Cơm chay chốn hàng quán



Để đáp ứng nhu cầu của đông đảo thực khách, nhiều quán ăn chay đã mở cửa. Khác với những món ăn chay dân dã nơi cửa chùa, đa phần tiệc chay tại nhà hàng đều phong phú hơn cả về nguyên liệu, cách chế biến, các món ăn…

Buổi trưa, ghé qua các nhà hàng chay như Việt Chay Thăng Long, Kim Cương, Hoàng Gia…có thể dễ dàng nhận thấy thực khách chủ yếu là dân văn phòng và giới trẻ rủ nhau đến thưởng thức những món ăn lạ miệng.

Chị Nguyễn Phương Lan (Láng Hạ, Hà Nội) vui vẻ nói: “Mình được đứa bạn dẫn đi ăn cơm chay cách đây vài tháng. Ban đầu chỉ nghĩ là ăn chay có lợi cho sức khỏe, giúp trẻ lâu mà không bị tăng cân. Ăn thịt nhiều cũng chán, nhất là thời buổi bây giờ nhiều dịch bệnh, nên quyết định đi ăn cho thay đổi khẩu vị. Ai ngờ ăn chay ngon thế, mình thích luôn. Cuối tuần nào cũng cùng ông xã đi ăn chay một bữa”.

Khác với chị Phương Lan, bạn Nguyễn Hải Hà (sinh viên năm thứ 3, ĐH KHXH&NV) lại đến quán chay vì lí do khác: “Ăn chay trở thành trào lưu của giới trẻ. Mình mê nhất là không gian tại các nhà hàng đó, quán rất thanh tịnh, mô phỏng chốn cửa thiền. Nhiều hôm thấy mệt mỏi, lên quán gọi một bát cháo sen, nghe nhạc thiền, cũng thấy lòng thanh thản hơn”.

Tại nhà hàng cơm Bồ Đề Tâm, Anh Nguyễn Văn Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) cùng gia đình đăng ăn món súp tĩnh tâm. Anh cho biết: “mỗi tuần nhà tôi đến đây một lần ăn chay. Cứ nhìn cách bài trí món ăn này mà xem, màu sắc rất đẹp, bày biện vừa mắt, tên gọi lại rất hay. Đổi khẩu vị một chút sẽ rất tốt đấy”.

 Cơm chay chốn cửa thiền

Ngay từ những ngày đầu tháng bảy âm lịch, nhiều người đã lên chùa ăn chay. Người đến vãn cảnh chùa, đều được sư thầy mời ở lại dùng cơm. Chỉ là bữa cơm đạm bạc với rau dưa, đậu, lạc…nhưng thực khách đều cảm thấy hài lòng, thích thú, bởi không gian tịch mịch, không ồn ào, bụi bặm chốn cửa thiền.

Thượng toạ Thích Nguyên Hạnh trụ trì chùa Tảo Sách (386 Lạc Long Quân, Nhật Tân,  Tây Hồ,  Hà Nội) cho biết: “Rất nhiều người dân xung quanh khu vực này có thói quen ăn chay trong các ngày mùng một và ngày rằm hàng tháng. Đặc biệt, vào dịp lễ Vu Lan người dân đã bắt đầu ăn chay từ những ngày đầu tháng Bảy âm lịch. Người ta tự làm đồ ăn chay ở nhà, nhưng nhiều nhà vào chùa nhờ tôi  làm cỗ để báo hiếu với cha mẹ, tổ tiên của mình”.

Các ngôi chùa ở Hà Nội như chùa Bồ Đề, chùa Phụng Thánh, Tảo Sách…đều tổ chức bữa cơm chay trong tháng Vu Lan.

Chị Nguyễn Hồng Nhung (Khương Đình, Hà Nội) cho biết: “ Tôi bận bịu công việc nhưng cố gắng dành thời gian lên chùa ăn cơm chay hàng tháng. Chùa Phụng Thánh tôi hay lui tới vì cơm chay do chính sư thầy chuẩn bị. Cơm chay nhà Phật cũng mâm sáu người nhưng không khí nhẹ nhàng, thanh tịnh lắm, không ồn ào như khi người ta đi ăn cỗ thông thường. Sự thảnh thơi, thanh thản chính là cái người ta muốn tìm. Mâm cơm chay chỉ là một cái cớ để gần gũi trong không gian tĩnh tại, bình yên của chùa chiền”.

Tên món ăn cũng thấm đẫm văn hoá giáo lý nhà Phật. Chẳng hạn như món khai vị tri túc, xúp thập thiện, bánh hỏi nhẫn nhục, cà ri tứ đế, chả ram thiền định, lẩu trí tuệ, cơm chiên bát nhã, chè ngũ giới... Thực khách vừa ăn, vừa nghe sư trụ trì hoặc những người trong chùa giải thích ý nghĩa tên của từng món ăn.

Món chay vào bếp



Trong tháng Vu Lan, các bà nội trợ cũng có thể tự làm các món chay tại nhà. Chỉ cần “click chuột” một danh sách thực đơn và cách chế biến các món chay đều có.
Chế biến món chay không mấy phức tạp nhưng đòi hỏi công phu và sự sáng tạo. Nguyên liệu chay là ngũ cốc, rau quả đơn giản và dễ tìm. Đặc biệt, thực phẩm chay bán khá rộng rãi tại những cửa hàng, siêu thị và đều được chế biến sẵn.

Ngay từ ngày đầu tháng, chị Phương Nguyên (Kim Giang, Hà Nội) đã dậy sớm đi chợ, chọn lựa rau quả cho bữa ăn chay của gia đình. Chị cho biết: “Đa phần các món chay đều từ các loại củ, quả…cho nên việc lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, là điều rất cần thiết để bảo đảm hương vị của món ăn. Chẳng cần phải đến các lớp học nấu món chay làm gì, lên các diễn đàn, các mẹ đều chia sẻ kinh nghiệm nấu với nhau”.

Mỗi lần nhìn mẹ bày biện các món chay với nhiều màu sắc rực rỡ, cô con gái chị Phương Nguyên lại thích thú. Bé thích những món ăn chay của mẹ. “Mình được các chị chỉ dẫn cho cách làm món chay bổ dưỡng. Hôm nay cho cả nhà ăn Canh Thập bát La Hán. Món này rất nhiều vitamin và chất xơ, rất có lợi cho sức khỏe”.

Ăn chay, tự nấu các món chay đã trở thành một nét văn hóa, một trào lưu mới trong ẩm thực của nhiều gia đình. Trong tháng Vu Lan, cả gia đình bạn hãy  lựa chọn những món chay bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, đó cũng là một cách để tịnh tâm trong tháng Vu Lan.

Một số địa chỉ nhà hàng chay tại Hà Nội

Quán Cơm chay dinh dưỡng: sô 1, ngõ 39 Linh Lang, Ba Đình

Nhà hàng cơm chay nàng Tấm: 79A Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng

Nhà hàng cơm chay Hà Thành: số 116, ngõ 116 Kim Mã, Ba Đình

Tiệm ăn chay Âu Lạc: 318 đường Láng, Đống Đa

Nhà hàng cơm chay Thiện Tâm: ngõ 263 Giải Phóng, Hoàng Mai

Nhà hàng Việt chay Thăng Long: số 1, ngõ 26 Nam Thành Công, Đống Đa

Cơm chay Trúc Lâm Trai: 39 Lê Ngọc Hân

Nhà hàng cơm chay Hoàng Kim: số 8, ngõ 451 Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm

Một số chùa tổ chức ăn chay tại Hà Nội

Chùa Phụng Thánh: ngõ Cống Trắng, Trung Phụng, Đống Đa

Chùa Tảo Sách: 386 Lạc Long Quân, Nhật Tân,  Tây Hồ

Chùa Bồ Đề: Phú Viên, Bồ Đề, Long Biên

Đinh Liên