng kênh chỉ còn vài ba mét. Nên mỗi khi trời mưa lớn hay triều cường nước không kịp thoát tràn cả vào nhà dân hai bên bờ kênh.
 
Những ngôi nhà lấn kênh với bờ kè kiên cố (một đoạn kênh thuộc khu phố 8
phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức).

Chỉ vào ngôi nhà cách đó vài ba căn anh lắc đầu kể: “Nhà đó hồi mới xây dân khu này ai cũng phải tấm tắc khen vì chủ nhà làm sân vườn rất đẹp. Nhưng bây giờ, muốn bán mà chẳng ai mua vì vài năm trở lại đây sân nhà đấy nước ngập gần như quanh năm. Cứ rút được vài hôm thì nước kênh lại tràn vào. Nhất là mùa mưa, cả sân chỉ toàn bèo với cỏ dại, dọn được mấy hôm lại mọc đầy lên như nhà hoang”.

Những con kênh đang chết mòn

Hiện tượng người dân lấn kênh để cơi nới nhà cửa không chỉ mới diễn ra mà đã kéo dài từ rất lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để. Không chỉ lấn mặt kênh mà nhiều gia đình còn đổ đất và xây kè rất kiên cố để lấn chiếm lòng kênh.

Trên địa bàn các quận Gò Vấp, Bình Thạnh,…nhiều đoạn kênh bị người dân san lấp, lấn chiếm sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau mà không hề được sự cho phép của các cơ quan chức năng.

 
Những đường ống nước bẩn được xả thẳng xuống lòng kênh mà không hề được xử lý
(những ngôi nhà lấn kênh tại đường số 23 Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức).
 

Lấp kênh để xây dựng nhà kho sau một của hàng vật liệu xây dựng.
  
 
Và cả những ngôi nhà được xây dựng tạm bợ trên mặt kênh
(ảnh chụp từ cầu Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh).
 

Hàng loạt gia đình lấn kênh để cơi nới thêm nhà cửa
(ảnh chụp từ cầu Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh).


Nước kênh bẩn bốc mùi hôi thối khó chịu


Việc lấn kênh vẫn diễn ra hàng ngày.
 
Không chỉ san lấp để lấy mặt bằng sử dụng, một vài hộ dân còn tự ý làm kè bao một phần kênh để nuôi cá, san lấp để làm chuồng gà hay trồng cây ăn trái.
 
Chủ nhà này đã khép kín một đoạn kênh sau nhà để làm hồ nuôi cá
(một đoạn kênh tại đường số 23 Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức).
 
Dùng đất lấn kênh để làm chuồng gà và trồng cây ăn trái
(khu phố 1, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức).

Đi dọc các con kênh ở đây, có thể nhận thấy rất nhiều đường uống nước thải của các hộ gia đình được xả thẳng xuống các con kênh mà không hề qua một khâu xử lý nào. Bên cạnh đó, rác thải sinh hoạt và buôn bán của nhiều nhà dân không được thu gom xử lý mà vứt ngay hai bên bờ kênh và trôi nổi đầy trên mặt nước.

Quan sát những người làm nghề thu lượm ve chai trên một vài đoạn kênh ở khu vực quận Thủ Đức có thể thấy rất nhiều loại chai nhựa, bao ni lông, các đồ dùng bằng nhựa hư hỏng được họ thu lượm lại trên mặt kênh mỗi ngày. 

Theo những người làm nghề này, thì phần lớn các loại ve chai họ thu lượm được đều của các hộ dân sống hai bên bờ kênh xả xuống hàng ngày. Và đó chỉ là một phần nhỏ lượng rác thải bởi vì các lọaị rác không thể tái sử dụng còn lớn hơn rất nhiều.
 
Những dòng kênh tù đọng đầy rác thải là nơi phát sinh những mầm bệnh nguy hiểm
(một đoạn kênh thuộc phường 17, quận Gò Vấp).

Một công nhân thu gom rác ở khu vực cầu Bình Lợi, quận Gò Vấp cho biết, mặc dù vài ngày lại có người thu gom rác nhưng người dân ở đây vẫn có thói quen xả rác xuống kênh vì như thế vừa nhanh vừa tiện, nhất là các loại rác thải từ việc chế biến thực phẩm hàng ngày.

Chiều rộng bị thu hẹp, cộng với lượng rác thải lớn khiến cho nhiều con kênh không thể tiêu thoát nước và trở thành những con kênh chết. Điều này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng hơn và chính những con kênh tù đọng lâu ngày cũng là nơi chứa đứng rất nhiều mầm bênh nguy hiểm như sốt xuất huyết, tả…

Để giải quyết tình trạng chết mòn của các dòng kênh rất cần sự xử lý triết để của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết tình trạng lần chiếm lòng kênh. Bên cạnh đó, là việc nâng cao ý thức của người dân sống hai bên bờ các con kênh trong việc giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường. Có như vậy những dòng kênh xanh mới không còn là điều chỉ tồn tại trong ký ức của những người thuộc thế hệ trước.
 

Cơ hội trổ tài cho các bạn nấu ăn ngon chụp ảnh đẹp đây: click vào GIA ĐÌNH KHEN NGON để xem thể lệ dự thi và xuýt xoa với giải thưởng nào!!!