Kết thúc năm khó khăn 2011, nhiều công ty công bố kết quả kinh doanh trong đó không ít tên tuổi “đại gia” nằm trong danh sách “ăn nên làm ra” và ngược lại không ít nhà giàu cũng “bốc hơi” một số vốn không nhỏ.

Điển hình cho những tên tuổi kém may mắn đó là “đại gia” Quốc Cường Gia Lai. Theo kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2011 đã hợp nhất của Quốc Cường Gia Lai, tuy doanh thu thuần quý IV đạt gần 249 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (hơn 8 tỷ đồng so với quý IV/2010) nhưng chi phí giá vốn cao lên tới hơn 233 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp thấp, chỉ đạt 14,84 tỷ đồng.

Quốc Cường Gia Lai cũng "thất thu" trong năm 2011.

Nói về việc “thất thu” của mình, Quốc Cường Gia Lai cho biết, chi phí giá vốn, tài chính và chi phí khác trong quý 4 năm 2011 đạt hơn 362 tỷ triệu đồng do ảnh hưởng của giá vốn hàng bất động sản bán ra trong kỳ tương ứng theo doanh thu là hơn 226 tỷ đồng.

Ngoài ra việc phát hành thêm trái phiếu bổ sung vốn đầu tư, chi phí lãi vay của các khoản vay kinh doanh của công ty Địa ốc Sài Gòn Xanh (Một công ty thành viên của Quốc Cường Gia Lai) ghi nhận chi phí vào trong kỳ này và chi phí trích lập các khoản dự phòng về các khoản đầu tư hình thành trong quá trình kinh doanh của các dự án Long Phước Quận 9 và dự án Đa Phước làm ảnh hưởng rất lớn đến việc tăng chi phí và lợi nhuận của tập đoàn. Điều này cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của tập đoàn.

Theo tính toán, năm 2011, Quốc Cường Gia Lai lỗ thuần tới 93,66 tỷ đồng và lỗ sau thuế là 103,56 tỷ đồng trong quý IV/2011. Từ đó, lũy kế cả năm 2011, “đại gia” Quốc Cường Gia Lai cũng đã lỗ 38,63 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 283 tỷ đồng.

Việc làm ăn thua lỗ của Quốc Cường Gia Lai trong năm 2011 cũng là điều dễ hiểu khi mà hiệu quả kinh doanh chủ yếu của công ty dựa vào hoạt động kinh doanh bất động sản, nhưng tình hình thị trường BĐS trong năm qua được đánh giá là một năm ảm đạm. Khó khăn chung đã làm cho sản phẩm không tiêu thụ được, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu. Trong khi đó, tập đoàn vẫn phải trả lãi vay ngân hàng nên chi phí tài chính cao làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh trong kỳ. Số liệu từ tập đoàn này cũng cho thấy, lãi vay của Quốc Cường Gia Lai trong năm 2011 đã lên tới con số 195,17 tỷ đồng.

Một trường hợp khác không máy khá khẩm hơn là công ty cổ phần tập đoàn Đại Dương (OceanGroup). Tập đoàn này cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2011.

Theo kết quả vừa công bố của OceanGroup, doanh thu thuần quý IV của tập đoàn này tăng 19,5 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 477,4 tỷ đồng nhưng do chi phí giá vốn hàng bán tăng mạnh nên lợi nhuận gộp đạt 51,95 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 77,84 tỷ đồng cùng kỳ.

Nguyên nhân thất thu của OceanGroup được chỉ ra là do chi phí tài chính tăng mạnh từ 35,3 tỷ đồng cùng kỳ lên 79,69 tỷ đồng quý IV/2011. Chỉ tính riêng chi phí lãi vay, năm 2011, tập đoàn này đã phải chi tới 195,17 tỷ đồng.

Như vậy, nếu như lợi nhuận sau thuế quý IV/2010 của OceanGroup là 154,68 tỷ đồng thì con số này của năm 2011 là lỗ hơn 20 tỷ đồng và chỉ đạt 18,36 tỷ đồng. Điều này dẫn đến lũy kế cả năm 2011 của OceanGroup giảm mất 68,8% so với cùng kỳ và tập đoàn này chỉ đạt lãi ròng 182,75 tỷ đồng.