Nhóm mà anh chàng sinh viên mới ra trường Emad lập ra có tên là Gawezny Shokran (Hãy giúp tôi lập gia đình, xin cảm ơn).

Theo điều tra mới nhất của Cơ quan trung ương về thống kê của Ai Cập (CAPMAS), Ai Cập có khoảng 13,3 triệu người đến tuổi kết hôn vẫn "phòng không gối chiếc". Các chuyên gia cho rằng sự gia tăng tỷ lệ người độc thân tại đất nước Ảrập đông dân nhất này là do chi phí hôn nhân đắt đỏ so với mức sống thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Tại nước này, tiền tổ chức một đám cưới, thuê một căn hộ và mua đồ đạc có thể tiêu tốn từ 50.000 cho đến 100.000 bảng Ai Cập (khoảng 9.140 đến 18.280 USD). Nếu đôi vợ chồng mới cưới muốn mua căn hộ mới sẽ tốn kém hơn rất nhiều.

Giá thuê một phòng ở Cairo là 350 bảng một tháng. Mức giá này ở các khu vực sang trọng còn có thể lên tới 3.000 bảng hoặc cao hơn, vượt xa khả năng của những người có thu nhập thấp.
 

Chú rể phải có chỗ ở, có của hồi môn và tặng cho cô dâu một bộ trang sức đắt tiền

Phong tục cưới xin truyền thống vẫn thịnh hành ở Ai Cập. Chú rể phải có chỗ ở, có của hồi môn và tặng cho cô dâu một bộ "shabka" đắt tiền bao gồm những trang sức bằng vàng trị giá ít nhất 10.000 bảng. Anh ta cũng phải trả chi phí cho tiệc cưới và mua sắm phần lớn đồ đạc trong nhà. Rất nhiều người có thu nhập quá thấp không thể chịu nổi các chi phí cho đám cưới nói trên.

Khoảng 40% người dân Ai Cập có thu nhập thấp hơn 2 USD một ngày. Ai Cập cũng là nước có tỷ lệ lạm phát cao chỉ tính riêng trong tháng 1 năm nay lên tới 13,6% trong tháng, theo báo cáo của CAPMAS. Tỷ lệ thất nghiệp tại quý 4 năm 2009 là 9,4%. "Tôi không đủ tiền để có một căn hộ sau khi cưới," Ahmed Sonbul, một phóng viên 27 tuổi, nói.

Emad tin rằng anh có thể gây quỹ để giúp những người muốn lập gia đình thông qua nhóm trên mạng xã hội Facebook. Mỗi thành viên sẽ đóng lệ phí hàng tháng là 15 - 20 bảng Ai Cập. Hiện nhóm có 180 thành viên, nếu con số này tăng lên, tiền lệ phí có thể trang trải cho ít nhất một đám cưới mỗi tháng, Emad cho biết.

Ý tưởng của Emad được nhiều thanh niên thán phục. "Tôi nghĩ đây là một ý tưởng rất hay, tôi hoàn toàn bị thuyết phục," Adel Moussa, một nhà báo 25 tuổi mới tham gia, cho biết.

Facebook, do Mark Zuckerberg sáng lập năm 2006, được giới trẻ Ai Cập ưa chuộng. "Tôi muốn cảm ơn Mark Zuckerberg vì đã lập ra website này... Tôi muốn giúp những người Ai Cập nghèo có thể kết hôn, và hy vọng giấc mơ sẽ trở thành hiện thực", Emad trao đổi với Xinhua trên điện thoại.

Tuy nhiên nhiều thành viên đặt câu hỏi liệu ý tưởng này có thành công vì một số người cho rằng việc này là không hợp pháp. Những người khác lại nghĩ nhóm sẽ không thu được số tiền cần thiết. "Khi nào chúng ta bắt đầu thu tiền, thì tôi không nghĩ là nhóm có thể có được 1.000 thành viên", Yossif Abdullah viết trên trang của nhóm.

Emad trả lời rằng anh sẽ không thu tiền cho đến khi có đủ số thành viên, và anh cũng đang xem xét tới mặt pháp lý của việc quyên tiền qua các mạng xã hội. "Chúng tôi đã tính tới việc thành lập một tổ chức phi lợi nhuận dưới sự giám sát của Bộ Đoàn kết xã hội Ai Cập", Emad cho biết.

 
Theo Mai Thanh
Vnexpress