Mở thẻ vô tội vạ
Hằng Nga (35 tuổi, Hà Nội) có tới gần chục chiếc thẻ tín dụng trong ví. Xuất xứ của những chiếc thẻ này vô cùng đa dạng, phong phú. Chiếc thì chị Nga mở do có cô nhân viên tư vấn quá nhiệt tình, chiếc thì chị mở để giúp đứa cháu họ mới đi làm đạt đủ chỉ tiêu, chiếc thì do ham đợt miễn phí của ngân hàng...
Chị Nga vô tư mở thẻ vì nghĩ rằng “Mình chẳng tiêu gì, chẳng vay mượn gì đến nó thì làm sao phải sợ”. Tuy nhiên, những chiếc thẻ nằm im trong ví ấy lại khiến chị Nga mất những khoản phí “trời ơi đất hỡi”.
Một ngày, chị Nga tá hỏa khi nhân viên ngân hàng gọi đến yêu cầu chị đóng phí thường niên mấy trăm ngàn đồng. Nguyên nhân là do chị Nga quên hẳn thời hạn hết 1 năm miễn phí, cứ để thẻ đó mà không đi hủy. Mấy ngân hàng liền gọi tới đòi tiền làm chị Nga méo mặt. Tự dưng chị mất không tiền triệu cho những chiếc thẻ chẳng bao giờ sử dụng tới.
Thẻ tín dụng là phương tiện thanh toán tiện lợi, thông minh nhưng nếu sử dụng không đúng cách, bạn sẽ gặp những ẩn họa khôn lường - (Ảnh minh họa).
Quẹt vô tư, quẹt liên tục
Thẻ tín dụng là một công cụ thanh toán giúp ta có thể mượn tiền ngân hàng để chi tiêu trước và trả tiền lại sau mà không cần thủ tục rườm rà. Khi làm thẻ tín dụng, nhân viên ngân hàng thường căn cứ theo thu nhập của khách hàng để cung cấp hạn mức số tiền có thể cho vay. Chính vì vậy, nhiều người cứ vô tư quẹt thẻ vì nghĩ rằng số tiền mình vay nằm trong khả năng có thể trả được.
Lê Trang (24 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) mới đi làm được vài tháng thì có nhân viên ngân hàng đến mời chào làm thẻ tín dụng. Nghe bùi tai, cô nàng mở tới 3, 4 chiếc thẻ của mấy ngân hàng cùng một lúc. Ban đầu, Trang khá e dè, không dám sử dụng những chiếc thẻ tín dụng của mình, phần vì quen dùng tiền mặt trong thanh toán, phần vì nghĩ rằng đó cũng là một khoản vay, mà có vay thì phải có trả.
Tuy nhiên, sau một lần quên mang tiền khi đi mua quần áo và tặc lưỡi lôi thẻ tín dụng ra quẹt, Trang thấy thích tiện ích mà chiếc thẻ xinh xinh ấy mang lại. Tiền trong túi không hề vơi đi mà vẫn được tiêu xài thoải mái. Cuối tháng, có nhân viên tín dụng gọi đến báo Trang về số tiền cô nợ ngân hàng. Trang chỉ cần trả 5% số nợ là có thể tiếp tục sử dụng thẻ thoải mái.
Thấy hời to khi tiền vay nhiều mà tiền trả ít, tháng sau, Trang mua sắm vô tội vạ, cứ nhìn thấy món đồ nào thích là mua và đem thẻ ra quẹt vô tội vạ. Thẻ của ngân hàng này hết hạn mức, Trang lấy thẻ của ngân hàng khác ra để quẹt.
Cứ như vậy, Trang quẹt thẻ liên tục với suy nghĩ chỉ cần trả 5% số nợ là được tiêu xài thoải mái. Cuối tháng đó, cô nàng ngã ngửa khi thấy con số 5% mà cô tưởng là nhỏ nhoi còn lớn hơn cả số tiền lương cô nàng nhận được. Trang đành phải trả trước 2 ngân hàng, còn nợ 2 ngân hàng xin trả chậm. Cô nàng bị phạt tiền phí trả chậm 100.000 đồng, và số tiền này gộp luôn vào số gốc để tính lãi. Nhẩm tính số tiền mình phải trả vì trót tiêu pha vô tội vạ, Trang sợ hãi, mặt cắt không còn giọt máu.
Trang vô tư mua sắm bằng thẻ tín dụng vì thấy túi tiền của mình chẳng vơi đi tẹo nào - (Ảnh minh họa).
Quẹt thay, quẹt hộ, xài chung thẻ tín dụng
Thiếu hiểu biết về chi tiêu qua thẻ tín dụng, nhiều người còn rất hồn nhiên cho bạn bè, đồng nghiệp dùng chung thẻ tín dụng mà không lường trước ẩn họa khôn lường từ việc đó.
Tuấn Minh (31 tuổi, Hà Nội) là một ví dụ điển hình cho trường hợp này. Vốn tình tình thoáng, xởi lởi, anh chàng không bao giờ ngại ngần rút ví đưa tiền khi người khác cần giúp đỡ. Khi trong ví hết tiền, Tuấn Minh còn nhiệt tình rút thẻ tín dụng ra để cho mượn. Chỉ với một lời hứa của đồng nghiệp “Anh yên tâm, cuối tháng em trả cả gốc lẫn lãi cho anh” mà Minh vô tư đi quẹt thay, quẹt hộ. Có lần lười đi ra cửa hàng quẹt thẻ hộ, anh chàng còn đọc luôn password cho bạn để đỡ phải đi lại nhiều.
Minh cho nhiều người vay tiền thông qua chiếc thẻ tín dụng của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng thực hiện được lời hứa “trả ngay, trả đúng hẹn”. Hết người này đến người kia khất nợ làm Minh phải méo mặt đi trả thay.
Chưa kể đến việc nhiều người còn lờ lớ lơ, không thèm liên lạc gì với Minh để khất nợ. Lúc cho vay, anh chàng thoáng tính không thèm ghi lại ai nợ mình, nợ bao nhiêu. Giờ thì phải ngồi vắt óc nhớ lại xem mình đã cho những ai vay tiền với khoản tiền bao nhiêu để đi đòi. Anh chàng tốn thêm một khoản tiền điện thoại không nhỏ phục vụ cho mục đích đi đòi nợ.
Sau vụ tai nạn ấy, Minh cạch ngay cái sự tốt tính quá đà, tốt tính một cách ngờ nghệch. Anh chàng cẩn thận hơn hẳn với những chiếc thẻ tín dụng từ đó.
Bị những khoản khuyến mãi làm mờ mắt
Nhiều người sử dụng thẻ tín dụng một cách cực kỳ thiếu hiểu biết, bị mất tiền mà vẫn nghĩ rằng mình đang hời to.
Trường hợp của chị Nhung (30 tuổi, Đà Nẵng) là ví dụ điển hình. Chị Nhung làm thẻ tín dụng do đọc được thông tin ngân hàng chị mở thẻ liên kết với hãng thời trang chị hay mua đồ, khi thanh toán bằng thẻ sẽ được khấu trừ tiền hàng. Khi biết ngân hàng còn liên kết với nhiều khách sạn, khu du lịch, siêu thị mua sắm…, chị Nhung càng sướng hơn và rất tích cực quẹt thẻ.
Ham khuyến mãi, chị Nhung tích cực quẹt thẻ mà quên đi khoản phí thanh toán đang chờ phía trước - (Ảnh minh họa).
Cuối tháng, khi nhận được sao kê số tiền nợ lớn hơn mình dự tính, chị Nhung ngớ người ra một lúc rồi đùng đùng đi hỏi nhân viên ngân hàng. Hóa ra, do không tìm hiểu kỹ, chị Nhung không biết rằng những điểm thanh toán chị sử dụng có tính phí thanh toán. Nhiều khi số tiền chị mua hàng nhỏ, chưa đủ để được khuyến mãi mà chị còn phải trả thêm một khoản phí khác. Chị Nhung nghiến răng kèn kẹt đi trả nợ và thấy mình thật ngốc khi mất tiền mà vẫn mở cờ trong lòng, nghĩ rằng mình đang được hời một khoản lớn.
Những trường hợp trên chỉ là ví dụ rất nhỏ cho những ẩn họa khôn lường khi sử dụng thẻ tín dụng mà không tìm hiểu kỹ về nó. Đi liền với thẻ tín dụng là rất nhiều khoản phí, khoản lãi mà đôi khi bạn không chú ý tới. Đến một ngày, khi mất tiền oan cho nó, bạn mới ngớ người. Bởi vậy, khi ký hợp đồng mở thẻ tín dụng, hãy lưu ý đọc thật kỹ các điều khoản và cân nhắc kỹ lưỡng. Hãy là một người tiêu dùng thông minh và cẩn trọng hơn với những chiếc thẻ tín dụng.